Xây dựng kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm từ Israel
24/09/2024TN&MTChuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp ứng phó, giải quyết các thách thức về môi trường, về tài nguyên mà còn là động lực thấy đẩy sự phát triển, mang lại cho Israel cơ hội đổi mới sáng tạo và tuần hoàn, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Nhận định trên do bà Sharon Madel Artzy, người sáng lập và Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Circular Ecomony, chia sẻ tại Hội thảo “Thách thức và Cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn – Kinh nghiệm thực tiễn và sáng tạo từ Israel”, do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức ngày 23/9.
Thúc đẩy hợp tác
Hội thảo đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại nâng cao và hợp tác thực tế giữa chính phủ Việt Nam và Israel, cũng như khu vực tư nhân, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cho thấy sự cần thiết của các cam kết cùng hành động vì tương lai bền vững cho tất cả thế giới.
Israel là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp năng động, nổi bật với nhiều sáng kiến, giải pháp về tái chế và quản lý chất thải. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam hiện đang coi chuyển đổi sang kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn là định hướng chính của đất nước trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Quang cảnh hội thảo
Cả Việt Nam và Israel đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn, với mỗi quốc gia áp dụng các chiến lược phù hợp để tận dụng thế mạnh của mình. Trong đó, Israel, với nền kinh tế thúc đẩy đổi mới, đang dẫn đầu về công nghệ và các hoạt động giúp giảm tác động đến môi trường và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên. Còn Việt Nam đang lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch phát triển quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Để đánh dấu bước hợp tác mới giữa 2 bên, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam gần đây đã trở thành thành viên của Trung tâm Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam, một nền tảng được thành lập dưới hình thức quan hệ đối tác công tư nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
“Bước tiến quan trọng này củng cố cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong nhiều lĩnh vực - cả công và tư - để thúc đẩy tính tuần hoàn và tính bền vững. Cùng nhau, chúng tôi hướng đến mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cộng đồng toàn cầu”, Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo.
Kinh nghiệm từ Israel
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham gia vào 2 phiên trình bày: Phát triển Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam và Kinh nghiệm Thực tế từ Israel; Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Kinh tế Tuần hoàn tại Israel.
Tại hội thảo, bà Sharon Madel Artzy đã chia sẻ về bài học kinh nghiệm trên hành chình chuyển dịch từ quốc gia khởi nghiệp sang quốc gia đổi mới sáng tạo, tuần hoàn của Israel.
Bà Sharon Madel Artzy, người sáng lập và Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Circular Ecomony, phát biểu tại sự kiện
Theo bà Sharon Madel Artzy, nỗ lực này được thực hiện dựa vào 2 động lực chính.
Đầu tiên, Israel nằm ở vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro khí hậu. Chính điều kiện này đã thúc đẩy Israel trở thành một bên tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Israel là quốc gia nhỏ với ít nguồn tài nguyên, do đó Israel không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên để phát triển mà phải ứng dụng các mô hình tuần hoàn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thứ hai, Israel coi quá trình dịch chuyển toàn cầu phức tạp, theo cách dịch chuyển cách thức sản xuất, tiêu dùng, phải dựa trên đổi mới, sáng tạo. Do đó, Israel đã có sự điều chỉnh trong góc nhìn và cách tiếp cận vấn đề để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo ra động lực cho sự thay đổi mang tính hệ thống của toàn xã hội.
Trên hành trình chuyển dịch, Israel, cũng như nhiều quốc gia khác đều đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Một trong những vấn đề cơ bản nhất là làm thế nào để người dân hiểu được về kinh tế tuần hoàn và đồng lòng tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và bền vững hơn. Để vượt qua trở ngại này, Israel đã tích cực giáo dục cộng đồng, tăng cường tuyên truyền qua truyền thông để khuyến khích người dân, để họ hiểu rằng: Việc chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp ứng phó, giải quyết thách thức về mặt tài nguyên, mà còn thúc đẩy, mang lại cơ hội trong đổi mới, sáng tạo tuần hoàn.
Theo chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), đổi mới sáng tạo là động lực giúp phát triển nền kinh tế. Đây cũng là một lợi thế lớn mà Israel sở hữu trong hành trình của mình. Cụ thể, Israel xếp thứ 14 trong 132 nền kinh tế bao phủ bởi GII năm 2023, xếp thứ nhất trong số 18 nền kinh tế ở Bắc Phi, Tây Á; và xếp thứ 3 trong 50 nước có mức thu nhập cao.
Đại diện công ty Isreal trình bày về giải pháp công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực tuần hoàn nhựa, xử lý nước, dệt may và năng lượng
Bên cạnh đó, một số con số ấn tượng khác về đổi mới sáng tạo cũng được ghi nhận tại Israel, bao gồm tỷ trọng công nghệ cao chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng công nghệ cao trong GDP đạt gần 20%. Những thành tựu đáng ấn tượng của Israel cho thấy năng lực và vị thế của nước này trong hành trình đổi mới sáng tạo.
“Hành trình của Israel từ quốc gia khởi nghiệp sang nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và tuần hoàn nhằm giúp bảo đảm tương lai bền vững, qua đó tạo ra cơ hội về kinh tế, đồng thời giúp bảo vệ hành tinh, mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người và mọi người”, bà Sheron nhấn mạnh trong bài phát biểu.
Cũng trong khuôn khổ, 5 công ty công nghệ Israel đã trình bài các giải pháp công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực: Tuần hoàn nhựa, xử lý nước, dệt may và năng lượng.
Theo baotainguyenmoitruong.vn