Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ ở một số nước trên thế giới
05/01/2022TN&MTĐể xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, khắc phục được những bất cập, cần tiến hành nghiên cứu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ ở Việt Nam; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trên thế giới. Qua đó, xây dựng cơ sở lý luận chắc chắn cho việc xây dựng các quy định xử phạt, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ với các hệ thống pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, một mặt nhằm học tập kinh nghiệm xử lý các vi phạm của các nước có trình độ phát triển cao, mặt khác là cơ sở để xác định các hành vi vi phạm (HVVP) mới đã xuất hiện cũng như dự báo sẽ xuất hiện trong tương lai khi trình độ KH&CN nói chung và công nghệ ĐĐ&BĐ nói riêng đang có bước phát triển mạnh mẽ và mặt trái của nó sẽ là công cụ cũng thúc đẩy các HVVP pháp luật được thực hiện tinh vi hơn, hậu quả do các HVVP ngày càng nghiêm trọng hơn, cần có các chế tài đủ mạnh để đảm bảo răn đe, ngăn chặn.
Trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật chung, pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) ở nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện. Từ Điều lệ xử phạt vi cảnh ban hành kèm theo Nghị định số 143/CP của Hội đồng Chính phủ năm 1977, Pháp lệnh Xử phạt VPHC ngày năm 1989, Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 đến Luật Xử lý VPHC năm 2012, từng bước pháp luật xử lý VPHC đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thi hành pháp luật theo từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Trước yêu cầu QLNN trong tình hình mới, đảm bảo việc thực thi pháp luật về xử lý VPHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác QLNN, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm mọi HVVP pháp luật về ĐĐ&BĐ, góp phần thực thi có hiệu quả Luật ĐĐ&BĐ, việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực ĐĐ&BĐ cần được xây dựng đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong tổng thể hệ thống pháp luật đặc biệt là pháp luật về thanh tra, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và các pháp luật chuyên ngành có liên quan tới hoạt động ĐĐ&BĐ chuyên ngành.
Để đảm bảo các yêu cầu trên, quá trình nghiên cứu các hệ thống pháp luật liên quan, đã làm rõ những vấn đề pháp luật thanh tra chuyên ngành nhằm đảm bảo xây dựng các quy định đồng bộ, đáp ứng việc xử phạt VPHC của một trong những lực lượng chủ đạo là thanh tra chuyên ngành. Đối với hai hệ thống pháp luật dân sự và pháp luật hình sự, đây là những hệ thống pháp luật lớn có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật về xử lý VPHC. Việc nghiên cứu hai hệ thống pháp luật này nhằm đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng pháp luật là các quy định về xử phạt VPHC, không hành chính hóa các vấn đề dân sự và không hình sự hóa các vấn đề hành chính, đồng thời, không tạo kẽ hở để lọt tội phạm, ảnh hưởng tới quyền lợi ích của tổ chức và người dân. Qua nghiên cứu, các vấn đề đã được phân tích, đánh giá trên cơ sở khoa học và thực tiễn thi hành pháp luật hiện hành, làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống pháp luật liên quan, đánh giá những vấn đề bất cập trong việc thực thi pháp luật xử lý VPHC thời gian qua, từ đó đề xuất xây dựng các HVVP hành chính đảm bảo việc xác định, chứng minh HVVP chính xác, kịp thời khi xử phạt.
Hệ thống pháp luật xử lý VPHC nói chung, xử phạt VPHC nói riêng của các nước trên thế giới đến nay vẫn là một trong những hệ thống pháp luật quan trọng nhằm đảm bảo cho việc thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả. Qua nghiên cứu về pháp luật xử lý VPHC của các nước cho thấy: Cho dù xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, xong do những đặc điểm riêng về lịch sử, kinh tế, xã hội, thể chế chính trị, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, truyền thống pháp luật và chủ quyền quốc gia,... mà mỗi nước đều xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật riêng, theo những phương thức và mô hình khác nhau, phù hợp với điều kiện chính trị, xã hội của từng nước.
Qua nghiên cứu pháp luật về xử lý VPHC của một số nước châu Âu như Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Ba Lan, luật về xử lý VPHC một số bang của Mỹ, Australia, luật về xử lý VPHC của Trung Quốc,... cho thấy, về cơ bản có 3 mô hình xây dựng pháp luật về xử lý VPHC như sau:
Mô hình thứ nhất: Xây dựng hệ thống pháp luật quy định việc phán quyết đối với VPHC do cơ quan tư pháp tiến hành như các nước Ba Lan, Thái Lan;
Mô hình thứ hai: Xây dựng hệ thống pháp luật quy định việc phán quyết đối với VPHC do cơ quan hành pháp thực hiện là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
Mô hình thứ ba: Xây dựng hệ thống pháp luật quy định việc phán quyết đối với VPHC do cả cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp thực hiện như Luật của bang New South Wales (Ôxtrâylia); Liên bang Nga.
Mặc dù tồn tại 3 mô hình khác nhau, nhưng phần lớn các nước không có luật riêng về xử phạt VPHC mà các chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt, HVVP được quy định trong các đạo luật chuyên ngành về từng lĩnh vực nhằm đảm bảo nhanh chóng có những điều chỉnh pháp luật đối với những vấn đề cụ thể, những vấn đề mới phát sinh một cách linh hoạt, đồng thời khi có sự điều chỉnh pháp luật chuyên ngành thay vì việc ban hành những đạo luật lớn, đồ sộ thường mất nhiều công sức và kéo dài về mặt thời gian, phức tạp khi điều chỉnh bổ sung. Đây là một trong những nội dung mà pháp luật xử lý VPHC của Việt Nam vận dung khi nghiên cứu để xây dựng Luật Xử lý VPHC năm 2012.
Một trong những nội dung quan trọng trong quy định về xử phạt là hình thức, mức xử phạt. Về cơ bản, các hình thức xử phạt của các nước có sự tương đồng bao gồm các hình thức cơ bản như phạt cảnh cáo (kỷ luật), phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung. Về mức phạt, mặc dù mức phạt ở các nước đối với cùng một hành vi như của Việt Nam, xong do điều kiện kinh tế các nước rất khác nhau do vậy mức phạt cũng có sự khác nhau rõ rệt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết các nước đều áp dụng mức xử phạt cao nhất đối với các hành vi liên quan tới thể hiện sai chủ quyền, làm lộ, lọt các thông tin dữ liệu sản phẩm ĐĐ&BĐ là tài liệu mật,… điều này cũng tương đồng với các quy định mà Việt Nam đã và đang áp dụng.
PHẠM NGỌC THỌ
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam