Vùng đất an lành của loài voọc chà vá chân xám
23/10/2024TN&MT"Khi được cơ quan chức năng Quảng Nam liên hệ việc địa bàn có sự xuất hiện đàn voọc chà vá chân xám, chúng tôi đã đến để khảo sát. Bất ngờ là từ nhiều năm nay, một nhóm nhỏ người dân tự giác bảo vệ loài này dù chưa biết đó là quý hiếm" - anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh kể lại khi giới thiệu về nhóm Tiên Phong.
Nhóm Tiên Phong cùng GreenViet vào rừng "thăm" voọc
Nhóm Tiên Phong gồm những người dân sống tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Họ đã xung phong, tự giác phối hợp chính quyền địa phương tham gia bảo vệ sinh cảnh, bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám từ nhiều năm nay.
Chung tay bảo vệ loài động vật quý
Ðược thông báo từ trước sẽ có một nhóm đi thực địa và ngắm voọc, anh Huỳnh Công Phương (thành viên nhóm Tiên Phong) gác lại công việc để dẫn đoàn lên rừng.
Phương kể, từ nhiều năm trước, khi còn là công an viên cơ sở của thôn, anh và mọi người thường đi tuần rừng. Với những thông tin cập nhật từ người dân bản địa, nhóm đã nhiều lần nhìn thấy những chú voọc chà vá chân xám. Lúc này, họ chưa rõ đây là loài linh trưởng gì?
Nhóm nhẩm đếm được chừng 20 con. Thuật lại lý do nhóm bảo vệ, không cho người dân săn bắt, bẫy, anh Phương chia sẻ, nhiều lần thấy đàn voọc, nhưng chúng hiền lành, không vào rẫy phá hoa màu. Mỗi lần các anh đi rừng lại gặp đàn voọc chuyền cành, ăn lá, thân thiện với mọi người.
"Lúc đó, tình trạng bẫy thú rừng vẫn còn khá nhiều, chúng tôi đi tuần tra vẫn luôn gỡ bẫy, nhắc nhở, có khi ngăn cản người dân không được săn các loài, nhất là những con voọc này. Lúc đó không biết rõ nên đều gọi là doọc" - anh Phương nhớ lại.
Ðến năm 2017, tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia phối hợp tìm hiểu và người dân được thông báo đây là loài voọc chà vá chân xám, thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, quý hiếm. Sau đó, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Ðà Nẵng đã đến khảo sát.
Anh Trần Hữu Vỹ chia sẻ: "Khi đến đây, chúng tôi khá băn khoăn vì số lượng voọc chỉ khoảng 20 con, khá ít ỏi nên để đưa ra dự án bảo vệ rất khó khăn. Làm bảo tồn cũng phải mạo hiểm, nên trung tâm đã quyết định cùng cộng đồng và chính quyền địa phương bắt tay nhau thực hiện".
Chương trình nghiên cứu và bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, được Trung tâm GreenViet thực hiện từ năm 2017 đến nay. Một trong những hoạt động đầu tiên được thực hiện chính là cùng Ủy ban nhân dân xã thành lập nhóm Tiên Phong bảo vệ chà vá chân xám Tam Mỹ Tây.
Sau một thời gian thành lập, nhóm chọn được 10 thành viên chủ chốt. Mỗi người một việc, từ kiểm lâm, thợ sửa xe máy, nông dân… Công việc của nhóm đều đặn mỗi tháng sẽ thực hiện bốn đợt tuần tra bảo vệ rừng, cùng chà vá chân xám, mỗi lần từ hai đến bốn thành viên. Bên cạnh đó, nhóm tuyên truyền đến người dân địa phương và bốn xã giáp ranh về bảo vệ voọc, bảo vệ rừng nói chung cũng như không săn bắt động vật hoang dã.
Có những ngày, các thành viên trong nhóm bỏ ngang công việc, hớt hải vào rừng vì nghe người dân thông báo về việc có người đặt bẫy hoặc bắt thú rừng, hay làm ảnh hưởng đến môi trường sống của voọc.
Anh Phương bộc bạch: "Những lần trời mưa, đường trơn trượt khó đi, tôi cũng suy nghĩ vì sao mình lại lựa chọn "vác tù và" như vậy? Tuy nhiên, một lần dẫn đoàn nước ngoài vào rừng nghiên cứu, khảo sát, tôi gặp bác đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn kiên trì bám theo đoàn để được ngắm voọc. Cảm nhận được sự trân trọng của mọi người với thiên nhiên, tôi có thêm động lực hơn với việc mình đang làm".
Thống kê ban đầu, số voọc chà vá chân xám khoảng 20 cá thể, sống tại bốn khu vực gồm Hòn Dương Bông, Hòn Dồ, Hòn Ông và Hòn Dương Bản Lầu (diện tích khoảng 30 ha). Còn trong đợt điều tra khảo sát về loài voọc tại xã Tam Mỹ Tây đầu năm 2024, xác định quần thể chà vá chân xám phát triển số lượng lớn. Kết quả thu được với chín đàn khoảng 75 cá thể, trong đó có năm cá thể con non và nhỡ.
Ðây là tín hiệu khả quan, ghi nhận hiệu quả của công tác bảo vệ, bảo tồn loài chà vá chân xám của cộng đồng và chính quyền địa phương nơi đây. Ông Nguyễn Dư, trưởng nhóm Tiên Phong tự tin nói: "Ðến nay, người dân ở đây đều hiểu rõ và luôn chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ chà vá chân xám, không còn tình trạng săn bắt, bẫy thú rừng nữa".
Vùng đất an lành của loài voọc chà vá chân xám ảnh 1
Voọc chà vá chân xám tại khu rừng xã Tam Mỹ Tây. (Ảnh NGUYỄN VĂN LINH/GREENVIET)
Hy vọng mở rộng sinh cảnh sống cho voọc
Các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân khu vực chung quanh như khai thác, phát rẫy, đốt thực bì, khai thác cây keo đã gây ra các mối đe dọa, ảnh hưởng đến sinh cảnh và môi trường sống của các đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây.
Cùng với đó, diện tích 30 ha rừng tự nhiên hiện có khả năng không đủ cho các gia đình chà vá chân xám sinh sống. Nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền từ tỉnh đến xã, ngành lâm nghiệp và cộng đồng dân cư vùng đệm, nhiều dự án tiếp tục thực hiện nhằm bảo tồn loài voọc nơi đây. Trong đó có hỗ trợ sinh kế cho người dân, trồng các loài cây bản địa nhằm phục hồi thêm diện tích rừng, bổ sung thức ăn cho voọc.
Năm năm trước, ông Nguyễn Dư đã chủ động trồng một số cây lim trong tổng gần 6 ha rừng của mình với mục đích để có một mảnh rừng đẹp và mát. Ðến nay, số cây đó đã góp một phần vào việc chuyển đổi sang cây gỗ lớn, góp phần bảo vệ sinh cảnh sống cho loài voọc. Mới đây, anh Huỳnh Công Phương cũng nhận về cây giống dổi và lim xanh cùng 3 hộ khác tham gia trồng gần 5 ha rừng, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển sinh kế lâu dài từ rừng cây gỗ lớn.
"Trong tổng số 10 ha rừng keo của mình, tôi sẽ trồng 1,5 ha cây gỗ lớn mới nhận này, vị trí trồng giáp ranh với khu vực rừng tự nhiên nơi voọc đang sinh sống. Tôi cũng sẽ trồng cuốn chiếu để thay dần cây keo, góp phần mở rộng diện tích rừng" - anh Phương chia sẻ.
Có lẽ, điều mà người dân nơi đây vui mừng hơn cả là tín hiệu mạnh mẽ từ phía chính quyền. Năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng phương án chuyển loại rừng sản xuất sang rừng đặc dụng khu bảo tồn loài-sinh cảnh chà vá chân xám Tam Mỹ Tây.
Ðiều này giúp loài voọc được quản lý bảo vệ tốt hơn trong hệ thống pháp luật liên quan ngành lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng ý cho thành lập mới rừng đặc dụng Tam Mỹ Tây với diện tích 60 ha trong hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Tháng 5/2024, Huyện ủy Núi Thành cũng đã ban hành nghị quyết về bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết nêu rõ cần triển khai tốt chương trình, giải pháp bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chú trọng công tác bảo tồn tại chỗ, nghiên cứu gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phối hợp tỉnh hoàn thành sớm khu bảo tồn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây.
Quyết định 859/QÐ-TTg về Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia 2021-2030 có Quy hoạch Khu bảo tồn loài - sinh cảnh voọc chà vá chân xám 60 ha, là kết quả nổi bật về nỗ lực bảo tồn voọc chà vá chân xám từ năm 2018 đến nay.
Các thành viên của nhóm Tiên Phong vẫn duy trì công việc trước nay của mình và có thể tự hào về những đóng góp thầm lặng khi góp phần cùng chính quyền bảo vệ, giữ gìn "kho báu thiên nhiên" của quê hương.
Theo nhandan.vn