Vận động quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của lực lượng công an cơ sở
24/09/2024TN&MTTrong những năm qua, quá trình CNH-HĐH đất nước đã đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng: GDP của Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng, ở tất cả các địa phương, góp phần làm diện mạo đất nước ngày càng thay đổi, mạng lưới cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước ở nước ta ngày càng ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam xuất phát từ những chất thải công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt; trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, các giải pháp pháp bảo vệ môi trường chưa đi trước một bước nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường nước.
Nhận diện thách thức, nguyên nhân
Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nơi có nhiều dòng sông, hồ ô nhiễm nước. Chẳng hạn ở Hà Nội, trung bình một ngày có khoảng 350.000 đến 400.000 m3 lượng nước thải và 1.000 m3 nước thải bị thải trực tiếp ra sông ngòi,… Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người tử vong và 20.000 người phát hiện ung thư do nguyên nhân từ ô nhiễm nguồn nước; 20% người dẫn Việt Nam đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen - một hoạt chất gây ung thư cho con người.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam hiện nay trước tiên từ ý thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Con người vừa là tác nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, vừa là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn các hành vi phạm tội, văn bản pháp luật liên quan đến gây ONMT nước từ đó góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước.
Nhận thấy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong BVMT nói chung, bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam nói riêng, thời gian vừa qua, lực lượng Công an cơ sở đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường, chủ động phát hiện và tố giác hành vi gây ONMT nói chung, môi trường nước nói riêng đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân BVMT góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như:
Một là, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân BVMT, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước ở một số nơi còn hạn chế, chưa được tiến hành thường xuyên, mới chỉ tập trung vào những đợt cao điểm, chưa đi sâu đi sát đến từng địa bàn, nhất là những địa bàn khu công nghiệp, khu đô thị. Việc quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác BVMT ở một số nơi còn chưa triệt để. Vì vậy, chưa tạo ra được tính tích cực chủ động trong ý thức tự giác của quần chúng.
Hai là, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền có nơi, có lúc còn chưa phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng được tuyên truyền. Một số địa phương còn rập khuôn, máy móc, mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng nghiên cứu, đổi mới, thiếu linh hoạt.
Ba là, việc sử dụng các biện pháp vận động quần chúng có nơi, có lúc chưa khéo léo, nhuần nhuyễn, chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền, vận động.
Bốn là, tình trạng các doanh nghiệp, nhà máy, nhà xưởng, người dân xả thải nước thải, chất thải trực tiếp ra môi trường còn diễn ra phức tạp, sử dụng các thủ đoạn để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Công tác phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến việc gây ô nhiễm môi trường của quần chúng nhân dân chưa đem lại hiệu quả cao. Việc xử lý hành vi sai phạm, gây ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn chưa nghiêm, do đó chưa đem lại hiệu quả răn đe.
Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, lực lượng cơ sở ở mốt số địa bàn còn mỏng, phải phụ trách nhiều nội dung công tác khác nhau, nên chưa được chủ động, thường xuyên trong quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng bảo vệ môi trường. Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, chiến sỹ chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, chưa nắm rõ về vị trí, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mình; từ đó chưa làm hết trách nhiệm, chưa sát sao, chủ động trong công tác.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác vận động quần chúng BVMT, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước dù đã được quan tâm, chú trọng nhưng ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa kịp thời, chưa thống nhất, rõ ràng. Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ở các cấp trong thực hiện nhiệm vụ do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đôi lúc còn bị động, thiếu chặt chẽ. Một số đơn vị chịu trách nhiệm chính ở cơ sở chưa thực sự phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mình.
Ba là, cán bộ, chiến sĩ công an cơ sở còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thông tin về các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến bảo vệ môi trường; một số cán bộ, chiến sĩ còn chưa chủ động. Công tác điều tra, rà soát, nắm tình hình ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về môi trường, địa bàn, dân cư,... làm cơ sở để xây dựng kế hoạch vận động quần chúng còn chưa được tiến hành thường xuyên do đó chưa tạo được sự chủ động trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động.
Bốn là, quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong việc tiến hành các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng bảo vệ môi trường đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, chưa chủ động, thường xuyên, chưa phát huy được hết hiệu quả thực sự của công tác này.
Năm là, ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước còn hạn chế, chưa nhận thức đúng và đủ về vai trò của nguồn nước và cho rằng đây là nguồn tài nguyên có thể tái tạo được.
Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH, đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội. Điều này sẽ đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp BVMT, đặc biệt là việc hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước.
Một số đề xuất
Để thực hiện được nhiệm vụ này, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong BVMT, bảo đảm an ninh nguồn nước là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian tới, lực lượng Công an cơ sở cần đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng BVMT, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Trong đó, cần làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường biên chế, củng cố lực lượng Công an cơ sở (Công an xã, phường, thị trấn) đảm bảo quân số đáp ứng yêu cầu công tác theo tinh thần Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ chính trị và chủ trương của Bộ Công an về xây dựng bộ máy CAND theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đảm bảo cân đối giữa các mặt công tác, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng tại địa bàn cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: Các khu công nghiệp, làng nghề, các khu dân cư tại đô thị lớn…
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là chỉ huy Công an cấp cơ sở cần quán triệt để cán bộ, chiến sĩ Công an cơ sở nhận thức rõ, tuyên truyền BVMT là một trong những nhiệm vụ của cán bộ phụ trách địa bàn; đồng thời tăng cường chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phải có kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, Cán bộ, chiến sĩ Công an các xã, phường, thị trấn cần chủ động tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT qua các kênh thông tin trên mạng xã hội, các số công báo hoặc các tài liệu phát hành nội bộ. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, xác định các khu vực ONMT, các đối tượng thường xuyên xả thải gây ONMT nói chung, môi trường nước nói riêng để xây dựng kế hoạch vận động quần chúng, nội dung tuyên truyền phù hợp.
Thứ tư, Cán bộ, chiến sĩ Công an các xã, phường, thị trấn cần chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong việc tổ chức và phối hợp thực hiện các buổi tuyên truyền, vận động BVMT trên địa bàn. Lực lượng Công an xã, phường, thị trấn cần xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên từ những cá nhân có uy tín trong cộng đồng để làm cánh tay nối dài cho lực lượng Công an nhân dân trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng BVMT.
Thứ năm, Cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng vận động như: Chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân,… tổ chức các chuyên đề sinh hoạt tại địa bàn cơ sở, các khu dân cư, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động quần chúng về BVMT; trực tiếp gặp gỡ các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa bàn cơ sở để tuyên truyền về việc xử lý rác thải, nước thải theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn về phương pháp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất kinh doanh ra môi trường, các máy móc, trang thiết bị cơ sở sản xuất kinh doanh cần có, tiêu chuẩn nước xả thải ra môi trường theo quy định của pháp luật và đầu tư các hệ thống xử lý ô nhiễm trước khi xả thải ra môi trường.
TS. ĐẶNG ANH TUẤN
Học viện Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 10 năm 2024