Việt Nam nỗ lực kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
20/09/2023TN&MTHưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023 (16/9), với thông điệp “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, những ngày trung tuần tháng 9 này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy những nỗ lực và kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal
Sau hành trình 36 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ô-dôn, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Đến nay, tầng ô-dôn đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980. Hiện đã có 99% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã được loại trừ hoàn toàn, Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
ảnh minh họa
Để tăng cường thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, ngày 15/10/2016, tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, đến nay đã có 152 quốc gia phê chuẩn tham gia. Mục tiêu của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali là giảm dần sản xuất và tiêu thụ các chất HFC - nhóm chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng phổ biến để thay thế các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghiệp làm mát. Gần 80% các chất HFC đang được sử dụng trong lĩnh vực làm mát (điều hoà không khí, thiết bị lạnh, hệ thống điều hoà trung tâm, kho bảo quản lạnh…) và 10% lượng điện tiêu thụ toàn cầu phục vụ nhu cầu làm mát của con người.
Trái đất đang dần nóng lên kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí ở trong nhà, trường học và nơi làm việc cũng tăng theo. Việc tăng cường khả năng tiếp cận chuỗi lạnh bền vững, giúp bảo quản thực phẩm và vắc xin là yêu cầu thiết yếu cho phát triển bền vững. Thông qua việc loại trừ các chất HFC, việc thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ góp phần không làm tăng nhiệt độ trái đất 0,5oC vào năm 2100 và kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế vừa đảm bảo vừa an toàn, thân thiện với môi trường, khí hậu và đồng thời tăng hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát là rất quan trọng.
Theo TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Bộ TN&MT được giao là cơ quan đầu mối quốc gia triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được sử dụng chủ yếu trong sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch hàng xuất khẩu. Các chất HCFC đã được quản lý, loại trừ trải qua 2 giai đoạn Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam (Dự án HPMP), do Quỹ đa phương tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Việt Nam sẽ tuân thủ lộ trình và dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.
TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, với xu hướng gia tăng sử dụng các chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế các chất HCFC - chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong nhiều lĩnh vực... Ngày 04/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal nhằm không tăng lượng tiêu thụ và sẽ giảm lượng tiêu thụ các chất này theo lộ trình cam kết. Các chất HFC sẽ được quản lý, loại trừ từ năm 2024, không gia tăng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024-2028 so với mức tiêu thụ trung bình (của 03 năm 2020, 2021 và 2022); giảm 10% trong giai đoạn 2029-2034; giảm 30% trong giai đoạn 2035-2039; giảm 50% trong giai đoạn 2040-2044; và giảm 80% từ năm 2045.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal của Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 9/2023. Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn từ năm 2024 - 2045 là đảm bảo việc thực hiện cam kết quốc tế, đóng góp vào mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn bảo đảm phát triển kinh tế và đề ra các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nỗ lực kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
Đối với Việt Nam, trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước ta đã và đang thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal. Luật BVMT năm 2020 đã quy định tại Điều 91 Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Điều 92: Bảo vệ tầng ô-dôn; Điều 93: Tổ chức và phát triển thị trường các- bon. Tiếp theo đó, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ TNMT ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và chi tiết một số điều của Luật BVMT. Trong đó, quy định và khuyến khích chính sách về đào tạo nhân lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, Điều 28 Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định chủ sở hữu thiết bị có chứa chất được kiểm soát bắt buộc thu hồi các chất này từ ngày 01/01/2024. Nghị định khuyến khích tái chế, tái sử dụng sau khi thu hồi; trường hợp không tái chế, tái sử dụng được, thực hiện tiêu hủy. Từ ngày 01/01/2024, đối với kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.
ảnh minh họa
Bộ TN&MT hiện đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực thi cũng như các chính sách liên quan khác.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 và hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng). Trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2034 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.
Để thực hiện mục tiêu chung theo Nghị định thư Montreal, cần có sự hỗ trợ hơn nữa của các đối tác quốc tế, hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp. Việt Nam chủ động và tích cực thực hiện các điều ước, thỏa thuận đã tham gia, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nội luật hóa các cam kết quốc tế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BĐKH, bảo vệ tầng ô-dôn.
Qúy Tâm