Bắc Giang: Chống thất thoát Thuế phí tài nguyên khoáng sản
21/04/2022TN&MTThời gian qua, Bắc Giang đã tăng cường quản lý nguồn thuế, phí tài nguyên khoáng sản và phòng chống thất thoát nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Giang xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông đánh giá khái quát về nguồn thu thuế từ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Giang (người đứng phát biểu)
Ông Nguyễn Văn Hùng: Kể từ khi Luật thuế tài nguyên được ban hành vào năm 2009 đã đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật về thuế tài nguyên với hệ thống pháp luật khác như: Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật phí, lệ phí…. tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện công tác quản lý thu thuế Tài nguyên.
Trong những năm qua, ngành thuế Bắc Giang đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các sở ban ngành của địa phương, quản lý các mỏ tài nguyên khoáng sản được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc quản lý khai thác tài nguyên cho đến nay đã đạt được kết quả nhất định, góp phần tăng thu ngân sách và khuyến khích bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên. Số thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu là các khoáng sản phi kim loại và tài nguyên nước. Tuy nhiên, tỷ trọng số thu thuế tài nguyên hiện nay còn nhỏ so với tổng thu từ thuế và phí của tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, thu thuế tài nguyên năm 2019 đạt 132 tỷ đồng, năm 2020 đạt 163 tỷ đồng và 2021 là 147 tỷ đồng.
Phóng viên: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có những đơn vị nào còn nợ đọng các loại phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 73 đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân nợ các loại thuế phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản với tổng số tiền nợ trên 30 tỷ đồng.
Trong đó, doanh nghiệp nợ nhiều nhất là công ty CP Hợp Nhất (khai thác than – mã số thuế: 2400379403) hơn 10 tỷ đồng, công ty TNHH MTV Xuân An (mã số thuế: 2600975643) nợ 6,614 tỷ đồng, công ty CP đầu tư Đức Long (mã số thuế: 4601180361) nợ 2,130 tỷ đồng, Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc (mã số thuế: 2400552538) nợ 1,729 tỷ đồng, Chi nhánh công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường – Mỏ than Đồng Tàn (mã số thuế: 0100511368-005) nợ 1,361 tỷ đồng, chi nhánh công ty TNHH phát triển xây dựng Long Dương (mã số thuế: 0105296851-001) nợ gần 914 triệu đồng ,chi nhánh công ty CP Khoáng sản JMC (mã số thuế: 4900251589-002) nợ gần 372 triệu đồng,...
Khai thác tại mỏ than Bố Hạ
Phóng viên: Nhằm quản lý tốt nguồn thuế, phí tài nguyên khoáng sản và phòng chống thất thoát nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản, Cục sẽ có những giải pháp như thế nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Để quản lý tốt nguồn thuế, phí tài nguyên khoáng sản và phòng chống thất thoát nguồn thu từ tài nguyên khoảng sản, đồng thời nhằm khắc phục những tồn tại trong hoạt động quản lý thu thuế, chống thất thu, tăng thu NSNN đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Cục Thuế tỉnh Bắc Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực và các phòng liên quan rà soát khắc phục những sai phạm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến trách nhiệm quản lý thuế.
Tiến hành Thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, trường hợp rà soát phát hiện những tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động khai thác, tài nguyên khoáng sản có những dấu hiệu rủi ro hoặc có nhiều sai phạm sẽ bổ sung vào diện cần thanh tra, kiểm tra đột xuất. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý, sử dụng hóa đơn đối với việc mua bán tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp có xây dựng, cải tạo, san lấp mặt bằng xây dựng sản xuất, trụ sở làm việc mà dùng nhiều vật liệu đất, đá, cát sỏi để san lấp, xây dựng…tiến hành kiểm tra quyết toán khối lượng vật liệu, nhất là đất để san lấp mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh, đối chiếu khối lượng hồ sơ quyết toán đối với các đơn vị khai thác tài nguyên đất, đá, cát, sỏi…đã kê khai thuế, phí đầu ra với cơ quan Thuế.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xác định sản lượng đã khai thác với sản lượng đã kê khai với cơ quan Thuế, đặc biệt là đối với các mỏ được cấp phép trong kỳ hạn, nhằm tính đúng, tính đủ nghĩa vụ thuế và các khoản thu tài chính trong năm của từng tổ chức, doanh nghiệp đang quản lý có hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giúp tổ chức, cá nhân và nhân dân hiểu rõ quy định pháp luật về khoáng sản, trách nhiệm của địa phương, của người dân nơi có khoáng sản khai thác; trách nhiệm của tổ chức, cá nhận trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản.
Tiến hành rà soát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có hoạt động kinh doanh bến, bãi chứa vật liệu xây dựng, các cơ sở hoạt động khai thác đất sét làm gạch, san lấp mặt bằng, hoạt động san gạt, hạ cốt nền vận chuyển đất, đá dư thừa để quản lý thu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông?
Đỗ Hùng (thực hiện)