Tài Nguyên và Môi Trường eMagazine

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2022, việc này đồng nghĩa với nhiều chính sách mới về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) được thực thi. Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao công tác quản lý nguồn tài nguyên ĐDSH được hiệu quả, trong đó có việc truyền thông về bảo vệ các loài chim hoang dã trước các nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trên thế giới có ít nhất khoảng 10 nghìn loài chim đang sinh sống, ở Việt Nam đã ghi nhận hơn 900 loài đang tồn tại. Một thống kê thú vị: số cá thể chim trên thế giới gấp khoảng 6 lần con số 8 tỷ người đang tồn tại trên hành tinh Trái đất. Một trong những yếu tố thú vị tạo nên giá trị nhân văn, vẻ đẹp, sự lãng mạn của thế giới loài người - bất ngờ thay - ấy là sự hiện diện của các loài chim hoang dã. Nói khác đi, như một tác giả đã viết: Phải chăng, bầu trời mênh mông và vũ trụ bí ẩn luôn tìm cách cắt cử các vị sứ giả lộng lẫy, biết bay và hót hay đến để làm đẹp và gửi các thông điệp quý giá đến với loài người chúng ta? Chim hoang dã, “các sứ giả bầu trời”.

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mở chuyên mục Đa dạng sinh học, đăng tải những bức ảnh cùng các bài viết, các cuộc trò chuyện với Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về các “Sứ giả bầu trời”. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã dành nhiều năm tâm huyết với lĩnh vực bảo tồn ĐDSH và say mê với việc chụp ảnh các loài chim hoang dã. Những cánh chim hoang dã mà chúng tôi gặp, quan sát, chụp ảnh kia đã được Trời Đất tạo tác đẹp đến mức không thể lý giải. Mẹ thiên nhiên quả là vị họa sĩ trác tuyệt, “nhà thiết kế thời trang” vĩ đại, ít ra là căn cứ vào với màu sắc sặc sỡ, âm thanh quyến rũ, hình dáng thơ ngộ “Muôn hình vạn trạng” của các loài chim đang hiện hữu (và nhiều loài khác nữa),...

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Ở Việt Nam ta, bây giờ mọc lên cả những thành phố la liệt quán đặc sản chim trời. Thịt chim, cháo chim, tiệm bán chim cảnh, vựa chim phóng sinh ở khắp các hang cùng ngõ hẻm. Thế nên, cảnh “chim trời cá nước” sum vầy trong thơ Xuân Diệu “chàng trai đi học nghe chim giảng/không thuộc bài đâu; ấy sự thường” cứ xa dần. Chúng ta đang có 10 loài chim đứng bên bờ cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp,... - nếu không có động thái bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hiệu quả, hẳn là chúng sẽ tuyệt diệt. 

Nên, chúng tôi xách máy đi vào rừng, rình chụp chim, mỗi lúc cô chú chim nào đó thình lình hiện ra, trái tim - cảm xúc của ai nấy đều nhảy nhót rộn ràng. “Sốc” đến mức nhiều người làm rung máy, ảnh rất dễ bị nhoè. Như thế đủ thấy việc tìm chim hoang dã ở ta để chụp nó khó đến như thế nào. Trong khi, vẫn loài chim đó, ở một số nước khác, cứ vào công viên, đứng im là chúng,... tới gần xum xoe.

Tất nhiên, vào rừng sâu chịu khó “mật phục” vẫn còn thấy được nhiều loài chim đẹp lắm. Đẹp đến mức dân “nghiền chim” ở các quốc gia khác đến thăm, họ hạ quyết tâm: Chưa chụp được loài pitta (đuôi cụt) kiêu kỳ này, chưa thấy bạn giẻ cùi bụng vàng kia,... thì chưa chịu lên tàu bay về nước. Nhiều loài đặc hữu (chỉ có ở Việt Nam) mà thôi.

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Tôi thích các loài pitta (Việt Nam gọi nôm na là chim “đuôi cụt”, vì chúng không có lông đuôi hoặc đuôi không dài như các loài thông thường). Lúc đầu nhìn thì cũng hơi,... lệch pha cập kễnh một chút. Bởi người ta đã quen với con gà trống lông đuôi cong vút, chim giẻ cùi lông đuôi dài hơn thân. Nhưng, ngẫm kĩ, nếu bỏ cái tập quán nghĩ là chim thì phải có đuôi cong dài đi, thì hệ quy chiếu đuôi cụt lại có vẻ đẹp riêng của nó.

Tất cả các loài pitta - đuôi cụt đều cơ bản xuất hiện trước mặt những người quan sát, chụp ảnh chim theo cách: Nhảy lóc chóc từ bụi rậm, từ tán rừng ra. Chúng đi lại dưới mặt đất hoặc cao lắm thì ở vài cái cành cây là là hay mỏm đá thấp tè. Có lẽ vì ít bay nên khỏi cần “bánh lái” là cái đuôi làm gì. Vẻ đẹp, sự cầu kỳ, ân sủng Trời ban tụ hội cả cho pitta ở các khối màu tuyệt diệu trên toàn cơ thể chúng. Đầu, cánh, ngực, bụng, chỗ nào cũng lộng lẫy đan cài!

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Tôi gọi đó là các mảng màu quyến rũ. Dường như các màu mê muội nhất đều được thượng đế trỉa lấy, ban thưởng cho pitta - loài chim hiền lành, cần mẫn, khiêm nhường và mơ mộng.

Cô và chú pitta cùng nhảy ra, nhẹ như gió thoảng. Chúng không ngơ ngáo sợ hãi, nhưng cũng đủ cảnh giác để đôi mắt thơ ngây luôn hướng về phía chúng tôi. Dù trong lều kín, thì ống kính tele của chúng tôi cũng thò ra quan sát. Nên pitta, dù bới đất tìm ăn côn trùng hay đùa nghịch gì đó với các miếng lá mục, thi thoảng chúng vẫn không quên dõi mắt cảnh giới chúng tôi. Và đó là cơ sở để các bức ảnh đẹp… có thể ra đời. Thật buồn với vài chú chim lơ phơ dạn dĩ, chúng không có ý định nhìn ngó chúng tôi, mà thấy bất an một cái là bay vụt lên như một tia chớp. Chụp chim (hay người) mà không thấy con mắt thì còn gì là thú vị, là “cửa sổ tâm hồn” nữa? Cảm ơn các bạn pitta mắt hiền như nai, bước đi thong dong, tìm giun ăn ốc sên cũng đĩnh đạc tiêu sái, có gì đó gợi đến vẻ “ngẫm nghĩ nhai” của loài trâu...

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Pitta thường ở các bụi rậm, các trảng rừng tối (hoặc rất tối) và nhiều côn trùng. Nên khi chúng xuất hiện, người chụp ảnh thường đau đáu lo toan với phép tính: làm sao để các bức ảnh đủ sáng. Giảm tốc độ màn chập thật nhiều; tăng ISO (độ nhạy sáng) thì ảnh dễ mờ và xấu, nhất là khi con chim ở khá xa nơi đặt máy. Ơn trời, pitta rất hiền. Hiền đến mức chúng có thể đứng yên vài phút, lắm lúc tôi giật mình: Hay đó là một bức tượng chim màu mè bằng phấn sáp. Giới chụp ảnh bảo nhau: Bạn có chân máy và chụp ở tốc độ 1/20 giây (rất chậm) cũng được, vì pitta đứng yên rất lâu. Cử động nhanh nhất của chúng chỉ là đĩnh đạc,... cúi xuống ăn mồi. Rồi thơ ngộ, mở to cặp mắt thiếu nữ “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” mà ngắm ba bề bốn bên như một thước phim quay chậm.

Một khối màu rực rỡ. Các loài pitta cánh xanh, đuôi cụt bụng đỏ, đuôi cụt đầu đen, đuôi cụt bụng vằn, đuôi cụt đầu đỏ… - chúng đều là tổng hoà của các sắc khối siêu rực rỡ - luôn gồm dấu cộng đáng ngạc nhiên của những mảng màu cực kỳ ấn tượng. Ngực của pitta, ở nhiều loài, đều có các thảm màu đỏ nhạt, vàng ươm, xanh dương, phân tán như những cái vảy lóng lánh đều tăm tắp, nối tiếp nhau. Tôi nghĩ, các vảy đó còn hình khối lung linh giống tranh sơn dầu, tranh ba chiều - lập thể hơn. Ngực một màu, cánh một màu, đuôi một màu, lưng một màu, màu nào cũng “rực lửa” cả. Sự hoà sắc đó, có thể khiến bất cứ ai phải mê đắm, ngỡ ngàng, có khi còn run rẩy. 

Tương tự, loài giẻ cùi bụng vàng, loài king fisher bồng chanh đỏ cũng thế. Có thể bạn sẽ phải thốt lên: trời không làm ra được cái màu sắc và sự trộn màu táo bạo và tài hoa này, người cũng không làm ra được đâu. Mà tác giả phải là một ông bà nào có năng lực thần bí và thăng hoa điên đảo lắm. Nếu các hãng điện thoại thông minh, các hãng xe hơi xa xỉ mà học được cách pha từng gam màu kiểu này, chế tác các sản phẩm độc lạ sang chảnh thì chắc chắn là thu bộn tiền.

Chẳng trách, người ta gọi thú ngắm và chụp ảnh chim hoang dã là một cái “hố vôi” nóng rực và cuồng nhiệt. Ai sa vào rồi thì khó thoát ra được. Và họ ở đó, xúng xính sắc màu, trong niềm hạnh phúc của khám phá và chiêm ngưỡng, ngẫm ngợi. Thiên nhiên khi ấy sẽ giúp bạn được giác ngộ.

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Thú vị hơn nữa, nếu bạn ngắm một chú pitta cánh xanh ở VQG Yok Đôn, tỉnh Đắc Lắc, hoặc dịch vào phía Đông Nam Bộ, vào rừng Thác Mai ở huyện Định Quán hay khu bảo tồn Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ngắm xong vài khoảnh khắc, cả năm sau, nếu hữu duyên, mới có dịp gặp lại. Nhà tự nhiên học người Đức đầu tiên đã mô tả về loài đuôi cụt cánh xanh này vào năm 1776. Chúng đến, hiện ra trước mắt chúng ta ở Việt Nam, sau một hành trình dài di cư trên vỏ trái đất mênh mông: trú đông ở Borneo và Sumatra (Indonesia), lang thang tới Philippines, rồi đảo Java rộng lớn. Chậm rãi như một thiền sư cao đạo, đẹp như một công nương đi lạc, lúc tuấn tú lộng lẫy như một hoàng tử mũ mãng khiên giáp du sơn du thuỷ...

Ít ai ngờ, nhan sắc đó (chim pitta) chủ yếu ăn giun, côn trùng, ốc sên vỏ cứng, đôi lúc chúng tôi thả vài con dế mèn vào hốc đá, chàng nàng cũng chớp chớp đôi mắt diễm lệ của mình rồi nhảy lóc chóc chậm rãi trên mặt đất, tới nơi, ăn như một nghi lễ đủng đỉnh. 

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Các loài đuôi cụt sống thành đôi, có vẻ như khá chung thuỷ và “dính” nhau như sam. Song, đôi lúc cũng mỏi mắt, nhiều năm tìm kiếm, chúng tôi có cũng chỉ tìm được một bạn pitta trống, còn con mái vẫn bặt vô âm tín. Lại có lúc thì đuôi cụt cánh xanh, đuôi cụt bụng vằn liên tục ra trình diễn các show no nê sắc màu, trống mái âu yếm. Ngẫu hứng thôi, chim trời cá nước, lại là loài di cư thoắt đến thoắt đi theo lý lẽ riêng của chúng mà.

Một loài rất màu sắc và dễ gây thổn thức cho bất cứ ai nhìn thấy nữa của rừng Việt Nam, ấy là giẻ cùi. Có loài giẻ cùi (phượng hoàng đất) đuôi dài hơn thân, nó bay lướt thướt điệu đàng trong rừng rậm, kêu ríu ran đàn đúm. Đuôi chúng dài và đẹp, đến nỗi trở thành biểu tượng, thành câu cửa miệng của dân gian Việt Nam, chắc ai cũng nhớ: “Giẻ cùi tốt mã dài đuôi”. Bà tôi thường nói câu này khi thấy mấy đứa bạn trổ mã của tôi trưng diện điệu đàng mà học dốt. Ý rằng, đừng có chú trọng bề ngoài bảnh choẹ, nhớ là tốt gỗ hơn tốt nước sơn, giẻ cùi được cái đẹp mã nhưng,... Nhưng, chúng tôi đôi khi thấy người ta dùng lòng gà thối, dùng các con rết tơ tướp đã chết để nhử giẻ cùi về.

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Cũng là loài chim vốn dễ gặp, cũng có tên “giẻ cùi…”, nhưng đang rất HOT trong giới tìm chim thế giới. Đó là Giẻ cùi xanh, hay còn gọi là giẻ cùi bụng vàng. Đây là một loài định cư, vốn khá dễ gặp ở nước ta (cả Trung Hoa và Đông Nam Á rộng lớn), cho đến khi các toán thợ săn hành hoành. Sau thời gian dài quá hiếm, gần đây, loài này về các tán rừng khá dễ quan sát ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng. Phải nói, với “tầm vóc” trung bình 35 cm chiều dài, thân khá vâm váp, giẻ cùi bụng vàng vừa như một vương tôn công tử oai phong, lại vừa như một quý nương muôn phần yểu điệu đi lạc trong rừng quê. Bay tha thướt, nhảy điệu đàng, giẻ cùi bụng vàng xuất hiện ở vùng Di Linh, Suối Tía, hay Mã Đà, Thác Mai (các “sân chim” nổi tiếng Việt Nam ở Lâm Đồng, Đồng Nai) là tất cả những người có mặt đều sững sờ. Lúc ấy, nói không ngoa, hầu hết các bạn chim xung quanh trở nên giản dị kiểu “chim quê” tất.

Chim chóc có vẻ như ít GATO con gà tức nhau tiếng gáy như loài người. Nên tôi vẫn thấy giẻ cùi bụng vàng và đám sóc chuột, sóc đuôi đỏ dẫm chân lên nhau cùng ăn quanh một khúc gỗ mục. Cô chú ta chả đánh nhau với loài chim nào bao giờ, dù to cao, mỏ lớn, màu rực, phong cách uy nghi bệ vệ.

Các mảng màu lộng lẫy biết bay

Kể cả người nào may mắn quan sát giẻ cùi bụng vàng nhiều lần rồi thì cũng vẫn xôn xao khi gặp chúng. Đầu xanh, lúc hứng chí dựng phom mào lên như dũng tướng đang giương oai bắt kẻ đối diện khai tên họ trước khi vào trận, bởi phom “mào” (thật ra là chỏm lông, chỏm “tóc”) cụ cựa, ưỡn lên, dấm dứ, giống cách của một chú sả vằn dữ tướng vẫn làm thị uy. Giẻ cùi bụng vàng còn đẹp hơn với mắt đỏ, mỏ đỏ, phần thân dưới vàng sậm tươi roi rói. Cánh cô chú ta đỏ, cẳng chân và bàn chân cũng đỏ.

Đôi lúc, chụp xong những bức ảnh các loài chim sặc sỡ kể trên của rừng Việt Nam, chúng tôi vẫn bảo nhau: Mẹ thiên nhiên thật kỳ diệu. Đôi lúc, người xem vẫn thắc mắc: hay là mấy nhà nhiếp ảnh kia đã photoshop (chỉnh sửa) đổ thêm đủ thứ màu mè vào một chú chim hoang dã, cho nó thêm phần rực màu và đỏm dáng? Không, tất cả là do tạo hoá pha màu, không công nghệ và sự khéo tay nào làm thay được cả.

Giá mà tôi có thể dẫn những người đặt dấu hỏi đáng yêu kể trên vào với cánh rừng có pitta, giẻ cùi xanh, bồng chanh đỏ, để họ bị chim chóc bỏ bùa luôn…  

Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Thiết kế: Tú Quyên

Tin tức

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

Đảng ủy Bộ TN&MT quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị

Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tài nguyên

Thăm dò, quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản: Hướng đến khai thác bền vững

Sơn La: Hoàn thành điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

Cần Thơ: Phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Thừa Thiên - Huế: Tập trung nguồn lực để tuyên truyền hiệu quả Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn

Môi trường

Nguy cơ lũ lụt cao khi bão số 4 đổ bộ

Bảo vệ môi trường di sản quần thể danh thắng Tràng An

Khắc phục sự cố vỡ đập bùn thải quặng đuôi tại Bắc Kạn

Khẩn trương kiểm soát ô nhiễm môi trường sau mưa lũ

Video

Điều chỉnh bảng giá đất phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP

Kết quả bước đầu kiểm tra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức

Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024

Bộ TN&MT mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai 2024

Khoa học

Bài 2: Đề xuất tiêu chí ảnh Viễn thám sử dụng trích xuất thông tin vùng ảnh hưởng do thiên tai

Dữ liệu viễn thám phục vụ cảnh báo, dự báo thiên tai

Sử dụng ảnh vệ tinh radar đánh giá nhanh thiệt hại do bão và vùng lũ lụt

Cần có giải pháp đồng bộ về cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét

Chính sách

CÔNG ĐIỆN: Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới

Thanh Hóa: Khu du lịch sinh thái biển Du Xuyên chậm tiến độ kéo dài, vi phạm các quy định của luật đất đai

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau bão

Phát triển

Bốc thăm chia bảng giải bóng đá “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” lần VI - năm 2024

Hàng triệu trái tim người dân Đắk Lắk hướng về đồng bào vùng lũ miền Bắc

Quản lý thị trường Lào Cai chung tay cùng người dân địa phương vượt lũ

Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Diễn đàn

Bão số 4 gây mưa lớn: Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đề phòng lũ quét và sạt lở đất

Tin Bão khẩn cấp - Cơn bão số 4

Thời tiết ngày 19/9: Bão số 4 khiến khu vực Trung Bộ mưa to đến rất to

Bão Yagi: Hành trình không bao giờ quên của dự báo viên khí tượng thủy văn