Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo: Tích cực triển khai nghiên cứu khoa học về môi trường, biển và hải đảo
23/07/2024TN&MTLĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường, biển và, hải đảo có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ công tác quản lý Nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, với vai trò và trọng trách đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo đã và đang nỗ lực không ngừng để khẳng định vị thế là một Viện nghiên cứu hàng đầu về môi trường trong nước -- Đó là chia sẻ và cũng là mong mỏi của TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mới đây:
TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo
PV: Xin Viện trưởng cho biết một số những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn 6 tháng đầu năm 2024 của Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo?
Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn:
Là một đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Viện nên thời gian đầu đã gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan. Nhưng với sự nỗ lực của Ban Lãnh đạo Viện, sự nỗ lực trong chuyên môn của tập thể đến nay Viện đã đi vào ổn định, các nhiệm vụ chuyên môn được hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Khoa học Mô trường, biển và hải đảo được giao triển khai thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp nhà nước, 02 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ chuyển tiếp và 03 nhiệm vụ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường chuyển tiếp và nhiệm vụ mở mới năm 2024; xây dựng thuyết minh và dự toán mở mới năm 2025 của 01 Đề tài cấp nhà nước; 03 đề tài cấp Bộ, 03 nhiệm vụ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường. Đến thời điểm báo cáo, các nội dung công việc được hoàn thành theo đúng tiến độ và kế hoạch.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Viện tiếp tục triển khai thực hiện 02 đề tài cấp nhà nước và 02 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp và xây dựng đề tài mở mới năm 2025. Trong đó có 2 đề tài cấp nhà nước: (1). ĐTĐL.CN-56/20 Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng mạng lưới điều tra cơ bản và giám sát môi trường biển giai đoạn 2020 -2030, tầm nhìn 2045; (2) ĐTĐL.CN-57/20 Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí xác định ngưỡng chịu tải các khu vực quy hoạch nhận chìm chất nạo vét trong vùng lãnh hải Việt Nam và 2 đề tài cấp Bộ: (1) Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng, công nhận kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được áp dụng tại nhóm các nước công nghiệp phát triển được phép áp dụng tại Việt Nam.(2) Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dự án phát điện từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ngoài ra, Viện đã xây dựng thuyết minh và dự toán đề trình Bộ phê duyệt đề tài mở mới năm 2025 như: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất quy trình đánh giá tái sử dụng chất nạo vét (vùng cửa sông ven biển) hướng đến kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu, đánh giá nhận thức và nhu cầu hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường; Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất giải pháp thực thi thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số nguy cơ ô nhiễm vi nhựa, và đánh giá tích tụ vi nhựa trong một số loài động vật đáy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng cửa sông ven biển Việt Nam, áp dụng thử nghiệm tại khu vực Nga Sơn - Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Nghiên cứu khoa học biển là một nhiệm vụ đặc thù
Với các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, Viện thực hiện 03 nhiệm vụ chuyển tiếp, đó là: Dự án “Điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh nhằm đề xuất các biện pháp cải tạo, phục hồi về môi trường”; Dự án “Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình phát sinh, xử lý chất thải thực phẩm trong chất thải sinh hoạt và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp với đặc thù vùng, miền ở Việt Nam; Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng nhận chìm và xác định các khu vực có thể nhận chìm tài vùng biển từ mực nước triều thấp nhất trung bình nhiều năm ra phía biển 12 hải lý”. Ngoài ra, Viện thực hiện một số nhiệm vụ mở mới năm 2024, các nhiệm vụ này đang được triển khai theo đúng tiến độ, kinh phí được cấp đảm bảo nội dung và chất lượng.
PV: Thưa Viện trưởng! Được biết, Ban lãnh đạo của Viện rất chú trọng đến lĩnh vực hợp tác quốc tế, chuyên môn hóa nghiệp vụ nhằm góp phần nâng tầm vị thế khoa học ngành TN&MT Việt Nam, vậy với nhiệm vụ này, những tháng đầu năm nay Viện đã triển khai như thế nào?
Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn:
Viện tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với tổ chức, đối tác nước ngoài nhằm thực hiện một số nội dung hợp tác. Đặc biệt, đầu năm nay có một nhiệm vụ trong số nhiều nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đó là tiếp tục thực hiện Phi dự án “Hỗ trợ thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương từ chính phủ Nhật Bản”. Viện đang phối hợp với Công ty Crown Agent hoàn thiện các thủ tục vận chuyển, tiếp nhận thiết bị. Đến nay, đã có 02 đợt thiết bị được vận chuyển và bảo quản tại trụ sở Viện vào ngày 12/3/2024 (gồm 09 thiết bị) ngày 25/4/2024) (gồm 02 thiết bị). Tính đến tháng 5/2024, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo đã tiếp nhận 11/17 thiết bị điều tra, khảo sát rác và phân tích, xác định đặc tính của rác thải nhựa đại dương (theo đúng danh mục đã được kết, tại phụ lục I đính kèm). Hiện nay, Viện đang tích cực phối hợp với Công ty Crown Agent để thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm các thiết bị còn lại, kịp thời vận chuyển về Việt Nam cuối năm 2024.
Ngoài ra, Viện đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ và khảo sát chung năm 2024 với Bộ Môi trường Nhật Bản trong khuôn khổ nhiệm vụ “Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE) và Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE-J)”; Hợp tác giữa Viện với Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES).
Song song với đó là Viện đã cử cán bộ tham dự Hội nghị thường niên “Chương trình hợp tác Môi trường Nước Châu Á” tại Nhật Bản vào tháng 1/2024; Diễn đàn đặc biệt về "Khoa học đối với quản lý môi trường cấp địa phương, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái tại biển Đông và vịnh Thái Lan” tại Thái Lan; Tham dự cuộc họp kỹ thuật khu vực của Dự án “Giảm thiểu sử dụng và phát thải hóa chất, bao gồm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs), trong lĩnh vực dệt may” tại Bồ Đào Nha,…
PV: Để làm tốt các nhiệm vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Viện trưởng nhận thấy hiện tại cần phải chú trọng và ưu tiên vấn đề gì thưa ông?
Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn:
Với tôi, vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao rất quan trọng trong tiến trình xây dựng thương hiệu và phát triển của Viện. Nhận thấy điều đó, lãnh đạo Viện luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng viên chức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các viên chức của Viện bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, Ngành khác tổ chức.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân tự tìm tòi, đăng ký tham gia học tập để nâng cao trình độ như đào tạo sau đại học, khóa đào tạo ngắn hạn, hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sử dụng các phần mềm chuyên ngành, khóa đào tạo về công nghệ thông tin, phát triển các công cụ trên cơ sở ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư....
PV: Xin được chúc mừng những nỗ lực của tập thể Viện trong những chặng đường đầu tiên. Tuy nhiên, là một đơn vị mới được thành lập chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, vậy Viện trưởng có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn hiện tại chứ?
Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn:
Nhiều khó khăn chứ, nhưng phải cố gắng và khắc phục, tập thể Viện cùng nhau chia sẻ để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn mà lãnh đạo Bộ TN&MT giao. Nhưng tôi cũng phải chia sẻ thật, hiện nay chúng tôi đang rất khó khăn về tài chính. Theo kế hoạch năm 2024 Bộ chỉ cấp ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần hoạt động thường xuyên cho đơn vị, dẫn tới thiếu một số tháng lương cho viên chức, đời sống cán bộ của Viện lại thêm phần khó khăn.
Ngoài ra, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, kể cả cơ sở vật chất thông thường như, trang thiết bị làm việc, máy tính lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu như phòng phân tích, thí nghiệm…, nhiều cán bộ thiếu máy tính, dẫn tới khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, do chưa có trụ sở làm việc nên cán bộ của Viện phải ngồi ở 2 địa điểm khác nhau, gây bất cập, khó khăn trong việc điều hành công việc cũng như triển khai nhiệm vụ chuyên môn.
PV: Vậy Viện trưởng có đề xuất gì đến lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để Viện đảm bảo được hoạt động nhiệm vụ chuyên môn cũng như kế hoạch dự định đã đặt ra?
Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn:
Hiện nay, trụ sở làm việc của Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo là toà nhà cũ của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản tại số 67 đường Chiến Thắng, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội không thể lắp đặt các thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vì không đủ diện tích cũng như không bảo đảm các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành. Do đó, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo kính đề nghị Lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng tạo điều kiện các vấn đề sau:
Bố trí trụ sở làm việc mới của Viện bảo đảm diện tích cho cán bộ, viên chức, người lao động làm việc và diện tích để thiết lập “Phòng thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương do Chính phủ Nhật Bản viện trợ”.
Bố trí kinh phí để sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất các thiết bị phụ trợ để “Phòng thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương từ Chính phủ Nhật Bản” đi vào hoạt động vào đầu năm 2025 chuẩn bị cho Lễ ký kết bàn giao dự án giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản.
Ngoài ra, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao 6 tháng cuối năm 2024, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo có một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Giao Viện chủ trì nội dung hợp tác về khảo sát rác thải nhựa biển theo nội dung Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản trong lĩnh vực quan trắc rác thải nhựa và bố trí nguồn kinh phí đối ứng cho Viện thực hiện để thực hiện các nội dung thực hiện trong năm 2024; Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức trong Viện nâng cao năng lực, chính trị, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo trong nước và nước ngoài.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Minh (thực hiện)
Nguồn: Số chuyên đề KHCN 1/2024 của Tạp chí TN&MT