WWF đồng hành với chính phủ Việt Nam tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn bền vững
06/08/2022TN&MTWWF-Việt Nam đang tích cực thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ chính phủ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn trực tiếp thông qua các chủ đề bảo tồn Rừng, Biển, Nước ngọt, Thực phẩm, Khí hậu và Năng lượng và Tài chính Bền vững.
Bộ trưởng Bộ TN&MT, ông Trần Hồng Hà và Trưởng đại diện WWF-Việt Nam, ông Văn Ngọc Thịnh cùng các đối tác
thảo luận về phát triển kinh tế tuần hoàn.
WWF-Việt Nam phát triển Chương trình Rừng với mục tiêu phát triển và bảo vệ rừng tự nhiên, đồng thời phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn bền vững. WWF khuyến nghị phát triển rừng trồng với chu kỳ dài, thông qua thúc đẩy quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung và tích tụ đất đai và chính sách bảo hiểm rủi ro với rừng trồng chu kỳ dài. Cần có các cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tác nhân trong việc dẫn dắt hoạt động sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế và giảm áp lực lên đa dạng sinh học, chính sách thúc đẩy cơ chế các-bon rừng và thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng như đẩy mạnh việc hạch toán tài nguyên rừng vào hệ thống tài khoản quốc gia. Với nguồn cung gỗ bền vững và các cải thiện năng lực của toàn bộ chuỗi trong việc tối ưu hoá nguồn vật liệu này là một đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.
Các thành viên WWF-Việt Nam luôn đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong Chương trình Thực phẩm, WWF-Việt Nam tìm kiếm và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất giảm dấu chân sinh thái của chuỗi giá trị, các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, giảm lãng phí thực phẩm. Tổ chức cũng hỗ trợ các hộ gia đình qui mô nhỏ, các doanh nghiệp qui mô lớn và nhỏ hướng đến áp dụng các kỹ thuật giảm thiểu tác động đến môi trường và vật nuôi, hướng đến chứng chỉ như ASC, các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp đa tầng, đa loài (IMTA). WWF đang cùng các doanh nghiệp và cộng đồng tăng giá trị và hiệu quả của các chuỗi ngành hàng quan trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long như tôm, lúa, cá, dừa.
Bà Trần Thị Hải- Giám đốc Chương trình Phát triển bền vững, WWF-Việt Nam đang cùng doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng
Những vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang đối mặt là những vấn đề quá lớn, liên ngành và cấp thiết, cần nhiều bên cùng đưa ra giải pháp và thực hiện. Do đó, WWF-Việt Nam mong muốn hợp tác với những tổ chức và doanh nghiệp có khả năng nhất nhằm giảm thiểu các mối đe dọa cấp bách đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái Việt Nam, từ đó, cùng tìm cách giải quyết các vấn đề bảo tồn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, đánh bắt thủy sản quá mức và nạn phá rừng.
Các doanh nghiệp đóng vai trò to lớn thúc đẩy kinh tế, và có khả năng thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái của Việt Nam, cũng chính là nền tảng của hoạt động kinh doanh, được sử dụng bền vững. Doanh nghiệp cũng dẫn đầu trong việc thích ứng nhanh chóng và tìm ra các giải pháp sáng tạo cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi. WWF-Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp với mục tiêu thay đổi hành vi và mang lại các kết quả về mặt bảo tồn. Cụ thể hơn, chúng tôi mong muốn làm việc với các doanh nghiệp ở Việt Nam thông qua việc: thúc đẩy sản xuất tốt hơn và có trách nhiệm sử dụng nguồn nguyên liệu không dẫn đến nạn phá rừng hoặc thất thoát nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về nhu cầu tiêu dùng hợp lý hơn; bảo vệ những khu vực sinh thái quan trọng nhất trên thế giới; hỗ trợ chia sẻ hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang 100% năng lượng tái tạo; cùng tham gia vận động chính sách; chuyển hướng dòng tài chính hỗ trợ hoạt động bảo tồn và quản lý hệ sinh thái bền vững.
Trong chương trình “Không rác thải nhựa trong tự nhiên” Để tuần hoàn nguyên vật liệu hiệu quả, WWF đang thực hiện theo một lộ trình 5 điểm can thiệp, bao gồm (1) Tăng trách nhiệm giải trình của Doanh nghiệp và Chính phủ (2) Tái đánh giá nguyên vật liệu, (3) Xác định các cơ chế khuyến khích tài chính và thiết kế cho hình thái tuần hoàn, (4) Đảm bảo Công bằng môi trường và (5) Thúc đẩy các cam kết toàn cầu như Hiệp định toàn cầu để kết thúc ô nhiễm nhựa để chuyển hoá thành nền kinh tế tuần hoàn ở qui mô toàn cầu.
Một trong các hoạt động của Chương trình Nước ngọt là làm việc với các doanh nghiệp đặc biệt phụ thuộc vào nước hoặc ảnh hưởng tới nguồn nước. Chương trình “Xanh hoá ngành dệt may” thúc đẩy tiếp cận tài chính và đầu tư vào các mô hình tuần hoàn nước trong các nhà máy dệt nhuộm, sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm. Tiềm năng của ngành may trong chuyển đổi vận hành theo hướng tuần hoàn còn có thể từ giảm thiểu chất thải từ dệt may, thiết kế sản phẩm, bao bì. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy quản lý khai thác cát bền vững, WWF đang nghiên cứu và đánh giá các nguồn thay thế bền vững cho cát sông tự nhiên.
Đối thoại: Doanh nghiệp bền vững hành động & cam kết vì khí hậu. Trong ảnh: Ông Tsukasa Tsumura, Tổng Giám đốc Epson Việt Nam; Tiến sỹ Lan Mercardo, Giám đốc khu vực, WWF Châu Á Thái Bình Dương & Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Chương trình Phát triển Bền vững, WWF-Việt Nam
Chương trình Khí hậu và Năng lượng bền vững hướng đến mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 52% trong tổng lượng điện quốc gia và tăng mức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2030 lên 30%. Song song với các hoạt động vận động hoàn thiện và triển khai chính sách về Thích ứng và Giảm nhẹ tác động của BĐKH ở cấp trung ương và một số tỉnh, WWF khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng, thành phố để thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên, cũng như ứng dụng nguồn năng lượng bền vững và các chương trình tiết kiệm điện, tham gia cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chương trình Tài chính Bền vững đi song hành với các chương trình trên, thúc đẩy các thể chế tài chính, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và chính phủ tăng các nguồn đầu tư từ khối công và tư cho các giải pháp sản xuất phát thải thấp, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, cộng đồng tiếp cận được các nguồn tài chính này để nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như các giải pháp phục hồi thiên nhiên.
Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội để định nghĩa lại sự phát triển và thúc đẩy hệ sinh thái ổn định, có khả năng chống chịu phục hồi đa dạng sinh học. Mặt khác, giới hạn của trái đất vẫn là một yếu tố quyết định tính bền vững của nền kinh tế. Chính vì vậy, WWF vẫn tiếp tục bền bỉ với các cộng đồng, chính quyền và khối tư nhân trong các hoạt động cùng bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo các dịch vụ từ hệ sinh thái khoẻ mạnh.
Hồng Minh