“Trại cai nhựa” - Giải pháp giảm tác hại ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường
17/11/2024TN&MTNgày 16/11/2024 - Nhân ngày nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa đối với sức khỏe và môi trường, dự án truyền thông “Trại cai nhựa” với khẩu hiệu “Cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh” do Choice (đơn vị thực hiện các dự án môi trường) khởi xướng chương trình, triển khai thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh.
Trước thực tế đáng báo động về ô nhiễm nhựa, dự án hướng đến mục tiêu khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững.
Dự án truyền thông “Trại cai nhựa” với khẩu hiệu cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh
Lấy ý tưởng từ mô hình phục hồi sức khỏe khỏi các thói quen xấu (như nghiện rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác hoặc thậm chí là đồ ngọt …), “Trại Cai Nhựa” nhấn mạnh tác hại của việc "nghiện” tiêu thụ nhựa sử dụng một lần và các giải pháp thực hành "cai nhựa" nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Điểm nhấn của dự án là sự kiện Trại cai nhựa diễn ra vào từ ngày 15 - 17/11, tại AEON MALL Tân Phú Celadon (TP. Hồ Chí Minh). Sự kiện “Trại cai nhựa” đã tạo ra một không gian trải nghiệm đa dạng, từ việc tự đánh giá mức độ “nghiện nhựa”, khám phá thông tin về ô nhiễm nhựa,… đến việc tự tay thử nghiệm các giải pháp “cai nhựa”.
Bà Annie Dubé (thứ 3 từ trái sang) cùng đội ngũ thực hiện dự án
Qua các trò chơi tương tác, tương ứng với mô hình 5R như “Thay đổi nhận thức” (Refuse), “Điều trị cắt cơn” (Reduce), “Liệu pháp lao động” (Reuse - Repurpose) và “Tái hòa nhập cộng đồng” (Recycle)… người tham gia đã có những trải nghiệm thực tế và bổ ích, từ đó trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống xanh.
Tại sự kiện, bà Annie Dubé - Tổng Lãnh sự Canada tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ô nhiễm nhựa đang đe dọa các đại dương, làm tổn hại đến các loài sinh vật biển và cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Việc giảm thiểu nhựa không chỉ là một xu hướng mà là một trách nhiệm của mỗi người. Tôi rất vui khi được chứng kiến sự kiện Trại cai nhựa đã truyền cảm hứng cho mọi người hành động, để cùng nhau xây dựng một hành tinh xanh tươi hơn.”
Bà Annie Dubé - Tổng Lãnh sự chia sẻ tại chương trình
Để lan tỏa các thông điệp bảo vệ môi trường, dự án Trại Cai Nhựa còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông sáng tạo trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh việc hợp tác cùng các nhà sáng tạo nội dung trên Tiktok để tạo ra các video ngắn, hài hước với thông điệp “Chọn nghiện nhựa, lựa hiểm nguy!”. Dự án còn thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích, các câu chuyện truyền cảm hứng và các mẹo nhỏ để “cai nhựa” trên Facebook. Nhờ đó, dự án đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, và tạo ra những thảo luận sôi nổi về vấn đề ô nhiễm nhựa.
“Việc chuyển đổi từ nhận thức sang hành động là một hành trình dài. Dự án Trại Cai Nhựa được kỳ vọng là một lời kêu gọi hợp tác vì một tương lai xanh, giúp mọi người nhận ra vấn đề và cùng nhau tìm giải pháp. Tuy nhiên, để đạt được thành công bền vững, chúng ta cần sự chung tay của cộng đồng và các bên liên quan”. Ông Trần Thanh Kim Tiền - Giám đốc Truyền thông của Choice nhấn mạnh.
Việc chuyển đổi từ nhận thức sang hành động cần sự chung tay của cộng đồng
Dự án Trại Cai Nhựa kêu gọi cộng đồng cùng tham gia ký cam kết “Từ chối sử dụng nhựa dùng một lần” và chia sẻ các ý tưởng, giải pháp sáng tạo để giảm thiểu rác thải nhựa, được sự bảo trợ từ Canada Fund for Local Initiatives (CFLI) và các đối tác Nhất Tín Logistics, ECO Solution, Upgreen Vietnam, Lagom Việt Nam…
Những con số đáng báo động về tác hại sử dụng nhựa dùng một lần
Mỗi năm ở Việt Nam có đến 1,8 triệu tấn rác nhựa bị thải ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ có 27% trong số này là được tái chế bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đáng quan ngại hơn, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có tổng lượng nhựa thải ra biển lớn nhất thế giới, chiếm tới 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển toàn cầu. Ngoài ra, mỗi năm người dân Việt Nam sử dụng đến 30 tỷ túi nilon, và hơn 80% trong số đó bị thải bỏ sau chỉ một lần dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái.
Đối với sinh vật biển, nhựa dùng một lần được xem như một “chiếc bẫy tử thần” được giăng sẵn để gây ảnh hưởng các loài sinh vật biển bất cứ lúc nào. Hiện nay, có hơn 700 loài sinh vật biển được ghi nhận là đã bị tổn thương vì ăn phải hoặc mắc kẹt trong nhựa, với khoảng 100.000 động vật có vú ở biển chết hàng năm. Ước tính đến năm 2050, các nhà nghiên cứu dự báo rằng 99% chim biển sẽ có nhựa trong cơ thể, đe dọa nghiêm trọng đến tuổi thọ và khả năng sinh sản, khiến nhiều loài chim biển có nguy cơ tuyệt chủng. Hơn 56% cá voi và cá heo đã ăn phải nhựa và thường phải chịu cái chết đau đớn khi nhựa chặn đường thở và dạ dày của chúng.
Thiên Minh