Báo chí - truyền thông với biến đổi khí hậu
30/07/2024TN&MTBiến đổi khí hậu đang là chủ đề mang tính toàn cầu của giới báo chí, truyền thông. Báo chí - Truyền thông đang tập trung thông tin các chủ đề: Những biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với đời sống của con người, nhất là các nước nghèo và các nước đang phát triển; làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Truyền thông ứng phó với biến đổi khí hậu
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập mặn, sạt lở, bão, lũ,… có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.
Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối TK XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Và khi đó sẽ có khoảng 10 – 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Trong đó, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi tác động của BĐKH chính là những người nông dân nghèo ít đất, hoặc không đất sản xuất; đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Do đó, nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển kinh tế bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.
Có thể nói, truyền thông luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thiện với môi trường. Ưu thế của thông tin báo chí là tính cập nhật, được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục, có khả năng tiếp cận với đông đảo các đối tượng công chúng.
Những khó khăn và hạn chế của báo chí - truyền thông trong tuyên truyền về BĐKH
Khó khăn nhất hiện nay đối với nhà báo và các cơ quan báo chí là: Thiếu nhà báo chuyên viết về mảng đề tài này. Một số cơ quan báo chí ít quan tâm đến BĐKH. Kèm theo đó là khó khăn trong khả năng diễn giải, truyền tải các thông tin mang tính khoa học về BĐKH theo ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Yếu kém trong tìm kiếm đề tài liên quan đến BĐKH ở địa phương.
Những hạn chế trong thông tin: Thông tin theo từng đợt, thường sao chép “kịch bản BĐKH”, lúng túng trang thông tin về các vấn đề còn gây tranh cãi, các ý kiến trái chiều. Thông tin về biểu hiện và hậu quả của BĐKH nhiều hơn những phân tích về nguyên nhân, về cách thức ứng phó, xử lý, thiếu những nhận định, bình luận, danh giá có tính dự báo, độc đáo, sáng tạo. Đôi khi chưa nhận định rạch ròi giữa BĐKH với vấn đề: Môi trường, di dân,... còn thiếu sót trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Các phương tiện truyền thông, hàng ngày chúng ta biết được mức độ thiệt hại mà các trận bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,... đã gây ra. Tuy nhiên, không phải bài báo nào cũng chỉ rõ mối liên quan trực tiếp giữa các trận thiên tai này với tình trạng BĐKH. Do vậy, việc tăng cường ưu tiên đào tạo, nâng cao nhận thức (người làm báo và trách nhiệm của các cơ quan báo chí). Với chức năng thông tin và giáo dục của mình báo chí cần chỉ rõ nếu không có sự can thiệp sớm và kịp thời, BĐKH sẽ làm đảo ngược tiến trình phát triển và hủy hoại điều kiện sống của các thế hệ hôm nay. Báo chí cần tăng cường vai trò phản biện đối với các nhà hoạch định chính sách nhằm đạt được những chính sách thông minh về BĐKH.
Báo chí cần có thái độ ứng xử ở mức độ “đặc biệt”, không chỉ đứng ngoài phản ánh mà phải là một thành phần chủ động tham gia phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin, đề ra giải pháp. Một yếu tố quan trọng là phải có sự tham gia và giám sát của toàn xã hội. Cần phải tổ chức lại lực lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng tác nghiệp cho các nhà báo. Muốn vậy, cần có những yếu tố cơ bản: Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chuyên môn với các cơ quan báo chí, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế,... phải nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo viết về BĐKH và môi trường. Các nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực này cần phải được đào tạo lại, cung cấp kiến thức cập nhật về khoa học, pháp luật có tính chuyên môn sâu, nên thường xuyên tập huấn nghiệp vụ; không chỉ viết đúng, mà phải sắc, phải “chuyển hóa” được những nội dung chuyên môn thành thông tin dễ hiểu, gần gũi, thiết thực.
Thay đổi cách thức truyền thống nên bắt đầu từ những gì thật gần gũi nhằm thay đổi hành vi với môi trường sống; không chỉ đưa tin vĩ mô, mà phải là hành động của mỗi người, từ không vứt rác ra đường, bảo vệ cây xanh, giữ sạch nguồn nước,... hoặc chỉ là giới thiệu cuốn sách viết về tác động của BĐKH,... Báo chí rất cần sự hợp tác của ngành chuyên môn (tạo điều kiện cho nhà báo tiếp cận tài liệu, gặp gỡ những người có trách nhiệm, khảo sát thực tế,...)
Báo chí là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền về BĐKH, là một trong những kênh thông tin ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình cho lĩnh vực này. Để làm tốt hơn công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu các cơ quan báo chí, đặc biệt các phóng viên trực tiếp giao nhiệm vụ viết về lĩnh vực BĐKH cần được tiếp cận một cách nhanh nhất các đầu mối đang nắm giữ, xử lý thông tin về các sự cố, sự kiện môi trường. Cần thành lập mạng lưới truyền thông về biến đổi khí hậu. Hội Nhà báo Việt Nam nên quan tâm dành một phần kinh phí hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức tập huấn và đặt hàng viết về tác động của BĐKH. Nó tạo ra một mạng lưới phối hợp hành động vì môi trường và biến đổi khí hậu, hỗ trợ báo chí cơ hội tiếp cận thực tế. Xây dựng các phương pháp truyền thông mới; hình thành một diễn đàn báo chí về BĐKH, làm cầu nối để các cơ quan quản lý nhà nước chủ động phối hợp và chia sẻ.
Vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của BĐKH vừa mang đậm tính nghề nghiệp, vừa có ý nghĩa thời sự. Nhà báo cần bày tỏ quan điểm, sáng kiến, kinh nghiệm nghề nghiệp về việc tăng cường hợp tác giữa các nhà báo với nhau, các cơ quan báo chí trong vấn đề truyền thông về ngăn chặn và giảm thiểu tác động của BĐKH.
Một số kiến nghị và giải pháp
Thứ nhất, từ vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong truyền thông về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, các cơ quan báo chí luôn nhận thức việc thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác về BĐKH và ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và trách nhiệm của những người làm báo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, phải thể hiện được vai trò, tác động, hiệu quả của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH và ứng phó với BĐKH, phục vụ thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, các bộ, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương cần tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí để tuyên truyền định kỳ, thường xuyên và có định hướng đúng về những vấn đề liên quan đến BĐKH, giúp cộng đồng biết, kịp thời, chủ động, thích ứng, phòng tránh hạn chế thấp nhất tác hại do BĐKH gây ra. Bộ TN&MT cần phối hợp với một số cơ quan báo chí thành lập mạng lưới truyền thông về BĐKH. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để kết nối đội ngũ những người làm truyền thông chuyên viết về BĐKH.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin về BĐKH cho các cơ quan báo chí. Cần ưu tiên cho các cơ quan báo chí tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến ứng phó với BĐKH. Thiết kế và đưa nội dung giảng dạy về biến đổi khí hậu và môi trường như một nội dung chuyên sâu trong các Trường truyền thông - báo chí, nhằm đào tạo đội ngũ những người làm truyền thông báo chí chuyên sâu về BĐKH – môi trường. Các cơ quan báo chí cần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên về biến đổi khí hậu và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu (đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước, đi thực tế nơi có ảnh hưởng nặng nề của BĐKH,...) để xây dựng chiến lược truyền thông chuyên nghiệp, bài bản.
Thứ tư, hình thành một diễn đàn truyền thông - báo chí về BĐKH, xem đây là “cầu nối” để các cơ quan quản lý nhà nước chủ động phối hợp và chia sẻ những thông tin mới nhất, chính thống nhất về tình hình, các hoạt động ứng phó với BĐKH trong nước, khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin nhanh cả về bề rộng và chiều sâu để có những thông tin chính xác, khách quan, trung thực và trách nhiệm.
Thứ năm, các cơ quan báo chí cần có sách lược, chiến lược xây dựng tin, bài, ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình và các tác phẩm báo chí khác về BĐKH và ứng phó với BĐKH một cách bài bản, ổn định, hệ thống, lâu dài và chuyên nghiệp. Tăng cường các tác phẩm báo chí có tính ứng dụng cao, thiết thực, cụ thể, hữu ích, trực tiếp cho cộng đồng để người dân thực thi, vận dụng được trong môi trường BĐKH nhằm bảo đảm sinh kế bền vững cho họ ngay tại nơi có tác động xấu của BĐKH, “sống chung” với BĐKH, như vậy mới thực sự bền vững, phát triển lâu dài; tạo điều kiện, cơ chế chính sách tốt để tôn vinh, khen thưởng kịp thời các nhà báo có tác phẩm báo chí tốt về lĩnh vực này.
PGS, TS. DƯƠNG XUÂN SƠN
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc Gia Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024