Vãn cảnh chùa nghĩ về giá trị Việt
17/02/2024TN&MTTốc độ xã hội càng nhanh, con người càng bị cuốn nhanh hơn guồng quay của xã hội, đạo đức càng phải trở thành hệ điều tiết cho xã hội để tạo sự cân bằng.
Nhân dịp nghỉ Tết, tôi đi vãn cảnh chùa Linh Quang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Điều gây ấn tượng với tôi không chỉ bởi không gian ấm áp, linh thiêng ở nội tự ngôi chùa, mà điều đặc biệt nằm ở không gian bên ngoài, nơi có khu vực được trang trí bởi những lều tranh nho nhỏ để viết sớ, trưng bày những vật gợi nhớ đến tết xưa hay đặc sản địa phương như bánh chưng, bánh dày, củ sắn,…
Điều này tôi tiếp tục được thấy ở một số ngôi chùa khác ở Hưng Yên, Hà Nội trong những ngày Tết vừa qua.
Những ngôi chùa là thiết chế tâm linh và tương đối bảo thủ với những thay đổi trong xã hội. Khi vào chùa, chúng ta thường nghĩ đến việc thực hành nghi lễ tôn giáo để những giá trị đạo đức truyền thống được lưu truyền, trở thành điểm tựa tinh thần cho con người trong thế giới có nhiều thay đổi.
Trò chuyện với sư thầy Thích Nguyên Thuận, trụ trì chùa Linh Quang, chúng tôi đồng ý với nhau rằng, tốc độ xã hội càng nhanh, con người càng bị cuốn nhanh hơn guồng quay của xã hội, đạo đức càng phải trở thành hệ điều tiết cho xã hội để tạo sự cân bằng.
Những thiết chế tâm linh nói chung, các ngôi chùa thờ Phật nói riêng, chính là điểm tựa tâm linh để giúp con người cân bằng lại cuộc sống của chính mình.
Như thế, việc một ngôi chùa thay đổi chính mình, dù đó là những biểu hiện bên ngoài, qua những trang trí sáng tạo, vừa thể hiện sức ép phải chuyển mình của một thiết chế tâm linh để phù hợp với xu thế thời đại, vừa là những tín hiệu tích cực cho thấy, sáng tạo là xu hướng tất yếu, và tinh thần sáng tạo đã thực sự len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, cả ở một trong những nơi được xem là bảo thủ nhất.
Khu du lịch chùa Tam Chúc trong những ngày tết Giáp Thìn 2024
Để một thiết chế tâm linh như ngôi chùa thay đổi phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, theo hướng là một “không gian sáng tạo” không phải là một điều dễ dàng.
Điều này không chỉ đến từ khả năng không gian hay tài chính của mỗi chùa, mà trước hết phải đến từ nhận thức của mỗi chùa, cũng như của cả giáo hội Phật giáo của địa phương.
Ở đó, chùa giờ đây không chỉ là một thiết chế tâm linh, nơi con người không chỉ nương tựa về tinh thần, rèn luyện, thực hành về đạo đức, mà còn là nơi khai sáng trí tuệ và giải trí sáng tạo cho mọi lứa tuổi.
Điều này cũng cần phải đến cả từ môi trường xã hội khuyến khích cho những sáng tạo nhằm tạo thêm những giá trị cho các thiết chế văn hóa nói chung cũng như cho các thiết chế tâm linh như chùa nói riêng.
Bên cạnh đó, chúng ta đã ở vào một thời đoạn chín muồi để các ngôi chùa quan tâm nhiều hơn đến thiết kế cảnh quan, mỹ thuật, tạo thêm những điểm nhấn, tô điểm cho vẻ đẹp của chùa.
Những ngôi chùa lớn được xây dựng gần đây như Tam Chúc, Bái Đính,… cũng có những vẻ đẹp truyền thống như nhiều ngôi chùa khác trước đó.
Như vậy, dường như việc trang hoàng không gian bên ngoài của các cơ sở thờ tự đã trở thành một xu hướng, chứ không phải là sáng kiến mang tính đơn lẻ nữa.
Điều này khiến chúng ta có thể liên hệ với không khí sáng tạo đang đầy ắp trong xã hội với các không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo cũng như những sáng tạo dựa trên chất liệu truyền thống văn hóa dân tộc đang dần định hình trong âm nhạc, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật, di sản.
Thực sự đây là một tín hiệu đáng mừng khi những gì chúng ta ấp ủ về một quốc gia sáng tạo, với những cộng đồng sáng tạo, người dân sáng tạo, được thực hành bởi giáo dục sáng tạo ở những không gian sáng tạo đã dần được hiện thực hóa.
Khi những yếu tố sáng tạo ấy có thể đến được với những không gian linh thiêng, thiết chế tâm linh, hẳn rằng sáng tạo sẽ trở thành một xu hướng bền vững.
Đó cũng là lúc ước mơ của chúng ta về việc xây dựng một quốc gia giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc bằng chính sức mạnh mềm của văn hóa cũng như sức sáng tạo của con người Việt Nam đã đạt được những thành tựu ban đầu, nhưng vững chắc.
Theo vietnamnet.vn