Xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp cho huyện đảo Phú Quý
31/10/2024TN&MTPhú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, với dân số khoảng 30.000 người, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế biển. Du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển là vấn đề ô nhiễm môi trường, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa trên địa bàn khá lớn.
Hoạt động ra quân làm sạch rác thải nhựa tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận)
Theo thống kê, mỗi ngày khối lượng rác thải phát sinh khoảng 30 - 40 tấn/ngày. Do vậy, trên tinh thần những quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, huyện Phú Quý cần xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ khóa: phân loại rác tại nguồn, quản lý chất thải, đảo Phú Quý
Thực trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt
Từ đầu năm 2016 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ trong ngày, mở ra một thời kỳ mới cho huyện đảo. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo thống kê, mỗi ngày khối lượng rác thải phát sinh khoảng 30 - 40 tấn/ngày. Toàn bộ chất thải rắn trên địa bàn bao gồm chất thải rắn ven biển và trong cộng đồng dân cư đã được UBND huyện giao cho Ban Quản lý Công trình công cộng thu gom, vận chuyển và xử lý UBND. Huyện có trang bị cho Ban quản lý Công trình công cộng 03 ô tô ép rác chuyên dùng (03 ô tô lớn loại 05 tấn) thực hiện thu gom vận chuyển bao gồm 03 tài xế và 20 người lao động thu gom chất thải rắn đi theo xe.
Tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom, xử lý đạt khoảng 90%; đồng thời tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn được nâng cao thông qua mô hình thu gom rác hẻm được triển khai thực hiện ở 03/03 xã.
Thực hiện Quyết định số 3315/QĐ-UBND ngày 28/11/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm du lịch cộng đồng UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý Công trình công cộng bố trí một tổ 02 lao động, thực hiện nhiệm vụ thu gom rác dọc bờ biển điểm du lịch cộng đồng, bố trí các thùng rác công cộng và vận chuyển rác hàng đêm. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ven biển tự thu dọn, làm sạch lượng rác biển trôi dạt vào bờ, bãi biển tại cơ sở, khu vực kinh doanh; tham gia đóng phí thu gom theo quy định hiện hành. Hàng quý, Đoàn Thanh niên phối hợp với các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch làm sạch biển nhằm thu gom rác thải đại dương. Đặt biệt, thường xuyên hàng tuần luôn có đội Thanh niên tình nguyện cũng ra quân thu gom rác thải nhựa các khu vực bãi biển.
Để đạt được Tiêu chí số 17 về Môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay 03/03 xã của huyện đảo Phú Quý đều đã đạt Chuẩn nông thôn mới; tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các tiêu chí liên quan đến quản lý chất thải rắn được đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, nổ lực “chung sức, chung lòng” thực hiện nhằm đạt kết quả cao. Ở các xã có thành lập các tổ thu gom để thu gom rác đối với các hộ dân không nằm trên các tuyến đường chính, không có xe thu gom rác của Ban quản lý công trình công cộng đi ngang qua. Đối với rác thải là bao bì, chai nhựa từ các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý riêng.
Phú Quý cũng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình hay, hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng tại địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo đúng quy định. Đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 14/5/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phú Quý; Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 08/12/2023 của UBND huyện về việc triển khai thí điểm mô hình hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắc tại nguồn theo Chương trình Nông thôn mới tiêu chí 17.
Từ năm 2020, tại Phú Quý đã triển khai có 03 mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình nhóm thu gom nhựa tái chế (ve chai) dựa trên phân loại rác thải tại nguồn để cải thiện sinh kế cho người dân; Mô hình kinh tế tuần hoàn và phân loại rác thải tại Trường THPT Ngô Quyền; Mô hình khu dân cư thôn Mỹ Khê (xã Tam Thanh) thu gom phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost.
Hoạt động của Nhà máy được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát. Đến nay, số lượng rác đều được Nhà máy xử lý theo công nghệ đốt. Tuy nhiên, lượng rác được Công trình Công cộng thu gom và vận chuyển về Nhà máy để tiếp nhận và xử lý khoảng 25 tấn/ngày rác thải sinh hoạt của huyện, còn một lượng rác thải chưa được thu gom hết (bao gồm cả rác thải đại dương).
Một số khó khăn, bất cập trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Trong xây dựng đơn giá xử lý rác: Với lượng du khách đến đảo trung bình 150.000 lượt/năm, con số này dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới, cộng với dân số huyện đảo Phú Quý hiện nay khoảng 30.000 người, vấn đề điện, nước sinh hoạt và rác thải,… đang trở nên cấp bách, cần được quan tâm giải quyết.
Tháng 4/2021, Công ty CP Thương mại - Xây dựng Đa Lộc đưa vào vận hành Nhà máy Xử lý rác Phú Quý (đặt tại xã Tam Thanh). Đây là nhà máy xử lý rác thải duy nhất trên huyện đảo Phú Quý, có diện tích 2,14 ha, bao gồm 0,6 ha đất sạch và hơn 1,4 ha đất đang là bãi rác lộ thiên từ hơn 20 năm. Nhà máy có công suất lò đốt 70 tấn/ngày, lượng rác hằng ngày trên đảo khoảng 40 - 45 tấn, không đủ công suất lò đốt. Vì vậy, nhà máy dự kiến sẽ được bổ sung khoảng 25 tấn rác/ngày từ bãi rác cũ. Bãi rác cũ này được ước tính có khối lượng khoảng 138.900 tấn. Tuy nhiên, đến nay, hơn 1,4 ha hiện trạng bãi rác cũ vẫn chưa hoàn thành thủ tục định giá xử lý rác.
Trong quy định thủ tục lựa chọn nhà đầu tư: Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy Xử lý rác Phú Quý (phê duyệt tháng 5/2020), trên cơ sở tính toán cụ thể khối lượng rác cũ cần xử lý, nhà máy sẽ thu gom, xử lý toàn bộ khối lượng rác thải mới phát sinh hằng ngày và rác cũ tại dự án. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 điều 78 Luật BVMT 2020, UBND các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định; trường hợp không thể lựa chọn qua đấu thầu thì thực hiện đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, bãi rác cũ của huyện Phú Quý hơn 20 năm chưa giải quyết xong, phía nhà máy thì không thể sử dụng hơn 1,4 ha đất còn lại thuộc dự án để mở rộng, hoàn thiện các hạng mục. Hiện nay, rác thải từ khắp nơi trên huyện đảo Phú Quý được thu gom nhưng nhà máy khó tiếp nhận vì không đủ diện tích lấp tro xỉ. Huyện Phú Quý đã giao cho Ban Quản lý công trình công cộng cùng đơn vị tư vấn tính toán lại đơn giá xử lý bãi rác cũ, sau đó sẽ trình Sở Tài chính thẩm định để có cơ sở đưa ra giá khởi điểm tổ chức đấu thầu. Do vậy, việc thực hiện thủ tục đấu thầu chưa thể triển khai.
Phân loại rác tại nguồn, hạ tầng thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều hạn chế: Theo Luật BVMT 2020 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải nguồn thải phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; việc phân loại mới chỉ được thực hiện tại một số hộ dân chưa được sâu rộng.
Mặt dù các xã có chọn nơi tập kết rác và thông báo thời gian lấy rác tại các tuyến, tuy nhiên nhiều người dân không lưu giữ rác theo quy định chờ đến giờ đem ra mà thường xuyên đem rác ra trước thời gian làm ảnh hưởng đến mùi hôi trong thôn xóm. Các loại rác thải công nghiệp thông thường như: Bóng đèn, thủy tinh, bàn, ghế, ti vi, tủ lạnh,... các loại rác BQL Công trình Công cộng không thu gom ép rác được lại không chở đến nhà máy mà thường xuyên vứt nơi dọc đường, ảnh hưởng môi trường.
Mức phí vệ sinh môi trường (giá dịch vụ thu gom, vận chuyển) thu từ các hộ gia đình mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.
Bên cạnh đó, chính quyền ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý chất thải rắn theo quy định. Nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTR còn nhiều hạn chế, chưa tích cực tham gia vào các hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH, chưa đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ. Ý thức của một số doanh nghiệp trong quản lý chất thải chưa cao, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR ở nhiều nơi còn mang tính chất cộng đồng, chưa được tổ chức chuyên nghiệp.
Đề xuất một số giải pháp quản lý
Theo Điều 75 Luật BVMT 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn thúc đẩy hiệu quả hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí xử lý chất thải.
Để góp phần nâng cao công tác phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 890/QĐ-UBND ngày 16/4/2024 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã đạt tỷ lệ 30%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%…
Tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp nhằm tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong năm 2024, UBND cấp huyện, xã nhanh chóng ban hành chương trình kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế CTRSH phù hợp.
Năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đưa Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển; từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu trên, yêu cầu phải đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại CTRSH tại nguồn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH và năng lực quản lý CTR của địa phương; huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH. Xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương bảo đảm chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển tiến tới bù đắp chi phí xử lý, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; tổ chức thí điểm thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH dựa trên khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày.
Trên tinh thần những quy định của Luật BVMT 2020, UBND huyện Phú Quý cần xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn với các nội dung, giải pháp như:
Ban hành chương trình, kế hoạch, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tuyên truyền viên từ cấp huyện đến xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Bố trí điểm tiếp nhận chất thải nguy hại và chất thải rắn cồng kềnh để hộ gia đình, cá nhân đổ thải đúng nơi quy định.
Tham mưu ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để áp dụng theo đúng quy định của Luật BVMT 2020 (chậm nhất ngày 31/12/2024).
Bố trí phương tiện, con người để thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại. Nghiên cứu, tối ưu lộ trình, tần xuất và thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn. Đối với việc thí điểm thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại: Mỗi xả, thu gom trên 01 tuyến đường/01 thôn khu dân cư tập trung do UBND các xã thống nhất với Ban quản lý Công trình Công cộng huyện.
Tài liệu tham khảo
1. Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận (2021). Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2016 - 2020;
2. UBND huyện Phú Quý (2024). Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Phú Quý;
3. Cảnh Hưng (2023). Huyện Phú Quý: Phát triển KT-XH gắn liền với bảo đảm quốc phòng an ninh. Tạp chí Công Thương, số 11/2023;
4. Đình Đáp (2024). Nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tạp chí điện tử TN&MT.
TS. NGUYỄN ĐÌNH ĐÁP; ThS. NGUYỄN THỊ HUYỀN THU
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2024