Chiều 20/6, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các địa phương, các vị Đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để cơ quan soạn thảo tổng hợp, tiếp thu những nội dung chiến lược, vĩ mô, sâu sát với thực tiễn đời sống từ đó hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.
Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước.
Đối với đề nghị của đại biểu bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nước nóng, nước khoáng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, nội dung này đã được quy định trong Luật Khoáng sản;
Đối với nước mặt, nước biển, nước ngầm thuộc đặc quyền kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, cùng với cơ quan liên quan tiến hành thẩm định rà soát nội dung này.
Cơ quan soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ, cùng với việc rà soát, điều chỉnh, sửa chữa một số từ ngữ, khái niệm, bổ sung thêm các thuật ngữ, bảo đảm đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước bảo đảm hiệu quả nhất.
Đặc biệt, căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội quốc gia, quy hoạch các vùng, quy hoạch tỉnh, sẽ thực hiện quy hoạch tài nguyên nước có chiến lược và bảo đảm hiệu quả nhất. Trong đó, nghiên cứu, tiếp tục rà soát việc phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.
Về các nội dung liên quan phục hồi tài nguyên nước mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết sẽ cố gắng cùng các địa phương và các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, tác hại của những “dòng sông chết” thông qua việc tạo dòng chảy, chống ô nhiễm môi trường để phục hồi tài nguyên nước.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục nghiên cứu các chức năng về phòng, chống, thoát lũ, chứa lũ để điều hòa chống úng, ngập đô thị, chống lũ ở các địa phương, các dòng sông.
Về trách nhiệm quản lý, phân cấp phân quyền, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết luật sẽ tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…, làm sao để quản lý và không trùng lặp các nội dung.
Đối với các luật như Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Khoáng sản, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm không chồng chéo và phân cấp, phân quyền đầy đủ, rõ ràng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trao đổi với các đại biểu Quốc hội
Về nội dung lấy ý kiến của cộng đồng dân cư liên quan đến quy hoạch và các dự án, nguồn nước, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, bởi người dân là đối tượng tác động của các dự án hoặc các nội dung liên quan đến việc bảo đảm cuộc sống của nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý về việc làm thế nào để lấy ý kiến người dân được khách quan, dân chủ nhất, bảo đảm người dân được tham gia và kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng, đây cũng là việc vừa lấy ý kiến nhưng người dân cũng vừa được tham gia kiểm tra, giám sát để tránh việc các dự án gây ô nhiễm nguồn nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, nguồn nước, đặc biệt là điều tiết lưu vực sông và liên hồ có ảnh hưởng đến các địa phương, do đó sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn và có hướng dẫn trong việc lấy ý kiến của người dân.
Theo nhandan.vn