Xác định dòng chảy tối thiểu cho lưu vực sông
06/01/2022TN&MTTrong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, việc duy trì dòng chảy tối thiểu đối với một dòng sông có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Xác định được dòng chảy tối thiểu cho dòng chảy sông sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác tổng hợp tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả.
Xác định dòng chảy tối thiểu
Một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý, sử dụng hợp lý TNN là việc xác định dòng chảy tối thiểu (DCTT) cho dòng sông. Dòng chảy để duy trì dòng sông, bảo đảm cho sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái và bảo đảm mức tối thiểu cho các hoạt động khai thác phục vụ phát triển các ngành kinh tế.
Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2008/NĐ-CP về việc quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp TN&MT các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và Nghị định số 120/2008/NĐ-CP về việc quản lý lưu vực sông. Theo đó, quy định phải duy trì DCTT ở hạ du các hồ chứa. Khi nghiên cứu, xác định và tính toán về DCTT cho một dòng sông có hai khái niệm được đề cập thường xuyên, đó là dòng chảy môi trường (DCMT) và DCTT. DCMT được nghiên cứu từ khá lâu trên thế giới nhưng khái niệm về DCTT lại khá mới mẻ. DCMT được biểu thị bởi một chế độ dòng chảy đáp ứng yêu cầu bảo vệ các hệ sinh thái thuỷ sinh khi nguồn nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác sử dụng nước trên sông. Trong đó, DCTT lại được biểu thị là dòng chảy ở mức thấp nhất nhằm duy trì các hệ sinh thái thủy sinh và đảm bảo mức tối thiểu cho các hoạt động khai thác, sử dụng TNN. Như vậy, DCTT và DCMT có quan hệ mật thiết với nhau. DCMT sẽ là DCTT khi nó đáp ứng được yêu cầu duy trì dòng sông và bảo đảm mức tối thiểu cho các hoạt động khai thác nước trên sông. Thời gian qua, có một số nghiên cứu về DCTT, từ nghiên cứu ứng dụng các phương pháp đánh giá nhanh đến các nghiên cứu có xu hướng tiếp cận tổng hợp nhiều phương pháp đánh giá sử dụng các công cụ mô hình toán. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm và phương pháp đánh giá DCTT vẫn đang được hiểu rất khác nhau, các nghiên cứu chỉ mới tập trung vào từng khía cạnh đơn lẻ cấu thành nên DCTT hoặc có tiếp cận theo hướng tổng hợp nhưng chưa đề cập một cách sâu sắc, đầy đủ đến các yếu tố tác động tới sản xuất, đời sống và môi trường hệ sinh thái. Chẳng hạn, khi tính toán DCTT mới đề cập đến lưu lượng mà chưa xét đến yếu tố mực nước; khi tính toán khả năng cấp nước và đảm bảo môi trường lại chưa xét đến vấn đề xâm nhập mặn,... Đặc biệt, khi tính toán DCTT hầu hết các nghiên cứu chỉ mới đưa ra một số liệu DCTT cho cả một thời đoạn dài trong khi đó thực tế yêu cầu về DCTT lại cần phải biến đổi rất nhiều phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, khí hậu, thời vụ và kế hoạch sản xuất,… Điều này hết sức quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, giúp cho việc sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định DCTT theo cách tiếp cận tổng hợp các yếu tố thủy văn, thủy lực và sinh thái có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Cách tiếp cận và xây dựng phương pháp xác định dòng chảy tối thiểu
Trong những năm gần đây, xác định DCTT ở nước ta bắt đầu được quan tâm và ngày càng được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn. Mục tiêu của DCTT là cung cấp một dòng chảy đủ để duy trì sông, đảm bảo cho sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động khai thác sử dụng. Dòng chảy này có ý nghĩa đặc biệt trong mùa khô cạn. Mức độ “sức khỏe” của dòng sông sẽ được duy trì lại tùy thuộc vào sự đánh giá của xã hội, và sự đánh giá này sẽ khác nhau giữa các quốc gia và vùng miền. Vì vậy, thế nào là DCTT thích hợp cho một dòng sông phụ thuộc vào những giá trị mà việc quản lý hệ thống sông nhằm đạt được. Những giá trị đó sẽ là cơ sở để đưa ra các quyết định nhằm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và việc sử dụng nguồn nước của dòng sông. Điều này có nghĩa là các kết quả đạt được về mặt sinh thái không nhất thiết phải là kết quả duy nhất hoặc thậm chí không phải là kết quả chính của một quá trình xây dựng DCTT. Một quá trình như vậy sẽ cần tập trung giải quyết sự cân bằng giữa phân bố nước để thỏa mãn nhu cầu sinh thái với các nhu cầu sử dụng nước khác như thủy điện, tưới, sinh hoạt hoặc giải trí. Khi bắt đầu thực hiện DCTT cần xem xét cân nhắc nhiều vấn đề. Hay nói cách khác, DCTT cần được nhìn nhận là một quá trình quản lý tổng hợp TNN lưu vực sông. Để thiết lập DCTT, cần xác định rõ mục tiêu của dòng sông và các kịch bản khai thác, sử dụng nước. Trong một hệ thống sông, khi nước bị phân bổ quá mức cho việc sử dụng nước có tiêu hao, DCTT có thể chỉ được cung cấp sao cho các hệ sinh thái hoạt động đủ để đảm bảo một cơ sở bền vững cho việc sử dụng nước tiêu hao trong điều kiện hiện tại và tương lai. Trong trường hợp này, DCMT và DCTT không có sự khác biệt nhiều. Đối với những hệ thống sông có giá trị đa dạng sinh học cao, DCMT có thể được yêu cầu để bảo tồn trạng thái tự nhiên của hệ thống sông đó. Như vậy, việc sử dụng nước tiêu hao có thể bị giới hạn ở mức tối thiểu, nghĩa là có thể lấy nước trong thời gian có dòng chảy lớn nhưng việc trữ nước trong hồ chứa là không được phép. Trong trường hợp này, DCMT và DCTT có sự khác biệt lớn. Đối với những hệ thống sông có các loại hình sử dụng TNN mang tính cạnh tranh thì việc hài hòa giữa nhu cầu nước của các hệ sinh thái thủy sinh và nhu cầu sử dụng nước hạ lưu là cần thiết. Môi trường có thể không nhận được tất cả các “nhu cầu nước sinh thái” của mình và các đối tượng sử dụng nước có thể phải thực hiện những thay đổi đắt giá đối với thực tiễn hoạt động. Trong trường hợp này, DCTT đóng vai trò hết sức quan trọng.
Như vậy, điều quan trọng trong việc cung cấp DCTT sẽ là việc xác định xem những thành phần nào của chế độ dòng chảy tự nhiên phải được duy trì để đạt được mục tiêu dòng chảy đã định. DCMT thường khác với dòng chảy tự nhiên và hiếm khi là DCTT hoặc dòng chảy trung bình. Tùy thuộc vào điều kiện khí tượng, thủy văn của khu vực hệ thống sông, dòng chảy trung bình của sông có thể là một trong những thành phần thứ yếu nhất của dòng chảy tự nhiên. Sự biến động về lưu lượng, chất lượng, thời điểm và thời gian duy trì dòng chảy thường mang tính quyết định đối với việc duy trì các hệ sinh thái của sông. Dòng chảy lũ cần thiết cho việc vận chuyển bùn cát, đẩy mặn, duy trì các khu vực cá đẻ trứng và di cư. Việc phân bổ DCTT hoặc trung bình trong những trường hợp đó sẽ không có nhiều tác dụng. Dòng chảy mùa cạn có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo cấp nước hạ du. Xác định và tiến hành các thỏa hiệp là vấn đề trọng tâm của việc thiết lập và thực hiện DCTT. Khi dòng chảy điều tiết được điều chỉnh để cung cấp DCMT, sẽ không tránh khỏi việc các đối tượng hoặc loại hình sử dụng nước khác phải trả giá. Sẽ xuất hiện lợi ích cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng và môi trường, thượng và hạ lưu. Sự cạnh tranh cũng sẽ phát sinh giữa các thành phần khác nhau của môi trường sông với những yêu cầu về chế độ dòng chảy tự nhiên khác nhau.
Như vậy, xác định DCTT cần phải xem xét các lợi ích cạnh tranh, đánh giá sự phù hợp và cách thức thực hiện và cuối cùng cần phải được sự chấp thuận của các bên liên quan. Hơn bốn mươi năm qua, hàng loạt các phương pháp, cách tiếp cận đã được xây dựng nhằm thiết lập dòng chảy môi trường. Các phương pháp chủ yếu được dùng cho các đánh giá cụ thể về nhu cầu sinh thái. Mỗi phương pháp, cách tiếp cận đều có những ưu và nhược điểm riêng. Không có một phương pháp nào được coi là tốt nhất để đánh giá DCMT/DCTT. Vì vậy, mỗi phương pháp, cách tiếp cận chỉ thích hợp cho một điều kiện cụ thể. Các tiêu chí để lựa chọn một phương pháp, cách tiếp cận cụ thể bao gồm nhóm vấn đề đang được xem xét (công trình khai thác nước, đập,...), trình độ chuyên môn, quỹ thời gian và kinh phí hiện có cũng như khuôn khổ pháp lý mà các chế độ dòng chảy phải tuân thủ. Xu hướng ngày càng chuyển sang hướng tiếp cận tổng hợp và toàn diện, sử dụng đa nhóm lợi ích và các nhóm chuyên gia đa ngành để xác định lượng nước cần duy trì trong sông.
Do đó, cần có cách nhìn toàn diện về DCTT, các yếu tố về thủy văn, thủy lực, môi trường sinh thái, chất lượng nước,… phải được xem xét cả về không gian, thời gian dựa trên điều kiện về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và văn hóa.
TS. NGUYỄN DUNG
Viện Nước, tưới tiêu và môi trường