Trong những người mê ngắm, chụp ảnh chim mà tôi gặp, thì số lượng quý ông quý bà phải lòng bói cá, bồng chanh, sả vằn sả rừng - rồi từ đó lan rộng cái sự “lọt hố vôi” với tất tật các loài chim - là rất lớn. Bởi màu sắc độc lạ, hình dáng kiêu sa, lắm khi oai dũng dữ dằn một cách “chẳng giống ai”. Tôi luôn gọi cả chị sả vằn (chim mái) nâu vằn óng ả, lẫn gã sả vằn trống xanh lốm đốm dệt gấm thêu hoa là những “dũng tướng” xung trận. Oai phong lẫm liệt. Đẹp quý phái “bố đời”. Có gì đó kênh kiệu, “hạ mục vô nhân” lắm.
Theo phân chia của giới khoa học, thì bói cá là một nhóm các loài chim có kích thước nhỏ và màu sắc rực rỡ, phân bố rộng khắp các lục địa trên thế giới với khoảng 90 loài khác nhau - bạn nào cũng đầu to, màu mè, mỏ sắc nhọn và dài, chân ngắn, lùn. Phần lớn các loài có bộ lông sáng, có sự khác biệt nhỏ giữa hai giới trống mái (ngôn ngữ khoa học gọi là dị hình lưỡng tính).
Trong khi đó, sả vằn phân bố trên địa bàn hẹp hơn, chúng gắn bó với các khu rừng thấp nhiệt đới tại Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào, Malaysia, Sumatra, Java và Brunei. “Loài này đã tuyệt chủng tại Singapore”, tài liệu nhấn mạnh một cách khá ngạc nhiên, bởi “Quốc đảo xanh” nổi tiếng là nơi làm bảo tồn rất tốt.
Sả vằn là loài săn mồi được trời đất ban tặng cho các kỹ năng trứ danh. Chúng cảnh giác cao độ với mọi tiếng động xung quanh; trong khi chúng xuất hiện ở tán rừng nào thì đúng là “lai vô ảnh, khứ vô hình”. Người rình chụp chim, trừ trong mùa chim ghép đôi yêu đương dan díu gọi bạn tình, trừ khi chúng nuôi con ồn ào cưng nựng, hiếm khi biết trước việc sả vằn xuất hiện. Trước khi đến một vũng nước để tắm giữa rừng, trước khi tìm đến khu vực có vài con dế mèn phiêu lưu ký lãng đãng để ăn thịt, sả vằn bao giờ cũng đậu khuất nẻo ở khá xa để quan sát. Khi thấy thật sự an toàn, chúng mới đột ngột từ nhánh cây cao “vút” xuống, bách phát bách trúng, một con dế xấu số đi đời nhà ma.
Chàng nàng sả vằn đứng trên cây cao, chúng tôi ngồi trong lều nguỵ trang màu lá núi. Mùa yêu, thì sả vằn gọi nhau khá da diết. Tiếng chúng lanh lảnh có thể nghe được từ xa. Nín thở chờ các dũng tướng lộng lẫy trưng diện oai phong của rừng nhiệt đới xuất hiện. Mắt mở to, viền mắt đỏ, lúc chúng liếc, dường như các “cửa sổ tâm hồn” này có hình trái tim. Chim trống có chỏm “tóc” màu xanh trên đỉnh đầu, khu vực tai mắt và gáy là dải màu nâu (như kiểu chít khăn nâu) mượt mà. Mỏ đỏ, to, nhọn như hai thanh kiếm sắc có lúc há ra thở trong mùa khô nắng nỏ. “Nhan sắc” ấy có thể đẹp với người ngắm hay đẹp trong vẻ oai phong của chú sả trống quý-sờ-tộc, nhưng với đủ các loài rắn, rết, bọ cạp, sâu róm (những con mồi phổ biến của sả vằn) thì cặp mỏ này thật sự là một vũ khí sát thủ ghê rợn. Vùng lông dưới cổ họng của sả vằn (cả trống lẫn mái) đều có màu trắng mượt tinh khôi. Ấn tượng nhất là khu vực lưng, vai, đuôi khá dài của sả vằn đan xen các màu xanh, đen, trắng. Đây giống như một tấm thảm màu, một bức tranh đa sắc, là phần đặc trưng nhận diện khi sả vằn trống xuất hiện.
Trong khi ấy, vì đặc tính “dị hình giới tính”, tức là con cái và con trống rất khác biệt, nên chim mái giản dị hơn nhiều. Vì phải kỳ công khoe tài, khoe đẹp, khoe khoẻ mạnh để quyến rũ con cái và duy trì nòi giống, nên trời đã ban cho sả vằn trống vẻ đẹp ấn tượng và đầy cá tính. Trong khi chim mái chủ yếu một màu nâu xen lẫn màu đen khá trầm lặng. Giống bạn tình của mình, mỏ chim mái vẫn đỏ chót, to, sắc; các túm lông ở cổ họng vẫn trắng mơ màng. “Mào” vẫn dửng lên nhấp nhô hăm dọa như chim trống!
Tập tính thú vị nhất của sả vằn, trong mắt tôi, ấy là các phom mào xanh trên đầu chim trống và các “bờm nâu” quý phái trên đỉnh đầu chim mái. Lúc muốn khoe mẽ vẻ đẹp và quyến rũ một (hay những) “người trong mộng”, hoặc lúc muốn diễu võ giương oai với các đối thủ; hoặc lúc cố gắng tập trung suy nghĩ và quan sát đấu trí với các con mồi (tôi đoán vậy), thì các phom bờm quý tộc kiêu kỳ nhất tề dửng lên. Nghĩa là chúng phải rập rờn, thập thò, cao thấp, ngửng lên và cụp xuống dươn dướn đều đặn. Tôi và bạn đều không phải sả vằn, nên không ai dám chắc chúng làm vậy để,... muốn “nói” gì.
Với tốc độ lao từ cành cây cao xuống đớp mồi (con mồi cũng nhanh như cắt), không dễ gì để máy ảnh “bắt” được khoảnh khắc sả vằn biến mình thành mũi tên xé gió. Điều đó là dễ hiểu, nhưng điều bất ngờ không kém là sau khi bắt được con mồi: Sả vằn đập chết, xé xác, nuốt chửng con mồi với sức mạnh và độ nhanh của các hành vi trên cũng đến,... chóng mặt. Vì thế, nhiều người thắc mắc: Sao ảnh tôi chụp sả săn mồi cứ bị nhoè, dù tốc độ đã lên tới cả,... nghìn (1/1.000 giây). Đáng “nể” là ở chỗ đó. Có những loài, từ hàng trăm triệu năm trước, khi chúng được trời đất sinh ra, vẫn khỏi cần một sự tiến hoá cải thiện nào nữa, bởi khả năng săn mồi và sự tài tình trong hoạt động sống vốn đã,... hoàn hảo. Ví dụ, với hai loài cá mập và con chuồn chuồn. Cá mập sát thủ đại dương thì ai cũng biết rồi. Chắc bạn đọc không tin, khả năng bứt tốc, đột ngột dừng lại giữa bão tố, nâng hạ độ cao hoặc bay giật lùi của chuồn chuồn, thì qua thí nghiệm, chưa một chiếc trực thăng (vốn học các kỹ năng của chuồn chuồn) tối tân nào của thế giới có được. Tôi nghĩ, với sả vằn, cần phải tặng các bạn ấy danh hiệu “hoàn hảo ngay từ thuở khai thiên lập địa” kia nữa.
Tôi cùng Đinh Sỹ Đạt - một cựu kiểm lâm am hiểu rừng lang thang chụp sả vằn ở vùng Định Quán, trong các cánh rừng bảo tồn mùa khô rực sắc như xứ Hàn, xứ Nhật; rồi cả khu bảo tồn văn hoá thiên nhiên Vĩnh Cửu (cả hai đều thuộc tỉnh Đồng Nai). Mùa khô, sả vằn tìm các vũng nước để uống sau các bữa no nê. Chỉ vài ca nước đổ vào vách đá, chíu chít từng đàn chim dạn người về soi gương ngắm mình (?) và uống nước. Sả vằn tinh lắm, như thể bay lướt qua chúng đã nhìn thấy tất cả. Từ vài chục mét xa, một con dế mèn nhảy lò cò trong hốc đá (chúng tôi thả vào để dụ dỗ chim), đã đủ để cặp mắt tinh đời của sả vằn phát hiện ra. Kỳ thú nhất là câu chuyện về các món ăn bất ngờ của sả vằn.
Dù được xếp chung chiếu cùng mâm với bói cá, nhưng sả vằn lại ở trong rừng chứ hiếm khi ra ven sông suối và rất ít ăn,... tôm cua cá. Nếu thiên nhiên, rừng rú, có con rắn, rết, bọ cạp, sâu róm, bọ chét nào nọc độc nhất, đành hanh đáng sợ nhất, thì sả vằn đều ăn và cắp về nuôi con. Lạ một cái là mấy loài lành hiền sả vằn có vẻ ít ăn hơn. Nhiều người bảo, mấy ngày đầu tiên kể từ khi trứng sả vằn nở thành con non, sả vằn trống mái thay nhau đi cắp rắn, rết, bọ cạp, thằn lắn, mối dách, kỳ nhông, kỳ đà, sâu róm, bọ chét về bón cho con. Nó bón theo quy trình, con càng có “độc tính cao”, càng to thì bón sớm, về sau mồi có thể nhỏ hơn. Có phải chúng luyện “sức chịu đựng” và khả năng “miễn dịch” trước các loài có nọc độc của sả vằn non không? Hay dĩ độc trị độc? Lại nhớ câu chuyện (có thể bảy thực ba hư) được truyền tụng khá phổ biến: Chim bìm bịp mắt đỏ, lông nâu, cơ bắp, bước đi vạm vỡ. Chúng nuốt chửng mọi loại rắn, rết có nọc độc nhất, mà chẳng bị làm sao. Thậm chí, khi vắng nhà, để có vệ sỹ bảo vệ đàn con của mình, bìm bịp còn bắt loài rắn mà chúng cho là có nọc độc ác liệt nhất về, huấn luyện chúng thành nô lệ trung thành canh giữ tổ,...
Bất biết, chúng tôi say mê với câu chuyện “cạnh tranh sinh tồn”, hay bài toán chọn lọc để cân bằng tự nhiên. Các bức ảnh thật ám ảnh: sả vằn trống hoặc mái mắt sáng quắc, mỏ đỏ chót, nhọn hoắt, to kềnh càng đang cắp một con rắn cuồn cuồn. Rắn bị cú mổ chí mạng bẹp đầm, rồi hai gọng kìm mỏ sắc như cặp song kiếm đỏ cắp chặt. Từ mặt đất, sau cú “chỗ” chí tử, rắn còn đang chóng mặt cận kề sinh tử, thì chúng thấy mình bay vút lên không trung - cái việc mà tổ tiên họ hàng nhà rắn hầu như chưa bao giờ làm nổi. Trên cành cây, rắn cuồn cuộn vật vã chống trả. Chúng cuốn lấy cặp mỏ, cuốn lấy phom cổ của loài chim xanh đen trắng vàng nâu lộng lẫy ấy với ý định “nghiền nát”. Thêm vài cú đập mỏ vào cành cây dưới chân mình, sả vằn đã đập chết thậm chí cắn đứt thân con mồi vô tội. Chúng nuốt chửng hoặc tha về tổ cho đàn con đang líu chíu kêu đói. Tổ của chúng có thể là một cái tổ mối, một cái tổ kiến cũ hoặc không hề cũ, mà bị loài chim dữ chiếm đoạt từ các chủ nhân li ti yếu đuối.
Nhìn bộ sưu tập con mồi hiện lên giữa hai cặp mỏ dữ tợn đỏ đắn của sả vằn, người ta mới hiểu: Hạnh phúc, món ngon của loài này là nỗi đau, có thể là cái chết bất đắc kỳ tử của loài kia. Bạn tôi lẩm bẩm: Nếu không có sả vằn thì có khi chỗ chúng ta ngồi tràn ngập rắn, rết, bọ cạp; thương các con vật có nọc độc bị nuốt chửng thật đấy, nhưng cũng biết ơn một buổi chiều mà lũ rắn rết bị đưa ra ánh sáng rồi hành hình vài chục cá thể như thế. Thiên nhiên có quy luật đôi khi khốc liệt mà dịu dàng - hợp lý của chúng. Có biết bao bài học về cuộc chiến sinh tử, bao cuộc mưu sinh nhọc nhằn và sự tận hiến cho vẻ đẹp của tình mẫu tử trong tự nhiên qua những ngày núp lùm rình sả vằn cắp rắn rết nuôi con như thế?
Đỗ Doãn Hoàng
Ảnh trong bài: Tuổi Teen và Đỗ Doãn Hoàng, Đinh Trường