Hội nghị COP28, Đoàn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra, nhiều lần được bạn bè quốc tế nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế đề cao trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Nhiều nước khẳng định sẽ hỗ trợ và đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam và bảo vệ hành tinh chung.
Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chỉ đạo, tham dự toàn thời gian diễn ra Hội nghị COP28. Đoàn gồm các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu từ Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chủ trì một số sự kiện tại Phòng sự kiện bên lề của Việt Nam (Việt Nam Pavilion), đồng thời tham gia nhiều sự kiện bên lề COP28 nhằm giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác sâu sắc, chặt chẽ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chủ trì đã phát huy được tối đa nguồn lực và tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kế hoạch huy động nguồn lực được công bố tại COP28 là dấu mốc mới trong nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng "0" và phát triển bền vững. JETP được coi là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng "0".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới
Xác định việc triển khai tích cực, hiệu quả Tuyên bố JETP là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai JETP, thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban là Thứ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính và thành viên gồm đại diện các Bộ, ngành có liên quan. Ban Thư ký JETP đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, đặc biệt là việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Kế hoạch đề ra lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, các nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên lựa chọn dự án và huy động nguồn tài chính cần thiết để thực hiện JETP.
Bên lề Hội nghị COP28, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã có buổi làm việc và ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu cùng bà Mariam Almheiri, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu UAE. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao nỗ lực của UAE trong việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị COP28 thể hiện tinh thần trách nhiệm của UAE đối với việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu...
Theo nội dung Bản ghi nhớ, hai Bộ sẽ tập trung hợp tác về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác sẽ được nghiên cứu và đưa vào triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tiếp Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC) Steven Guilbeault
Thúc đẩy hợp tác toàn diện về môi trường và khí hậu là lời đề nghị của ông Steven Guilbeault, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC) tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đồng thời mời Việt Nam tham gia sáng kiến "Thách thức định giá các-bon toàn cầu" (GCPC).
Canada là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện định giá và phát triển thị trường các-bon. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn Canada sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý và vận hành thị trường các-bon. Bộ trưởng cũng đề nghị Canada hỗ trợ Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa trên cơ sở Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Là một trong những đối tác thực hiện JETP ở Việt Nam, Bộ trưởng Steven Guilbeault khẳng định Canada sẽ tham gia tích cực vào quá trình thực hiện. Canada đã triển khai định giá các-bon được 4 năm, có nhiều kinh nghiệm về giảm phát thải khí mê-tan sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và hỗ trợ Việt Nam trong triển khai thực hiện những lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada cũng đề nghị ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai toàn diện các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm nhựa. Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong năm 2024 đồng thời có cơ chế gặp thường niên để thúc đẩy các hoạt động hợp tác.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tiếp và làm việc với ông Simon O'Conell, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Hà Lan (SNV)
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vì vậy, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên sống còn đối với Việt Nam. Tại buổi tiếp và làm việc cùng ông Simon O’Conell, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Hà Lan (SNV), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đề nghị SNV hỗ trợ và hợp tác với Bộ về tăng cường quản lý quản lý tài nguyên nước, thích ứng với xâm nhập mặn, nước biển dâng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; hợp tác về chuyển đổi và phát triển năng lượng sạch.
SNV đã hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đề xuất dự án "Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên trong nông nghiệp thông qua chuyển đổi khu vực tư nhân tại Việt Nam". Đây được coi là sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và SNV trong tương lai. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị SNV sẽ có các đề xuất huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính, các quỹ khí hậu do Hà Lan thành lập để triển khai các hoạt động hợp tác phù hợp với ưu tiên của hai nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và ông Chris Leeds, Giám đốc toàn cầu về phát triển thị trường các-bon, Ngân hàng Standard Chartered
Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển thị trường các-bon trong nước, kết nối với quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu - đó là khẳng định của ông Chris Leeds, Giám đốc toàn cầu về phát triển thị trường các-bon, Ngân hàng Standard Chartered tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khuôn khổ Hội nghị COP28.
Với mục tiêu chung cùng hướng đến cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Giám đốc Chris Leeds đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng, với kinh nghiệm của một cơ quan có tiềm lực, Ngân hàng Standard Chartered sẽ hợp tác phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, ông Chris Leeds và đoàn Ngân hàng Standard Chartered
Hiện nay, Ngân hàng Standard Chartered đã kết nối Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sàn giao dịch các-bon tự nguyện CIX để tìm hiểu việc xây dựng về nền tảng giao dịch phù hợp cho Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng khung thị trường các-bon. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị trong thời gian tới cá nhân ông Chris Leeds cũng như Ngân hàng Standard Chartered sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng và quản lý sàn giao dịch tín chỉ các-bon; đồng thời đầu tư kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon với sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong khu vực và trên thế giới.
Tại buổi tiếp và làm việc với bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã đề nghị GEAPP với kinh nghiệm đã hợp tác với Nam Phi và Indonesia trước đây sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng, khai thác được lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đồng thời mong muốn GEAPP cùng với các Quỹ: Bezos Earth Fund và Rockefeller sẽ hỗ trợ các dự án cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Trước đó, tháng 2/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và GEAPP đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, đây là cơ sở để hai bên thực hiện các hoạt động hợp tác liên quan đến thực hiện JETP, phát triển thị trường tín chỉ các-bon.
Với tôn chỉ hoạt động mang tính thiện nguyện, bà Kitty Bu cho biết GEAPP mong muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, qua đó góp phần vào đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng đi đôi với tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Việc chia sẻ việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng sẽ mang tính thách thức nhưng cũng sẽ mở ra các cơ hội về kinh tế xanh, việc làm xanh. Bà Kitty Bu cho biết GEAPP sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các quỹ tài chính vào các dự án chuyển đổi năng lượng theo Kế hoạch huy động nguồn lực đã được công bố.
Tại buổi tiếp với các Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF): Bà Tanya Steele, Giám đốc điều hành WWF Vương quốc Anh; Bà Marcene Mitchell, Phó Chủ tịch cấp cao về Biến đổi khí hậu WWF Hoa Kỳ; Ông Ajs Dam, Giám đốc cấp cao về Quan hệ đối tác Doanh nghiệp WWF Đan Mạch và ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc điều hành WWF Việt Nam, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những hỗ trợ của Tổ chức WWF dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua như các dự án và hoạt động trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý ô nhiễm nhựa và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tiếp và làm việc với Bà Tanya Steele, Giám đốc điều hành WWF Vương quốc Anh
Lãnh đạo WWF các nước cũng cam kết tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam và toàn cầu nhằm xây dựng xã hội phồn thịnh với sức chống chịu cao trước ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu
Lãnh đạo tổ chức WWF Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ trong vấn đề huy động tài chính xanh nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như chuyển đổi năng lượng công bằng, tận dụng và phát huy các nguồn lực đa dạng sinh học, xây dựng và phát triển các khu bảo tồn đa dạng sinh học và vườn quốc gia… Qua đó giới thiệu nền tảng huy động tài chính thích ứng biến đổi khí hậu cho các khu vực dễ bị tổn thương như khu vực Trung Trường Sơn và Nam Trường Sơn của Việt Nam. Đồng thời, lãnh đạo WWF các nước cũng cam kết tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam và toàn cầu nhằm xây dựng xã hội phồn thịnh với sức chống chịu cao trước ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thông qua các dự án vùng, xuyên biên giới, xuyên quốc gia trong với trọng tâm đặt vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ.
ICCN là tổ chức có nhiều nỗ lực và đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn tại các địa phương của Việt Nam, cụ thể là những đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mang lại nhiều thành quả như các khu bảo tồn, sinh quyển, đất ngập nước,...
Tại buổi tiếp và làm việc cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), bà Grethel Aguilar, Tổng Giám đốc Liên minh cho biết, IUCN có mặt tại Việt Nam cách đây 30 năm và mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác nhất là trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện các dự án hợp tác chung liên quan đến môi trường, khí hậu và tài nguyên nước. Bà Grethel Aguilar cũng khẳng định IUCN cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các kênh tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án về tài nguyên nước, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Bà Grethel Aguilar, Tổng Giám đốc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) chụp ảnh lưu niệm
Trong xu thế đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đề ra tại Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị IUCN tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính cho các dự án chuyển đổi với quy mô lớn hơn và mang lại sinh kế cho người dân, hợp tác hỗ trợ Việt Nam về quản lý lưu vực sông, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trước đó, cũng trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đã có cuộc trao đổi với bà Theresa Mundita Lim, Giám đốc điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN. Bà Theresa Mundita Lim đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và khẳng định Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN cam kết hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai các hoạt động hợp tác.
Ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là người luôn dành tình cảm đặc biệt, quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, khí hậu và tài nguyên nước. Trong đó có nhiều chương trình, dự án đang được triển khai rất hiệu quả, điển hình là dự án “Nghiên cứu các tác động kinh tế-xã hội của biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu” (GEMMES Việt Nam), hỗ trợ xây dựng các giải pháp dài hạn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, ông Remy Rioux cam kết sẽ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất các chính sách về môi trường, khí hậu, tài nguyên nước dựa trên căn cứ khoa học và khẳng định AFD sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án vì các mục tiêu chung, đồng thời cam kết sẽ hợp tác thúc đẩy đầu tư tài chính cho các dự án chuyển đổi năng lượng theo Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Ông Remy Rioux chụp ảnh lưu niệm
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao vai trò của ông Remy Rioux cũng như AFD trong hỗ trợ công tác ứng phó biến đổi khí hậu kể từ khi AFD chính thức hoạt động tại Việt Nam trong gần 30 năm qua. Trên cơ sở các thành quả đã đạt được, Bộ trưởng đề nghị, thông qua AFD sẽ huy động được các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Pháp hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2 của dự án GEMMES, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững; hỗ trợ các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực về định giá các-bon, phát triển thị trường các-bon trong nước tại Việt Nam; giải quyết ô nhiễm nhựa.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) là đối tác tin cậy, luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đó là khẳng định của ông Achim Steiner, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao các hoạt động hợp tác và hỗ trợ của UNDP, đồng thời khẳng định UNDP luôn là một trong những đối tác quan trọng của Bộ với nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương và kinh tế tuần hoàn. UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP của Việt Nam vừa được công bố tại Hội nghị COP28. Đây là minh chứng rõ nét nhất về mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với UNDP.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và ông Achim Steiner, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho đối tượng dễ bị tổn thương, các đối tượng yếu thế; thúc đẩy các giải pháp tăng cường sức chống chịu của nhóm dễ tổn thương trước tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết cực đoan; triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Đồng thời hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường huy động nguồn lực bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm chất thải nhựa; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; xây dựng quy hoạch không gian biển; phát triển kinh tế biển xanh; xử lý ô nhiễm rác thải nhựa; bảo tồn đa dạng sinh học,…
Ông Achim Steiner khẳng định sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal, hợp tác phát triển kinh tế biển xanh để phát huy được các tiềm năng lợi thế về biển của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam giải quyết ô nhiễm nhựa…
Tú Quyên (T/h)