Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh về biển
27/08/2023TN&MTKhánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) trong ngày hội thả diều nghệ thuật tại Festival biển Nha Trang
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Do đó, Khánh Hòa đã xây dựng các quy hoạch phát triển của tỉnh, xác định sẽ huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế biển.
Theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã có tổng kết báo cáo cho Bộ Chính trị. Tháng 1/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, Bộ Chính trị cũng đã thống nhất xác định tỉnh Khánh Hòa phát triển với một trong những lợi thế của tỉnh cũng như những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, phát triển kinh tế biển.
Trong quá trình phát triển kinh tế biển ở địa phương, du lịch biển, đảo của Khánh Hòa đã được chú trọng phát triển, ngành du lịch đã được ưu tiên tập trung xây dựng với những kế hoạch bài bản. Tới đây, Khánh Hòa sẽ định hướng khu vực Bắc Vân Phong với tiềm năng hiện có, tập trung thu hút đầu tư theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế. Riêng khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh hiện nay đã được đầu tư bài bản, đủ điều kiện để Khánh Hòa tiếp tục phát triển theo hướng du lịch quốc gia…
Thành phố Nha Trang và các khu vực có lợi thế về du lịch biển đã được khai thác thời gian qua sẽ hạn chế phát triển những thứ không phù hợp, tập trung cung cấp các sản phẩm mô hình, dịch vụ có tính liên tỉnh, liên vùng lân cận để nâng cáo giá trị.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, tỉnh Khánh Hòa còn ưu tiên lĩnh vực công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp bền vững. Ngành kinh tế biển sẽ định hướng tập trung tại khu vực phía Nam Vân Phong. Cảng biển sẽ được đầu tư tại khu kinh tế Nam Vân Phong và cùng với đó, cảng hàng không sẽ được sẽ được đầu tư tại đây để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi trong vận chuyển để phát công nghiệp, kinh tế biển.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Khánh Hòa đã thu hút được 147 dự án đầu tư (119 dự án trong nước và 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD, vốn thực hiện là 3,16 tỷ USD; trong đó có 96 dự án đã đi vào hoạt động và 51 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và khu kinh tế Vân Phong nói chung.
Trong đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư trọng điểm: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (tiến độ thực tế đạt 97,22% so với kế hoạch; vốn giải ngân: 2,2 tỷ USD đạt 85% so với tổng vốn đăng ký); Dự án Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai; Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm; Khu công nghiệp Ninh Thủy (tính đến nay đã thu hút được 23 dự án đầu tư); Dự án KCN Dốc Đá Trắng (288ha, 1.800 tỷ); Dự án Khu công nghiệp Nam Cam Ranh (350 ha, 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện ký 11 biên bản ghi nhớ thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2022 -2025 tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh vào ngày 2/4/2023.
Thế mạnh của biển của Khánh Hòa ngoài phát triển hệ thống du lịch, cảng biển, khu công nghiệp như trên thì phát triển ngành nghề về thủy sản không thể không nhắc đến. Trong vấn đề nuôi thủy sản, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho phép tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh trực tiếp quản lý...
Tại buổi ra mắt Quỹ phát triển nghề cá vào ngày 12/8 vừa qua, tỉnh đã huy động được trên 26 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, những đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa sẽ góp phần bổ sung nguồn lực phát triển nghề cá; đầu tư cho các hạng mục công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến khu vực hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác nhằm phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện đảo Trường Sa, góp phần từng bước thực hiện nhiệm vụ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Khánh Hòa có hệ thống vịnh kín gió, nước sâu thích hợp nuôi biển nhưng một số vấn đề về vấn đề nuôi, nhỏ lẻ, thiên tai, ảnh hưởng môi trường. Do đó, thời gian tới việc nuôi biển của tỉnh sẽ được nuôi theo quy hoạch, dịch chuyển ra nuôi xa bờ, mang tính chất bền vững. Khánh Hòa hiện cũng là một trong những địa phương có được dự án nuôi biển rất lớn của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Từ đây, Khánh Hòa sẽ nhận được kinh nghiệm, kiến thức về kinh nghiệm, công nghệ nuôi. Đó là một quy trình từ con giống, thức ăn, khu vực nuôi làm sao để mở rộng, nhân rộng mô hình nuôi này ở xa bờ như định hướng nuôi của tỉnh đã xác định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, tài nguyên biển hiện nay của Khánh Hòa đang bị suy giảm từ trên 5,2 triệu tấn nay chỉ còn 3,9 triệu tấn, do đó nuôi biển là một giải pháp để giảm áp lực khai thác và là một trong những giải pháp để thủy sản có nguồn thực phẩm có chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn chỉ xuất đầy đủ cung cấp cho thị trường.
Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư trên 200 triệu USD cho việc nuôi cá biển, năm nay thu dự kiến từ 10 -12 nghìn tấn cá chẽm. Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai hạ thủy mô hình lồng HDPE (Vingroup hỗ trợ ngư dân tham gia về mặt tài chính với hình thức đối ứng theo tỷ lệ phù hợp) nuôi biển xuống khu vực biển hở tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, cách đất liền khoảng 7 hải lý và phát động Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Những yếu tố này khẳng định Khánh Hòa rất có điều kiện để nuôi biển.
“Nếu chúng ta phát huy tiềm năng lợi thế này, sẽ góp phần vào việc gỡ thẻ vàng IUU (hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu, chuyển đổi nghề, phát triển thủy sản bền vững rất khoa học theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Các nội dung về định hướng và phát triển kinh tế biển như trên đã được cụ thể trong quy hoạch tỉnh và được giao cho các sở, ngành địa phương tiếp tục nghiên cứu để triển khai. Trong quá trình phát triển kinh tế biển, tỉnh sẽ đảm bảo hài hòa yếu tố bảo tồn và phát triển. Giữ gìn môi trường, giá trị văn hóa, di sản về biển. Nội dung này được tỉnh đặt ra trong các kế hoạch và đang được hành động một cách mạnh mẽ.
Theo baotintuc.vn