Việt Nam - Đan Mạch: Hợp tác vì một ngành công nghiệp biển xanh
14/09/2021TN&MTNgành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn.
Hợp tác Việt Nam – Đan Mạch
Với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và nỗ lực của chính phủ là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.
Theo nghiên cứu của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng thế giới: Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi. Đồng thời cũng đưa ra những khuyến nghị về các nghiên cứu đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, bao gồm các điểm chính: Mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần là điều kiện kiên quyết để chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ; khung pháp lý phù hợp và hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế là chìa khóa để bù lại những rủi ro của thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp gió ngoài khơi vững mạnh ở Việt Nam; chỉ định một cơ quan chính phủ làm đầu mối duy nhất và tinh giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi nhằm đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian đã định; cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.“Khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi, chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn. Tất nhiên, Chính phủ Việt Nam là cơ quan đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình phát triển điện gió ngoài khơi”- ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết.
Hiện nay, một trong các ưu tiên của chính phủ Đan Mạch là hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững và phát triển xanh với mũi nhọn là phát triển một ngành năng lượng bền vững thông qua hợp tác giữa hai nước trong chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch Việt Nam. Chương trình được bắt đầu từ năm 2013 và tập trung vào việc xây dựng năng lực và trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên gia hai nước. Thông qua chương trình này, Đan Mạch đang giúp đỡ Việt Nam phát triển một chiến lược dài hạn để phát triển ngành năng lượng bền vững, có khả năng tích hợp tốt nguồn năng lượng tái tạo cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gan
Dự án điện gió La Gan thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Với công suất dự kiến lên đến 3,5 GW, tổng vốn đầu tư ước tính cho tất cả các giai đoạn của dự án khoảng 10,5 tỷ USD. Dự án được đầu tư và phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cùng với Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á (Asiapetrol) và Công ty TNHH Năng lượng Novasia (Novasia Energy).
Tháng 5/2019, dự án đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Bình Thuận về về việc xin cấp phép khảo sát ngoài khơi. Cuối tháng 7/200, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cùng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường xem xét hồ sơ đăng ký xin khảo sát ngoài khơi của dự án. UBND tỉnh Bình Thuận đang xem xét đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia số 8 (Quy hoạch điện VIII) và quyền khảo sát ngoài khơi.
Cùng với Viện Năng lượng và các chuyên gia tư vấn quốc tế, dự án đã hoàn thành các nghiên cứu chi tiết về tác động lưới điện và xác định bốn phương án nối lưới khả thi cho dự án. Dự án đã đề xuất phương án nối lưới của Viện Năng lượng và lộ trình trong báo cáo đề xuất đầu tư. Dự án đã hoàn thành các đánh giá ban đầu về điều kiện gió, hình thái thời tiết, đặc điểm thổ nhưỡng, tính phù hợp của cảng, khả năng của chuỗi cung ứng và các hợp đồng mua bán điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Điện lực Việt Nam. Dự án hiện đang hoàn thành nghiên cứu chi tiết về lợi ích kinh tế và việc làm, dự kiến nghiên cứu sẽ phát hành vào đầu năm 2021.
Hình ảnh về công nghệ LiDAR nổi dự kiến sẽ được sử dụng bởi dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (ảnh: AXYS)
Hiện nay, dự án đã hoàn thành các quy trình đấu thầu cho công tác khảo sát ngoài khơi và sẽ sớm ký hợp đồng trị giá khoảng 10 tỷ USD. Dự án đã ký hợp đồng Đánh giá tác động môi trường và xã hội (với NIRAS Group) và Floating LiDAR (với AXYS) vào tháng 10/2020. Giá trị của hai hợp đồng xấp xỉ 5 triệu USD. Hai hợp đồng khảo sát địa vật lý và địa kỹ thuật với giá trị khoảng 5 triệu USD sẽ sớm được ký kết. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho việc khảo sát ngoài khơi, bắt đầu vào quý I/2021 (sau khi dự án được cấp phép khảo sát). Dự kiến, sẽ có sự tham gia của một số nhà thầu của Việt Nam, bao gồm Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên – môi trường biển khu vực phía Bắc; Liên doanh dầu khí Việt – Nga, Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, Công ty cổ phần nghiên cứu phát triển an toàn và môi trường dầu khí thuộc Viện Dầu khí, Tổng công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí, Biên phòng Việt Nam, Công ty Kỹ thuật Rynan, Wild Tour & Research Service – Bird Vietnam, Trung tâm trợ giúp thúc đẩy giá trị bản địa và Môi trường bền vững CHIASE.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, dự án đang tiếp tục phối hợp với cộng đồng hỗ trợ một số hoạt động thiện nguyện tại địa phương như: Quyên góp cho các tổ chức từ thiện tập trung vào trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Tiếp bước cho em đến trường tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận, và Cơm có Thịt tại Hà Nội); quyên góp cờ Tổ quốc và thùng rác cho ngư dân các huyện Tuy Phong, Phú Quý và Bắc Bình, để ủng hộ lòng yêu nước và chương trình giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ; quyên góp cho hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi lũ lụt tại Việt Nam.
Các hoạt động quyên góp của đơn vị phát triển dự án La Gan cho các tổ chức từ thiện tập trung vào trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Dự án đã thành lập công ty phát triển dự án tại Việt Nam và đã được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp (ERC). Song song với đó, dự án đang trong quá trình ký hợp đồng thuê văn phòng và chính thức mở văn phòng tại tỉnh Bình Thuận trong Quý 1/2021.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gan là một dự án mũi nhọn và đồng thời là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án điện gió ngoài khơi La Gan sẽ mang đến nhiều lợi ích cho tỉnh Bình Thuận và Việt Nam, bao gồm: Giảm lượng khí thải CO2 và giảm ô nhiễm không khí; tăng việc làm trong nước; tối đa hóa việc sử dụng các bên tư vấn, nhà cung cấp và các nhà thầu phụ trong nước; đẩy mạnh các giải pháp đầu tư, tài chính và bảo hiểm trong nước; hỗ trợ cộng đồng trong nước trong các giai đoạn khác nhau của dự án và đóng góp thuế cho Việt Nam.
Dự án La Gan không chỉ đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Bình Thuận, mà còn cho nền kinh tế Việt Nam theo đường lối và chính sách của chính phủ Việt Nam, phù hợp với nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên doanh dự án điện gió ngoài khơi La Gan
Dự án gió ngoài khơi La Gan được hình thành dựa trên sự hợp tác thành công của nhà phát triển và đầu tư quốc tế hàng đầu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các đối tác trong nước (Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á và Novasia Energy).
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) được thành lập vào năm 2012 bởi các giám đốc điều hành cấp cao của ngành năng lượng Đan Mạch. CIP quản lý 7 quỹ với khoảng 14 tỷ USD vốn cam kết và tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, bao gồm cả điện gió ngoài khơi.
CIP đã và đang làm việc độc quyền với Công ty Copenhagen Offshore Partners (COP) để đảm bảo quản lý thực hiện danh mục đầu tư điện gió ngoài khơi của CIP. COP có khoảng 150 chuyên gia dày dặn kinh nghiệm về lĩnh vực điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. COP có văn phòng tại Copenhagen, Boston, Đài Bắc, Tokyo, Seoul, Melbourne, Edinburgh và Hà Nội.
Danh mục đầu tư điện gió ngoài khơi của CIP hiện bao gồm 12 dự án đang trong các giai đoạn phát triển vận hành và xây dựng ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Úc. CIP có 1,6 GW công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động và trong giai đoạn xây dựng, và hơn 18,5 GW đang được phát triển, đa phần trong số đó là các dự án công suất lớn: La Gan, Việt Nam, 3.500 MW (đang được phát triển); Veja Mate, Đức, 402 MW (đang vận hành); Beatrice, Vương quốc Anh, 588 MW (đang vận hành);Vineyard Wind I, Hoa Kỳ, 800 MW (đang được phát triển);Vineyard Wind Rest of Zone, Hoa Kỳ, 1.600 MW (đang được phát triển); Liberty Wind, Hoa Kỳ, 2.000 MW (đang được phát triển); Magellan, Hoa Kỳ, 600 MW (đang được phát triển); Star of the South, Úc, 2.200 MW (đang được phát triển); Zone 29, Đài Loan, 300 MW (đang phát triển); Changfang Xidao, Đài Loan 600 MW (đang được xây dựng); Hokkaido, Nhật Bản, 3.000 MW (đang được phát triển); Jeonnam I & II, Hàn Quốc, 500 MW (đang được phát triển); và các công trình mới khác, Hàn Quốc, 4.000 MW (đang được phát triển).
CIP và COP có tổng cộng 200 chuyên gia, trong đó khoảng 150 chuyên gia dày dặn kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi. Các giám đốc điều hành cấp cao của CIP và COP có kinh nghiệm tham gia phát triển và xây dựng các dự án gió ngoài khơi trong suốt 25 năm qua. Sự kết hợp từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đã giúp cho CIP – COP trở thành một trong những công ty giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới về điện gió ngoài khơi.
Điểm mạnh của CIP và COP đã được chứng minh thông qua việc thoả thuận tài chính thành công cho dự án Changfang và Xidao với công suất 600 MW tại Đài Loan. Dự án Changfang và Xidao đảm bảo nguồn tài chính không truy đòi quốc tế vào đầu năm 2020, với quy mô vốn vay lớn nhất trong lịch sử châu Á từ trước nay.
Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á (ASIAPETRO) được các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí thành lập năm 2008 theo giấy Chứng nhận Đầu tư số 0305 485 623 được cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các dự án điện, năng lượng và dầu khí, phát triển và đầu tư các dự án năng lượng tái tạo – điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.
Công ty TNHH Năng lượng NOVASIA (Novasia Engery) là công ty được thành lập tại Việt Nam, theo giấy phép đăng ký số 0315197536 do Sở Đầu tư và Kế hoạch TP. Hồ Chí Minh cấp và thuộc sở hữu của Chủ tịch kiêm Giám đốc, ông Christophe Guyard (công dân Pháp), đã bắt đầu hoạt động trong thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2018 và đặc biệt chú trọng vào năng lượng gió. Novasia Energy chiếm ưu thế trong việc sở hữu một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm từ cả Việt Nam và châu Âu, trong đó đa số các thành viên đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành năng lượng tái tạo hơn 10 năm. Hiện tại, bên cạnh dự án La Gàn, Novasia Energy đang phát triển các dự án năng lượng gió đang trong các giai đoạn khác nhau, cùng các đối tác khác nhau với tổng công suất 450 MW (bao gồm 300 MW nằm trong danh sách các dự án điện gió đang được xem xét thêm vào quy hoạch điện VII).
Dự án La Gan sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo quốc gia theo Nghị quyết số 55-NQ/TW. Dự án đang có các bước tiến triển tốt và chờ chính phủ phê duyệt hai vấn đề quan trọng:
Giấy phép khảo sát ngoài khơi
Dự án đang ký các hợp đồng khảo sát giá trị cao với tổ hợp các nhà thầu bao gồm nhà thầu quốc tế và nhà thầu Việt Nam và dự định triển khai khảo sát ngay khi được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cấp giấy phép khảo sát.
Đưa Dự án La Gan vào Quy hoạch điện VIII
Dự án đã trình Báo cáo tiền khả thi với các phương án nối lưới điện đã được xác định cho các cơ quan liên quan của Việt Nam. Dự án đang chờ phản hồi từ chính phủ Việt Nam về việc đưa Dự án vào Quy hoạch phát triển điện VIII.
Dự án mong muốn được hợp tác với chính phủ Việt Nam để đảm bảo sự thành công của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong nước.
THƯ GIANG
Công ty Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)