Việt Nam thành cứ điểm của những 'người khổng lồ' công nghệ
03/09/2022TN&MTSự xuất hiện của các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới đã đưa Việt Nam rực sáng trên bản đồ sản xuất các thiết bị công nghệ toàn cầu.
Chiếc điện thoại ‘made in Vietnam’ đi khắp thế giới
Cách đây 14 năm, vào ngày 25/3/2008, Samsung Electronics Việt Nam được trao giấy chứng nhận đầu tư với Bắc Ninh với tổng số vốn 670 triệu USD. Đây là ‘cứ điểm’ đầu tiên trên hành trình biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất thiết bị di động của thế giới.
Trước đó 2 năm, Intel Products Việt Nam - IPV cũng đã công bố khoản đầu tư tới 1 tỷ USD cho nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Dự án đi vào hoạt động từ năm 2010. Đây là dự án đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam.
Samsung đã có một hành trình tăng vốn đầu tư ngoạn mục ở Việt Nam.
Sau Samsung, cuối 2011, ‘người khổng lồ’ Nokia (Phần Lan) cũng rót vốn vào Bắc Ninh, số vốn hơn 300 triệu USD và đi vào hoạt động năm 2014. Nhưng đáng tiếc là việc kinh doanh của Nokia trên thế giới gặp biến động, nên vào tháng 4/2014, Nokia đã phải bán “một phần cơ thể”. Ngày 25/4/2014, Tập đoàn Microsoft thông báo hoàn tất việc mua lại bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia. Sự kiện đánh dấu bước đầu tiên trong việc kết nối hai tổ chức này làm một, trong đó có nhà máy Nokia ở Việt Nam. Sau đó, nhà máy này đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam.
Sau 14 năm, từ số vốn 670 triệu USD ban đầu, đến nay Samsung đã chính thức đầu tư tới gần 19 tỷ USD vào Việt Nam và con số vẫn chưa dừng lại. Sự hiện diện của Samsung cũng không chỉ dừng lại ở Bắc Ninh, mà đã mở rộng đến TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên.
Còn Intel, từ số vốn 1 tỷ USD ban đầu, đến nay đã tăng mức đầu tư lên 1,5 tỷ USD. Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 27/5/2022, ông Patrick Gelsinger, Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel, cho hay sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam với số vốn gấp nhiều lần trong giai đoạn mới.
Làn sóng DN FDI đầu tư nhà máy ở Việt Nam chưa dừng lại. Đến năm 2016, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 15/4/2016 với số vốn 1,5 tỷ USD - đây là dự án có vốn FDI lớn nhất được đầu tư tại Hải Phòng khi đó. Dự án chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED tivi, màn hình LCD. Đến nay, sau các lần tăng vốn, LG đã đầu tư tổng cộng 4,65 tỷ USD vào Hải Phòng.
Với nhu cầu đa dạng hóa thị trường đầu tư, 2 năm nay, Việt Nam cũng tiếp nhận hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà cung cấp lớn của Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron,... Hiện nay, mới chỉ có một số sản phẩm Apple được sản xuất ở Việt Nam là tai nghe AirPods, loa HomePod,... nhưng Việt Nam cũng đang tràn trề cơ hội để các sản phẩm iPhone của Apple gắn mác ‘made in Vietnam’.
Mới nhất, vào tháng 6 năm nay, Công ty DBG Technology, đối tác sản xuất của Xiaomi Việt Nam, chính thức thông báo về lô hàng đầu tiên của Xiaomi được sản xuất chính hãng tại Việt Nam ở nhà máy thuộc Khu công nghiệp Thái Nguyên.
Cứ điểm sản xuất công nghệ toàn cầu và những băn khoăn
Sự xuất hiện của các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới đã đưa Việt Nam rực sáng trên bản đồ sản xuất các thiết bị công nghệ toàn cầu.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đang được Samsung đầu tư xây dựng
Cả năm 2021, Việt Nam sản xuất 233,7 triệu chiếc điện thoại di động, tăng 7,6% và trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580.800 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2020. Nếu so với doanh số 1,25 tỷ chiếc điện thoại di động tiêu thụ trên toàn cầu năm 2020 thì sản lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam chiếm gần 20% nguồn cung. Với riêng Samsung, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của tập đoàn, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu.
Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vươn lên trở thành nhà xuất khẩu smartphone thứ hai thế giới, theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ IDC.
Đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đang được Samsung đầu tư xây dựng tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD. Lưới bóng - một bộ phận trong chip bán dẫn, Samsung đang chuẩn bị thử nghiệm và sẽ sản xuất đại trà ở nhà máy Thái Nguyên từ tháng 7/2023. Điều này cho thấy Việt Nam đang nâng hình ảnh của một đất nước có nhiều đại gia công nghệ thế giới hiện diện, không chỉ dừng ở mức gia công, lắp ráp.
Nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở khâu gia công, lắp ráp - có giá trị gia tăng thấp nhất - trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ. Các tập đoàn này đóng góp nhiều trong tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, việc làm nhưng về thu ngân sách vẫn còn chưa được như kỳ vọng do đang được hưởng nhiều ưu đãi thuế.
Ví dụ, một công ty A có số vốn đầu tư tỷ USD ở Việt Nam, năm 2020 lợi nhuận kế toán trước thuế đạt gần 6.000 tỷ, nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chỉ hơn 150 tỷ, tức thuế suất là chưa đến 3%. Số thuế thu nhập phải nộp các năm trước của công ty này cũng chỉ dao động ở mức 4-6% lợi nhuận trước thuế. Lý do là công ty này được hưởng nhiều ưu đãi thuế.
Các ưu đãi thuế áp dụng cho doanh nghiệp.
Nhiều dự án FDI lớn ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, số thuế thu nhập phải nộp là rất thấp do nhận nhiều ưu đãi. Theo tính toán của Tổng cục Thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó thuế thu nhập DN thực tế của các DN FDI là 12,3%. Trong đó, các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế Thu nhập DN là 2,75% đến 5,95% (nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế Thu nhập DN 10% trong cả đời dự án, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo).
Trong khi đó, các DN thuần Việt vẫn chưa nhận được nhiều tác động lan tỏa từ các đại gia công nghệ, chưa len lỏi được vào chuỗi cung ứng của các đại dự án này. Hầu hết nhà máy của các tập đoàn này vẫn dùng sản phẩm của các nhà cung cấp FDI.
Bộ Công Thương trong báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2022, thẳng thắn đánh giá: Tình trạng phổ biến hiện nay là các địa phương mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu của quá trình thu hút đầu tư, chưa thực sự chú trọng đến việc phát huy sự lan tỏa của các dự án lớn, gây lãng phí cơ hội, tiềm năng có thể nhận được từ FDI trong thời gian các dự án này hoạt động tại Việt Nam.
Những điểm yếu này dù được nhận diện nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thấy có một giải pháp nào đủ mạnh để Việt Nam vươn lên tầm cao mới trong việc thu hút các DN công nghệ lớn của thế giới với giá trị gia tăng cao hơn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc tận dụng những lợi thế của thu hút FDI để phát triển các DN công nghệ trong nước. Sau một thời gian trở thành “công xưởng của thế giới”, với kế hoạch “Made in China 2025”, giờ Trung Quốc đã có những tập đoàn công nghệ ‘khổng lồ’ như Huawei, Xiaomi, Alibaba, Baidu, Tencent, ZTE,... Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất thiết bị vi mạch điện tử hàng đầu thế giới.
Như nhiều chuyên gia đã chia sẻ: Gia công lắp ráp chỉ để kiếm sống, còn muốn giàu có thì Việt Nam phải làm chủ công nghệ.
Theo vietnamnet.vn