Vòng Chung kết Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”
23/10/2024TN&MTCuộc thi được tổ chức bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
Giải pháp Đổi mới được trao cho dự án: "Giải pháp thay thế bao bì màng ghép nhôm".
Nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng các giải pháp mới, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”.
Trong khuôn khổ vòng chung kết, các đội thi sẽ giới thiệu về sản phẩm của đội mình tại buổi triển lãm vào buổi sáng và thuyết trình sản phẩm cũng như nhận giải vào buổi chiều cùng ngày. Dựa trên mục đích tìm kiếm và vinh danh các ý tưởng, giải pháp mới và công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn, các đội tham gia sẽ được lựa chọn và đánh giá dựa trên hai bảng bao gồm: Bảng Ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào các sáng kiến, mô hình và giải pháp mới và sáng tạo chưa tiếp cận thị trường, đang trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần sự hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Và bảng Giải pháp triển vọng tập trung vào các giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Tại buổi triển lãm, bà Đỗ Diệu Linh - người sáng lập thương hiệu GAEA - một DNXH nhỏ tái chế bạt nhựa và vải vụn thành sản phẩm thủ công cho biết: “GAEA là một doanh nghiệp xã hội tạo tác động dựa trên tiêu chí bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và tạo cơ hội việc làm cho nhóm phụ nữ nông thôn yếu thế. Sau khi tổ chức thu gom bạt rác từ các sự kiện hay xưởng in thì chúng tôi sử dụng thợ may là những người phụ nữ yếu thế ở vùng nông thôn Thái Bình, phụ nữ đông con,... để may thành các sản phẩm như thế này. Hơn nữa, chúng tôi hiện đang tập trung vào mô hình hình kinh doanh B2B tức là cung cấp các giải pháp quà tặng cho các tổ chức và tái chế.”
Gian hàng sản phẩm của doanh nghiệp GAEA
Bên cạnh đó, bà Đỗ Diệu Linh cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi còn là đơn vị tiên phong trong các hoạt động giáo dục môi trường thông qua các dịch vụ workshop tái chế bao gồm workshop tour. Trong workshop tour, chúng tôi sẽ sử dụng người lao động là các thanh niên yếu thế thuộc tổ chức đường phố. Chúng tôi sẽ training cho các bạn ấy cách may sản phẩm và các bạn ấy sẽ là người hướng dẫn trực tiếp cho du khách. Song song với đó, du khách cũng có thể cùng lúc thưởng thức di sản ẩm thực của Hà Nội trong không gian workshop tái chế. Khi được trải nghiệm như vậy, khách du lịch sẽ có được những trải nghiệm rất tích cực về chuyến đi, đồng thời họ được nâng cao nhận thức về môi trường và các yếu tố văn hóa của Việt Nam.”
Bà Đỗ Diệu Linh - người sáng lập thương hiệu GAEA
Tới với đội thi ứng dụng VECA phân loại rác tại nguồn - ứng dụng kết nối người thu mua ve chai với người bán ve chai là ý tưởng khởi nghiệp được Bùi Thế Bảo sáng lập. Ông chia sẻ: “Chúng tôi tạo ra các ứng dụng để quản lý rác thải thay vì sử dụng giấy, bút thì công nghệ này sẽ giúp người dân làm việc được với các cơ quan chính quyền thuận lợi hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ về mặt pháp lý, chính sách, cơ hội, bảo hiểm y tế cho các khu ve chai để giúp quá trình thu góp hiệu quả hơn. Không những thế, chúng tôi còn làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, tòa nhà, hay trường học để giúp cho các khu ve chai có thu nhập và lượng rác thải sẽ tới được các khu vực tái chế.”
Ông Bùi Thế Bảo - nhà sáng lập của ứng dụng thu mua ve chai VECA
Chia sẻ thêm về sản phẩm của mình, đội Nhựa sinh học Buyo - Giải pháp bền vững chống ô nhiễm nhựa cho biết: “Đối với các sản phẩm của chúng tôi, chúng đều được làm từ buyo và chúng tôi hoàn toàn không dùng nhựa, dầu mỏ hay tinh bột. Trước đây, phần lớn các giải pháp nhựa sinh học đã có trên thế giới đều dùng tinh bột. Tuy nhiên, chúng tôi thấy được rằng tinh bột là nguồn thực phẩm dành cho con người và động vật và tinh bột thực chất cũng hạn chế rất nhiều về mặt tính năng ví dụ như khả năng kháng ẩm hay chịu nhiệt thấp. Còn đối với những đồ vật được làm từ nguồn bã hữu cơ như thế này thì vẫn sẽ đảm bảo được các tính năng chịu ẩm, chịu nhiệt tốt, tương đương với các sản phẩm nhựa thường.”
Các sản phẩm tái chế từ nguồn bã hữu cơ của đội thi Nhựa sinh học Buyo
Chị Đỗ Thị Trang - Founder Up Green Việt Nam và các sản phẩm nhựa tái chế tại Triển lãm chia sẻ về đứa con của mình: “Mọi người đều đặt ra câu hỏi về xử lý và tái chế rác thải nhựa. Vậy thì sau khi tái chế xong thì bước tiếp theo sẽ làm gì? Đây dần trở thành nút thắt trong câu chuyện rác thải nhựa tại Việt Nam.”
Chị Đỗ Thị Trang - Founder Up Green Việt Nam và các sản phẩm nhựa tái chế tại Triển lãm
Ngoài ra, chị Đỗ Thị Trang cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi mang đến sự nâng tầm về rác thải nhựa tái chế. Một tấm vật liệu sẽ có câu chuyện riêng nằm bên trong đó. Ví dụ những label ở trong bình nước sẽ là nhựa đa lớp rất khó để tái chế, chỉ có thể chôn lấp hoặc đốt đi. Chúng tôi đã xử lý nó bằng cách tạo ra các texture vân đá. Đấy chính là giá trị mà Upgreen muốn mang đến với mục tiêu không chỉ vì sản phẩm là rác thải tái chế mà còn vì mẫu mã, kiểu dáng bên ngoài mang đậm tính nghệ thuật và những giá trị truyền thống.”
Các sản phẩm tái chế đặc sắc của Up Green Việt Nam
Đến với vòng Chung kết Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” còn có rất nhiều các sản phẩm độc đáo và thú vị khác. Vòng Chung kết Cuộc thi đã khép lại với những ý tưởng sáng tạo và đột phá, mở ra hy vọng cho tương lai của ngành công nghiệp nhựa bền vững. Các dự án không chỉ thể hiện tầm nhìn tiên tiến trong việc giảm thiểu tác động môi trường mà còn khẳng định sự quyết tâm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một thế giới xanh hơn. Cuộc thi đã chứng minh rằng, sự kết hợp giữa trí tuệ, công nghệ và tinh thần đổi mới có thể mang đến những giải pháp thiết thực, góp phần thay đổi tương lai ngành nhựa theo hướng bền vững, tuần hoàn hơn.
Thu Hường, Thùy Linh