Việt Nam - Nhật Bản: Nâng tầm hợp tác hướng tới phát triển bền vững
04/10/2024TN&MTSáng ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, quản lý chất thải và phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm đáp ứng những ưu tiên quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tiếp đón và làm việc với Đại Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki, sáng ngày 4/10/2024
Hợp tác phát triển bền vững trong quản lý chất thải và năng lượng tái tạo
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản vì những hỗ trợ quý báu dành cho Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi. Những hỗ trợ này không chỉ thể hiện tình cảm hữu nghị giữa hai quốc gia mà còn giúp Việt Nam nhanh chóng ổn định và khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội sau thiên tai.
Hai bên đã thảo luận về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quản lý chất thải, với mục tiêu thu hồi năng lượng từ rác thải, nhằm hướng tới phát triển bền vững cho Việt Nam. Nhật Bản đã đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thiết bị phục vụ điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương. Họ cũng đã tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo chuyên đề về rác thải nhựa tại Việt Nam và cho các nước ASEAN.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này bao gồm Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Để hỗ trợ cho chiến lược này, Nhật Bản cũng đã giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy xử lý chất thải phát điện và thiết lập các quy chế xử lý chất thải hiệu quả.
Đại sứ Ito Naoki khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp luật liên quan và tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ và chuyên gia Việt Nam, giúp họ tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản.
Nâng cao mối quan hệ song phương qua cơ chế tín chỉ chung (JCM)
Một trong những điểm nhấn của cuộc họp là việc hai bên trao đổi về cơ chế tín chỉ chung (JCM), một sáng kiến hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính và thúc đẩy các dự án giảm phát thải carbon. Cơ chế này đã và đang giúp Việt Nam nâng cao năng lực trong việc giảm phát thải và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam hợp tác trong các dự án năng lượng sạch.
Buổi làm việc giữa hai bên đã mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề xuất rằng, trong thời gian tới, Nhật Bản có thể hỗ trợ thêm cho Việt Nam trong việc triển khai các dự án tín dụng xanh và phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ COP26. Đại sứ Ito Naoki bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả hợp tác giữa hai bên, nhấn mạnh rằng việc Việt Nam tham gia Cơ chế Tín chỉ chung JCM góp phần quan trọng trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu và thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam triển khai hơn 40 dự án liên quan đến Cơ chế JCM, từ đó nâng cao năng lực thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris.
Buổi làm việc giữa hai bên đã mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ trong lĩnh vực môi trường mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho cả hai quốc gia.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại buổi tiếp đón Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki
Trước đó, hồi tháng 1/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản đã tổ chức đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 tại Hà Nội. Nhân dịp này, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về môi trường, mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và giảm thiểu rác thải nhựa. Hoạt động hợp tác có thể được thông qua các lĩnh vực được hai bên thống nhất liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sự kiện này như sau: Biến đổi khí hậu: thích ứng và ứng phó; Đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV); Công nghệ khử cacbon; Quản lý rác thải bao gồm rác thải điện tử và kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương và ô nhiễm nhựa; ô nhiễm nước và không khí; công nghệ môi trường, bảo vệ môi trường đối với ô nhiễm hóa chất; đánh giá tác động môi trường; Thành phố bền vững môi trường; Bảo tồn đa dạng sinh học; Các lĩnh vực bảo vệ và cải thiện môi trường khác có thể được hai bên thống nhất.
PV