Bài toán khan hiếm nước ở thị xã Sa Pa bước đầu đã có lời giải
22/11/2023TN&MTTS. Vũ Văn Bằng - nguyên cán bộ nghiên cứu khoa học ở Viện Cơ học - Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội Môi trường Giao thông Vận tải Việt Nam, Hội viên Hội Địa chất thủy văn Việt Nam. Đồng thời, ông là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất BVSK. Ông là một nhà khoa học hoạt động độc lập có nhiều cống hiến khoa học giá trị.
Với việc phát triển du lịch nhanh chóng như vậy thì vấn đề môi trường đặc biệt là vấn đề khai thác và sử dụng nước sạch đang là một thách thức đối với những nhà chức trách của Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng. Qua đợt hạn năm 2019, như đã biết, hiện nay thị xã Sa Pa đang sử dụng nước mặt ở 4 nguồn: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha với tổng công suất có thể khai thác là 6.460 m3/ngày đêm. Trong đợt khô hạn đầu năm 2019 trong 4 nguồn nước này thì nguồn từ Nhà Pha và Suối hồ 1 bị cạn kiệt. Lượng nước về Hồ Thác Bạc cũng cạn dần, duy chỉ còn nguồn Suối Hồ 2. Trong khi đó người dân thôn Suối Hồ, xã Sa Pa tháo dỡ phai chắn để lấy nước sản xuất nông nghiệp, nên tổng lượng nước thô cung cấp cho nhà máy xử lý nước Sa Pa không đủ, dẫn đến lượng nước cấp ra không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn và hộ dân trên địa bàn Thị xã. Có rất nhiều bài báo viết về việc khan hiếm nước tại Sa Pa, như: “Sa Pa khan hiếm nước sạch, giá nước đắt “cắt cổ””, “Sa Pa vẫn “căng như dây đàn” vì thiếu nước sạch”, “Nửa triệu đồng/m3 nước sạch, Sa Pa lo “vỡ trận” mùa nghỉ lễ 30/4”, “Hiệp hội Du lịch Sa Pa kêu gọi tiết kiệm nước phục vụ mùa nghỉ lễ 30/4-1/5”, “Khẩn trương khắc phục tình trạng khan hiếm nước sạch tại Sa Pa” …
Hình ảnh mua nước sinh hoạt của người dân Sa Pa (nguồn: CAND Online)
Hiện tượng thiếu nước xảy ra bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, có thể thấy một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là do biến đổi khí hậu gây khô hạn làm cho các nguồn nước mặt (sông, suối, ao, hồ…) cạn kiệt. Chắc chắn hiện tượng khô hạn này còn lặp lại trong tương lai. Vậy nên, ngay từ bây giờ cần phải có giải pháp đúng dắn khẩn trương đối phó với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khó lường. Một nhược điểm khác của nguồn nước mặt dễ nhận biết là hiện tượng bị ô nhiễm độc hại từ môi trường tự nhiên và nhân tạo là khó tránh khỏi và ngày càng nghiêm trọng, do đó khâu xử lý vừa phức tạp vừa tốn kém. Vậy nên giải pháp duy nhất mang lại hiệu quả và an toàn - ổn định, bền vững lâu dài là tìm kiếm và khai thác nguồn nước ngầm cung cấp tại chỗ cho Thị xã Sa Pa.
Nắm bắt được vấn đề này, Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe (BVSK) đặc biệt là TS. Vũ Văn Bằng đã lập đề cương đề tài Khoa học Công nghệ gửi tới lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cũng như UBND tỉnh Lào Cai với mong muốn ứng dụng Công nghệ bức xạ từ (công nghệ do TS. Vũ Văn Bằng phát minh) để giải quyết bài toán nước sạch cho thị xã Sa Pa trong nhiều năm tới. Cuối năm 2021, thuyết minh đề cương đề tài đã được UBND tỉnh Lào Cai thông qua và ký hợp đồng để đề tài được thực hiện trong năm 2022 - 2023.
Như đã đề cập ở trên, để có thể giải quyết bài toán khan hiếm nước ở thị xã Sa Pa một cách hiệu quả, ổn định và bền vững thì việc tìm kiếm khai thác nguồn nước ngầm cung cấp tại chỗ là một phương án tối ưu. Nhận ra điều đó, TS. Vũ Văn Bằng và Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất BVSK đã đề xuất thành công đề tài Khoa học Công nghệ có tên là: “Ứng dụng công nghệ bức xạ từ lập Bản đồ phân bố các điểm có triển vọng nước ngầm Trung tâm thị xã Sa Pa và đánh giá tiềm năng nước ngầm phục vụ quy hoạch cấp nước của Thị xã”.
TS. Vũ Văn Bằng cùng các cộng sự đã nghiên cứu rất kỹ điều kiện tự nhiên, địa hình và cấu tạo địa chất vùng trung tâm thị xã Sa Pa. Vào tháng 9/2022, ông cùng với các thành viên Công ty đã đi thực tế, quan sát và đánh giá toàn bộ khu trung tâm thị xã Sapa, phường Hàm Rồng, phường Ô Quý Hồ và Mường Hoa. Tuyến khảo sát chính là hành lang dọc theo tuyến đường 4D từ Phường Hàm Rồng đến ngã 3 đi Lai Châu. Tuyến khảo sát bổ sung là các đường nhánh trong trung tâm thị trấn: khu hồ Sapa, nhà thờ đá, ga tàu điện,… và đường Mường Hoa.
Tiếp theo, vào tháng 10/2022, TS. Bằng cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu tài liệu kết hợp đi khảo sát thực địa qua đó thu thập, thống kê và phân tích về hiện tượng trượt lở có liên quan tới nước mặt và nước ngầm; đo đạc, tính toán thể tích các bồn trũng chứa nước (sông, suối, ao, hồ…) tính toán lượng nước thấm xuống đất bổ cấp cho nước ngầm. Qua nghiên cứu, có thể thấy là mặc dù có mạng lưới sông, suối dày đặc, tuy nhiên lượng trữ nước bổ cập cho nước ngầm là tương đối ít do hệ thống sông suối thường dốc, nước chảy mạnh vào mùa mưa nhưng lại cạn vào mùa khô.
Cùng với việc khảo sát các nguồn nước mặt, vào tháng 10, đơn vị thực hiện đề tài đã đi khảo sát tại thực địa dọc theo tuyến 4D từ phường Hàm Rồng đến Ngã 3 đi Lai Châu, đã phát hiện ra trên 20 đứt gãy chứa nước ngầm. Hướng của đứt gãy chủ yếu theo hướng Bắc – Nam hoặc Tây Bắc – Đông Nam hoặc Đông Bắc – Tây Nam.
Trong tháng 11, ứng dụng CNBXT, TS. Vũ Văn Bằng đã thành công tìm được hơn 20 vị trí triển vọng nước ngầm và xác định giá trị định lượng các thông số kỹ thuật của những vị trí có triển vọng nước ngầm, như: chiều sâu gặp nước, hình dạng, kích thước không gian của đới chứa nước, tính toán trữ lượng nước... (đã lập bản đồ và báo cáo với Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Lào Cai tháng 11 năm 2022). Cũng trong tháng 11, Đơn vị thực hiện đề tài đã thực hiện theo dõi, quan sát và đo đạc các vị trí xác định có nước ngầm, kết quả cho thấy hầu hết các vị trí nêu trên đều là nước ngầm vận động trong các dị thường địa chất theo hướng TB – ĐN, chủ yếu xuất phát từ vị trí núi cao đổ xuống khu vực thung lũng bằng phẳng. Do nguồn bổ cập từ nước mặt không được ổn định, qua phân tích và đo đạc, có thể thấy lượng nước tồn tại trong đứt gãy vào mùa mưa là khá tốt, tuy nhiên theo kinh nghiệm đã thực hiện tìm kiếm nước ngầm tại các khu vực vùng núi (như Hà Giang) thì có thể dự báo lượng nước tồn tại trong các đứt gãy đã được phát hiện vào khô không được dồi dào. Tuy nhiên, nếu kết hợp nhiều vị trí có nước ngầm, lượng nước cung cấp cho Thị xã Sapa vẫn là rất khả quan.
TS. Vũ Văn Bằng sử dụng máy BXT-13 xác định các vị trí có dấu hiệu nước ngầm
Vào giữa tháng 2/2023, đơn vị chủ quản thực hiện Đề tài đã triển khai kiểm tra lại những kết quả của các đợt khảo sát trước. Qua đó, chủ nhiệm đề tài và các cán bộ Công ty đã đi khảo sát kỹ lại từng vị trí đã xác định, đo đạc lại các thông số kỹ thuật của từng vị trí. Có thể nhận thấy, các thông số về chiều sâu, bề rộng đới chứa nước không có sự khác nhau quá lớn giữa các lần khảo sát, tuy nhiên đợt khảo sát này (tháng 2/2023 là mùa khô), lượng nước dự báo tại các vị trí có sự thay đổi khá rõ rệt, các thông số cho thấy lượng nước dự báo tại hầu hết các điểm đều giảm từ 30-50% so với mùa mưa.
Cuối tháng 2/2023, đoàn cán bộ Sở KHCN tỉnh Lào Cai đã có cuộc kiểm tra tiến độ thực hiện Đề tài cũng như trực tiếp chứng kiến TS. Vũ Văn Bằng dùng máy BXT-13 để đo đạc tại hiện trường vị trí thuộc Bệnh viện đa khoa Sa Pa, cùng đi có các cán bộ thuộc phòng Kinh tế Thị xã Sa Pa.
Sau khi đã hoàn thành toàn bộ quá trình khảo sát thực địa, TS. Bằng không may lâm trọng bệnh và qua đời vào tháng 5/2023. Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe đã có công văn báo cáo tới Sở KHCN tỉnh Lào Cai. Được sự nhất chí của đồng chí Giám đốc Sở KHCN tỉnh Lào Cai, sự đồng thuận tham gia của TS. Nguyễn Văn Túc - Chuyên gia trong lĩnh vực địa chất thủy văn, địa chất công trình và là cố vấn khoa học của Đề tài, Công ty đã gửi công văn tới Sở về việc bổ nhiệm TS. Nguyễn Văn Túc làm chủ nhiệm thay thế TS. Vũ Văn Bằng.
Ngày 17/5/2023, TS. Nguyễn Văn Túc cùng với Ths. Vũ Quang Đức – Thư ký Đề tài và các cán bộ kỹ thuật của Công ty sử dụng máy BXT-13 đã khảo sát kiểm tra lại và bổ sung thêm 5 vị trí thuộc khu vực Phường Phan Si Păng Thị xã Sa Pa, đồng thời đã chọn một trong 26 vị trí có tiềm năng nước ngầm đề làm lỗ khoan kiểm chứng. Viện Công nghệ Khoan đã thực hiện việc khoan lỗ khoan kiểm chứng.
TS. Nguyễn Văn Túc đi khảo sát lại các vị trí triển vọng có nước ngầm tại P. Hàm Rồng
Ths. Vũ Quang Đức (thư ký đề tài) dùng máy BXT-13 xác định vị trí lỗ khoan kiểm chứng
Kết quả khi khoan đến độ 60m gặp tầng đá vôi phong hóa và dập vỡ nứt nẻ nhiều thì mực nước tĩnh đo được cách miệng lỗ khoan 19m, chứng tỏ trữ lượng nước ngầm tại đây rất dồi dào. Trữ lượng dự kiến có thể đạt 20-25m3/h.
Đoàn cán bộ Sở tiến hành công tác kiểm tra và nhiệm thu
Qua quá trình thực hiện đề tài KHCN, Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất BVSK đã đạt được những kết quả như sau:
- Lập được Bản đồ phân bố các điểm có triển vọng nước ngầm vùng Trung tâm (Khu đô thị) thị xã Sapa gồm 26 điểm.
- Đánh giá được tiềm năng nước ngầm vùng trung tâm thị xã Sapa phục vụ quy hoạch cấp nước thị xã Sapa (khoảng 168 m3/h hay 4.032m3/ngày đêm).
Đó là 02 giá trị (ý nghĩa) khoa học chính của Đề tài. Điều mà cho đến trước khi đề xuất và thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ này, chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào đề xuất hoặc thực hiện được. Đó cũng chính là lời giải cho bài toán kham hiếm nước sinh hoạt cho Thị xã Sa Pa.
Với kết quả trên, có thể ứng dụng ngay lập tức vào thực tiễn để quy hoạch khai thác nước sinh hoạt sao cho đồng bộ với kế hoạch phát triển của Thị xã Sa Pa. Một lần nữa cho thấy, CNBXT do TS. Vũ Văn Bằng phát minh đã chứng minh được tính ưu việt và hiệu quả. Mặc dù TS. Bằng đã mãi mãi ra đi, nhưng các thành viên của Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất BVSK sẽ tiếp nối, duy trì và phát triển để CNBXT tiếp tục được ứng dụng rộng rãi hơn nữa, phục vụ đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PV