Vì sao rừng ngập mặn Hà Tĩnh 'chết' hàng loạt?
09/12/2024TN&MTHàng chục ha rừng ngập mặn bị chết, làm giảm độ phủ xanh rừng ngập mặn tại các cửa biển ở Hà Tĩnh. Các chuyên gia đã kiểm tra, phân định ra 18 loài sinh vật gây hại và đưa ra các giải pháp ban đầu trong xử lý, tạo tiền đề phục hồi rừng.
Rừng ngập mặn chết hàng loạt
5 năm qua, câu chuyện 40ha rừng ngập mặn ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chết bất thường, chưa xác định rõ nguyên nhân là điều khiến người dân và chính quyền sở tại lo lắng.
Người dân địa phương cho biết, hàng chục năm trước, khu vực cửa biển Kỳ Hà được trồng cả trăm ha rừng ngập mặn, chủ yếu là các loài cây như: đước, bần, trang, vẹt... Rừng được trồng không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển vào mùa mưa bão mà còn giúp các loài thủy hải sản, phù du phát triển, nâng cao cuộc sống cho người dân. Thế nhưng, những năm gần đây, cả chục ha rừng ngập mặn chết hàng loạt, không rõ nguyên nhân cụ thể.
Hàng chục ha rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh trồng chưa lâu đã chết
Ông Lê Văn Luyện – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho hay, toàn xã có hơn 104ha diện tích rừng ngập mặn, được trồng từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 5/2022 trở lại đây đã xuất hiện tình trạng cây mắm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn bị chết.
“Đến nay, hơn 43ha rừng ngập mặn bị thiệt. Cây rừng chết làm cho nguồn lợi thủy sản sống dưới tán cây không còn nơi trú ngụ. Tuyến đê biển phía trong rừng cũng có nguy cơ bị đe dọa trước mùa mưa bão”, ông Luyện chia sẻ.
Lãnh đạo địa phương cho biết rất mong chờ ngành chức năng làm rõ nguyên nhân để rừng ngập mặn được phục hồi.
Các loài giáp xác được xem là nguyên nhân chính khiến cây rừng ngập mặn chết, kém phát triển.
Tương tự, 25 ha rừng ngập mặn được trồng ở xã Thạch Hạ và Đồng Môn trong dự án Đầu tư thí điểm xây dựng vườn ươm, hướng dẫn kỹ thuật ươm cây rừng ngập mặn và trồng mới cây rừng ngập mặn tại TP Hà Tĩnh cũng bị chết. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư với tổng mức khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, rừng mới trồng (năm 2018 - 2021) cũng xuất hiện tình trạng cây bị chết, chưa rõ nguyên nhân.
“Cứ trồng được vài năm là cây bị chết, không xác định chính xác nguyên nhân nên người dân chúng tôi rất lo ngại. Suốt nhiều năm qua, cây rừng cứ thưa thớt dần mà nguyên nhân cây chết và phương án phục hồi chưa được ngành chức năng lý giải”, anh Nguyễn Quyền (trú xã Thạch Hạ) cho hay.
Ông Đào Xuân Hiên - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ năm 2018 đến nay, đơn vị thực hiện trồng khoảng 90ha rừng ngập mặn tại các huyện Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh với nguồn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ gặp nhiều khó khăn do hiện tượng cây trồng khoảng vài năm lại chết.
Khu vực rừng ngập mặn phát triển tốt ở khu vực Cửa Sót (huyện Lộc Hà)
“Một số chuyên gia ban đầu nhận định rừng bị chết có khả năng vì nhiều lý do như chênh lệch độ mặn, sốc môi trường nước, khí hậu khắc nghiệt, tuổi thọ của cây thuộc rừng cũ, các loài cây mới trồng chưa phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Tuy nhiên, do không đưa ra kết luận cụ thể, khiến việc phục hồi, phủ xanh rừng ngập mặn thành vấn đề nan giải”, ông Hiên chia sẻ.
Giải pháp
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện gần 690ha rừng ngập mặn. Rừng chủ yếu trồng từ những năm 1996-2005 do các tổ chức thực hiện. Các loài cây trồng chính là trang, bần chua, đước, vẹt dù, vẹt khang, giá...
Các khu vực rừng ngập mặn chưa dừng lại việc kém phát triển, bị chết
“Rừng ngập mặn tại địa phương rất đa dạng, phong phú song khó quản lý, chăm sóc do chịu quá nhiều tác động về cả thiên nhiên và sâu bệnh, sinh vật gây hại. Việc xác định nguyên nhân, phòng trừ nguồn gây hại cho cây rừng rất khó khăn do liên quan đến môi trường sống, môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu nên cần đánh giá rõ ràng để có biện pháp phòng trừ, phục hồi rừng”, vị đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin.
Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) cùng các chuyên gia về ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, chỉ ra nguyên nhân gây hại rừng ngập mặn tại Hà Tĩnh và đề xuất các phương án phục hồi rừng.
Nhóm chuyên gia thực hiện kiểm tra, nghiên cứu tại 4 khu vực rừng ngập mặn ở cửa sông lớn Hà Tĩnh gồm: Cửa Hội (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (huyện Kỳ Anh). Nghiên cứu chỉ ra tổng diện tích rừng ngập mặn bị gây hại, có dấu hiệu chết, kém phát triển là gần 290/688ha.
Tiến sĩ Trần Ngọc Toàn - Viện Nông nghiệp và Tài nguyên (Trường Đại học Vinh) cho biết, trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, các loài sinh vật gây hại chính có thể làm suy giảm chất lượng rừng, thậm chí gây chết rừng.
“Kết quả bước đầu nghiên cứu tại các khu vực rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh đã ghi nhận có 18 loài sinh vật gây hại thuộc 15 giống, 13 họ trong 7 bộ. Trong đó có 5 loài giáp xác gây hại chính, đặc biệt loài giáp xác chân đều được xác định là nguyên nhân chính khiến rừng ngập mặn bị chết”, vị chuyên gia thông tin.
Chuyên gia đưa ra các giải pháp về cây giống, nuôi thiên địch để hạn chế sinh vật gây hại cho rừng ngập mặn
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho biết, để phòng và trừ loài giáp xác gây hại cho cây rừng ngập mặn tại Hà Tĩnh cần chú trọng các giải pháp về lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, ít sâu bệnh như đước, bần chua, hạn chế sử dụng các loài trang cho khu vực có mức độ gây hại cao của giáp xác chân đều.
Đối với các cây trồng đã bị gây hại cần thu gom xử lý, đặt các cọc thử, hộp bẫy và sơn quấn thân cây ngập mặn nhằm hạn chế sự tấn công của giáp xác. Ngoài ra, sử dụng vịt nuôi làm thiên địch hay dịch chiết từ cây mướp sáp cũng giúp hạn chế sự xâm nhập, lây lan và phá hủy cây rừng của các loài giáp xác.
“Việc phát hiện, xử lý các sinh vật gây hại và phục hồi rừng ngập mặn tại Hà Tĩnh và các khu vực khác cần có thời gian và sự kết hợp các giải pháp đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao nhất”, vị chuyên gia nhận định.