Ứng dụng quy hoạch không gian biển vào phát triển sản phẩm du lịch biển đảo ở Thành phố Hải Phòng
17/07/2024TN&MTHải Phòng có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, bao gồm vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, du lịch biển đảo, và các hệ sinh thái biển. Mục tiêu đón 12 triệu lượt khách vào năm 2025 TP. Hải Phòng hoàn toàn khả thi do có tài nguyên và cảnh quan biển phong phú, đa dạng, rất giàu tiềm năng phát triển du lịch biển đảo. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng quy hoạch không gian biển (QHKGB) vào phát triển sản phẩm du lịch (SPDL) biển đảo ở Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết này tập trung nghiên cứu ứng dụng QHKGB vào phát triển SPDL biển đảo, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm giúp việc ứng dụng đạt hiệu quả cao.
Từ khóa: quy hoạch không gian biển, sản phẩm du lịch biển đảo, TP. Hải phòng.
Đặt vấn đề
Hải Phòng là thành phố đồng bằng ven biển đa dạng về tài nguyên du lịch với vùng cửa sông, bãi biển, dải đất ven biển, quần thể đá vôi trên biển các hang động, vũng vịnh. Với những giá trị nổi bật về sinh thái biển đảo, có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học và cảnh quan, UNESCO đã chính thức công nhận cụm quần thể vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2023. Trong QHKGB, nếu công viên địa chất toàn cầu ở quần đảo Cát Bà được công nhận, sẽ là điểm nhấn có sức hút lớn đối với du khách, rất phù hợp với xu hướng du lịch trải nghiệm khám phá hiện nay (Hình 1). [1]
Quy hoạch không gian biển là một phương pháp quản lý nhằm giúp cho cơ quan chức năng trong việc ra quyết định và thực hiện cách tiếp cận hệ sinh thái để quản lý các hoạt động của con người trong môi trường biển. Cách tiếp cận này có thể được áp dụng để kết hợp vào thực tiễn cho hệ sinh thái và các sản phẩm du lịch biển đảo trong khi làm QHKGB. [2]
Ngoài ra QHKGB cung cấp cách tiếp cận từng giai đoạn để cân bằng việc sử dụng và người sử dụng môi trường biển thành một hệ thống phối hợp mang lại kết quả tốt cho sự phát triển của một vùng QHKGB, trong đó xác định quy hoạch chiến lược, hướng tới tương lai cho việc điều tiết, phân vùng, quản lý, bảo vệ và tính bền vững của vùng biển. Đây cũng là một phương pháp để quản lý và đưa ra quan điểm muốn xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế tiềm năng thiên nhiên giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững phát triển kinh tế gắn liền với BVMT sinh thái của TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. [2; 3]
Cơ sở tài liệu và phương pháp tiếp cận ứng dụng QHKGB phát triển SPDL biển đảo
Cơ sở tài liệu
QHKGB của Bộ TN&MT trong đó quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó bao gồm Hải Phòng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI (2020) khẳng định phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Ngày 27/7/2023 Hải Phòng đã ra quyết định số 2166/QĐ -UBND phê chuẩn nhiệm vụ xây dựng luận cứ khoa học cho hồ sơ thành lập công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ngoài ra, các số liệu thống kê trong bài báo được các tác giả thu thập năm 2023 từ Sở Du lịch TP. Hải Phòng và trong các bài báo, báo cáo, số liệu ở Hải Phòng.
Phương pháp tiếp cận ứng dụng QHKGB phát triển SPDL biển đảo
Hình 1. Sơ đồ khu vực ven biển và đảo TP. Hải Phòng
Theo mô hình nghiên cứu cho thấy, việc quản lý không gian biển phải phù hợp với cam kết lâu dài của con người, thiết bị và tài chính. Trong mô hình này quản lý không gian biển sẽ bao gồm ít nhất ba giai đoạn chính cho việc ứng dụng QHKGB phát triển SPDL biển đảo [4] (Hình 2).
Hình 2. Các giai đoạn của ứng dụng QHKGB vào phát triển SPDL biển đảo theo mô hình Ehler và Douvere [4]
Giai đoạn 1: Lập kế hoạch và phân tích sử dụng không gian biển phát triển SPDL phải dựa trên các kết quả nghiên cứu và thu thập cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch trong không gian biển của địa phương, trong đó tiềm năng du lịch tài nguyên là quan trọng nhất, khả năng liên kết vùng, khả năng của doanh nghiệp (trong gia đoạn này sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, thống kê, chuyên gia...). Cần xây dựng các SPDL cho từng sản phẩm cụ thể du lịch biển đảo. Trong giai đoạn này các phân tích cần tập trung xây dựng các SPDL biển đảo như:
Phân tích, đánh giá thực trạng của các hệ sinh thái, khu bảo tồn, vườn quốc gia và các sinh cảnh biển khác trên các vùng cửa sông (VCS), vùng đất ven biển, vùng biển và hải đảo trong đánh giá đó đánh giá thực trạng của các tài nguyên rừng trên các vùng đất ven biển.
Phân tích thêm các di tích, di sản và các giá trị văn hóa - lịch sử trên các vùng đất ven biển, vùng biển ven bờ và hải đảo của khu vực nghiên cứu.
Phân tích, đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển cho phát triển du lịch và dịch vụ. Đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển cho việc bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật các các giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử.
Rà soát, đánh giá về các cam kết, công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có liên quan đến quản lý không gian biển.
Giai đoạn 2: Việc thực hiện và quản lý tiến độ cần theo từng giai đoạn sử dụng không gian biển phát triển SPDL phải dựa trên các kết quả nghiên cứu chương trình, dự án, nhiệm vụ đề xuất trong đó thể hiện rõ và đầy đủ các thông tin gồm: Tên dự án; mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của dự án; phạm vi thực hiện dự án; các nội dung hoạt động chính của dự án; sản phẩm của dự án cần đạt; sự đóng góp của dự án đối với việc hoàn thành mục tiêu quy hoạch.
Giai đoạn 3: Giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch khai thác SPDL biển đảo, khung thời gian và cơ chế thực hiện, xem xét các yêu cầu và nhiệm vụ của sản phẩm cần cải thiện và xây dựng các quy chế đánh giá và điều chỉnh. Các kết quả đánh giá sẽ dựa trên phản hồi của người sử dụng SPDL và kết quả này được sử dụng trong giai đoạn xây dựng kế hoạch và phân tích trong các SPDL tiếp theo. Các yếu tố cơ bản của quá trình ứng dụng QHKGB phát triển SPDL biển đảo phải được kết hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, linh hoạt, liên tục, có sự điều chỉnh và có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan mới đạt được kết quả cao.
Kết quả nghiên cứu
QHKGB với việc phát triển SPDL
Bản chất của QHKGB là phân định, sắp xếp không gian biển cho một hoặc một số mục đích sử dụng khác nhau thông qua bản đồ phân vùng chức năng biển, quản lý tổng hợp đới bờ và các quy định sử dụng đối với mỗi vùng cụ thể. Ở Hải Phòng, việc phân vùng chức năng như khu vực đảo Cát Bà, Đồ Sơn… cần dựa vào điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái biển hoặc vùng cửa sông, tận dụng lợi thế của các ngành kinh tế biển phục vụ cho việc du lịch. Việc QHKGB có tính liên vùng, liên địa phương theo phương thức quản lý tổng hợp phù hợp cho việc phát triển du lịch biển đảo.
Để ứng dụng QHKGB hai yếu tố quan trọng trong quy hoạch là: Phân vùng chức năng và quản lý tổng họp đới bờ. Phân vùng chức năng được coi là công cụ đầu tiên của chu kì QHKGB dựa trên các tiêu chí phân vùng như: Tầm quan trọng về KT-XH, văn hóa, lịch sử; giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn; điều kiện tự nhiên và yếu tố môi trường.
Việc quản lý tổng hợp đới bờ hiện đang được ứng dụng nhiều cho phát triển SPDL biển đảo nhằm kết hợp các yếu tố đầu vào như lao động, tài nguyên thiên nhiên của vùng ven biển và thời gian để tạo ra các SPDL chất lượng cao như: Bảo tồn hệ sinh thái biển cho các hoạt động tham quan, lặn biển; bảo tồn nguồn lợi thủy sản vùng bờ cho hoạt động du lịch câu cá giải trí; bảo tồn rừng ngập mặn giảm tổn thất BĐKH và chống ONMT).
Trong các SPDL biển đảo thì có thể nhận thấy giá trị về văn hoá bản địa VCS Hải Phòng là phát triển và lưu tồn nhiều giá trị văn hóa bản địa. Các giá trị văn hóa ở đây có chiều sâu về lịch sử và văn hoá, gắn với những nhóm cư dân từ hậu kỳ đá cũ, những nhóm người Việt cổ cho đến các cộng đồng cư dân kinh tế mới du nhập trên các vùng đất khai hoang lấn biển... [5]
Hình 3: Biểu đồ số khách và cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Đặc điểm của ngành du lịch Hải Phòng: Đáng chú ý nhất là các SPDL chủ yếu được xây dựng trên cơ sở tài nguyên du lịch biển, đảo bao gồm: Quần đảo Cát Bà, bán đảo Đồ Sơn, Cát Hải và Văn hóa vùng cửa sông của người bản địa. Quần đảo Cát Bà bao gồm vịnh Lan Hạ về mặt địa lý tự nhiên là một phần của quần thể vịnh Hạ Long và được phát triển thành một điểm đến du lịch riêng. Tiềm năng khai thác du lịch chủ yếu là ở đảo chính với diện tích gần 300 km2.
Cảnh quan của Đồ Sơn là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của một bán đảo chạy dài hơn 5 km ra biển, giữa là đồi núi, ba mặt là biển, nơi có cảnh quan biển được có bãi biển chạy dài dọc theo các sườn núi. Tuy nhiên gần đây, với sự phát triển của khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Khu du lịch Hòn Dấu…cho thấy Đồ Sơn phát triển du lịch biển đảo ở phân khúc cao cấp.
Vùng cửa sông Hải phòng và ven bờ có nhiều di tích khảo cổ học nổi tiếng như di chỉ Tràng Kênh thuộc văn hoá Phùng Nguyên niên đại 3-4 nghìn năm trước; các di chỉ mộ thuyền thời Đông Sơn ở Bắc Thuỷ Nguyên có niên đại trên 2.000 năm. Quận Hồng Bàng tiền thân là làng Gia Viên cổ, từ 2.000 năm trước đã gắn với quá trình khai phá VCS của nữ tướng Lê Chân. [5].
Theo số liệu thống kê cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh tại TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2023 cho thấy (Hình 3):
Hiện tại đến 10/2022, trên địa bàn thành phố có 572 cơ sở lưu trú du lịch với số phòng tương ứng là 15.564 phòng. Theo thống kê Tổng số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố hiện nay là 114 doanh nghiệp. Tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ trên địa bàn thành phố là 609 hướng dẫn viên (Hình 3).
Có thể nhận thấy, các sản phẩm du lịch đang được phát triển đa dạng tăng tính độc đáo, hấp dẫn, tăng tính trải nghiệm, khám phá cho du khách. Du lịch Hải Phòng với tiềm năng lợi thế sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, lợi thế về trung tâm vùng, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ Hải Phòng đã từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch trong khu vực.
Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú cao cấp ở Đồ Sơn và Cát Bà còn thiếu hụt so với những kỳ nghỉ dài ngày, nhiều khu vui chơi giải trí, các khu du lịch thu hút lớn lượng khách, hấp dẫn du lịch vẫn còn đang trong quá trình triển khai tiến độ còn chậm. Một số địa phương trong khu vực có sự tương đồng với nguồn tài nguyên du lịch đã thu hút được các nhà đầu tư lớn xây dựng tổ hợp du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới cạnh tranh trực tiếp đến du lịch Hải Phòng.
Định hướng phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030 gắn kết QHKGB: Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã xác định “xây dựng du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kĩ thuật tương đối đồng bộ hiện đại; SPDL có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh.
Xây dựng du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển bền vững và từng bước đưa Hải Phòng trở thành một những trọng điểm du lịch quốc gia.
Phát triển du lịch chất lượng cao theo hướng chuyên nghiệp có trọng tâm trọng điểm trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch biển đảo lấy du lịch biển đảo làm cơ sở nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác. Phát triển du lịch kết hợp với giữ gìn cảnh quan BVMT bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc địa phương đảm bảo QP-AN và trật tự xã hội.
Phát triển du lịch thành phố đồng thời trên cả thị trường khách nội địa và thị trường quốc tế.
Ngoài ra, ứng dụng QHKGB được gắn kết với xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà trở thành khu du lịch quốc gia và được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Xây dựng và phát triển các SPDL biển đảo: Căn cứ vào QHKGB tìm kiếm những cách tiếp cận mới dựa trên tài nguyên cũ để hình thành phẩm những SPDL biển đảo mới có chất lượng cao như:
Phát triển nhóm SPDL nghỉ dưỡng biển: Trong QHKGB cần lấy du lịch biển, đảo là loại hình chủ đạo làm động lực để phát triển các loại hình du lịch khác, các SPDL biển đảo cao cấp theo hướng gắn liền với nghỉ dưỡng biển cùng với các hoạt động thể thao giải trí đẳng cấp quốc tế. Để ưu tiên phát triển các SPDL biển đảo chất lượng cao như: Du lịch sinh thái rừng núi biển đảo Cát Bà, Đồ Sơn. Các dịch vụ du lịch vui chơi giải trí trên biển như: Du lịch lặn biển ngắm san hô tại Cát Bà, đua thuyền…
Phát triển nhóm SPDL tham quan sinh thái, nghiên cứu khoa học, xem chim, lặn biển ngắm san hô và sinh vật biển: Du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm có thể phát triển ở những khu vực có hệ sinh thái đa dạng như: Vườn Quốc gia Cát Bà, rừng nguyên sinh đảo Hòn Dấu, rừng ngập mặn Đồ Sơn, rừng ngập mặn Vinh Quang - Tiên Lãng, rừng đồi thông trên đồi Thiên văn Kiến An, lặn biển ngắm san hô, du thuyền trên sông ngắm đàn cá nhảy và đàn cò đàn chim quý tại Đảo Bầu.
Phát triển nhóm SPDL câu cá giải trí, thể thao biển, thể thao mạo hiểm, du lịch xe đạp: Nhóm sản phẩm này nằm trong phân phân vùng chức năng trên đảo Cát Bà, Đồ Sơn, Vịnh Lan Hạ. Cần tổ chức các hoạt động đánh cá, câu cá, câu mực đêm, chơi các môn thể thao biển như bơi lội, lướt ván, thể thao mạo hiểm gồm các môn trekking, đi bộ leo núi, leo vách đá, thám hiểm hang động, đạp xe địa hình; đi xe đạp ngắm cảnh giải trí, rèn thể lực.
Phát triển nhóm SPDL tham quan danh thắng cảnh, di tích LS-VH, di tích truyền thống cách mạng, tham quan hệ sinh thái karst giữa biển và đồng bằng, du lịch bằng tàu tham quan đảo, sông, tham quan các làng nghề, trang trại: Như khu di tích Bạch Đằng Giang và Bãi cọc Cao Qùy; khu di tích bến K15, Bảo tàng Hải Quân. Lễ hội Đền Dấu, Lễ hội Chọi trâu tại Đồ Sơn, Hội hát đúm ở Thuỷ Nguyên và các hoạt động văn hoá ca hát rất đặc thù của địa phương vùng cửa sông. Nhiều di tích văn hóa nổi tiếng như hệ thống các đình làng, đền và chùa ven biển.
Phát triển nhóm SPDL ẩm thực: Du lịch ẩm thực vùng ven biển Hải Phòng nổi tiếng với các món ăn mang hương vị của biển, chế biến theo phong cách dân dã thực chất và vị tươi ngon của nguyên liệu. Trong mỗi món ăn mang lại những giá trị văn hóa và trải nghiệm cách làm món ăn ngon vùng biển.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng QHKGB vào phát triển SPDL ở Hải Phòng
Đối với tiềm năng du lịch Hải Phòng cần đẩy mạnh ứng dụng QHKGB vào phát triển SPDL biển đảo theo một số bước sau:
Xác định các nhu cầu sử dụng không gian biển cho xây dựng SPDL gắn với phân vùng chức năng và quản lý tổng hợp đới bờ.
Nhà đầu tư và chính quyền địa phương cần hoạch định chính sách xây dựng chiến lược du lịch và xây dựng chương trình các sản phẩm phù hợp cho từng không gian biển.
Phát triển thị trường du lịch quốc tế: Cần xác định thị trường du lịch quốc tế trọng điểm của Hải Phòng và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như nghỉ dưỡng cao cấp đảo Cát Bà khu du lịch vui chơi giải trí thể thao tắm biển Đồ Sơn. Du lịch văn hóa lễ hội làng nghề du lịch ven biển kết hợp với ẩm thực.
Các giải pháp về truyền thông và xây dựng thương hiệu điểm đến cho Hải Phòng
Kết luận
Hải Phòng là thành phố ven biển có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Điều này rất thuận lợi để phát triển hệ thống SPDL chất lượng cao, SPDL đặc thù, các sản phẩm này hấp dẫn không chỉ trong vùng mà còn trong cả nước và quốc tế.
Ứng dụng QHKGB là phương pháp quản lí rất phù hợp với xu thế phát triển SPDL theo hướng bền vững. Kết quả ứng dụng QHKGB vào xây dựng SPDL biển, đảo ở Hải Phòng bước đầu xây dựng được các sản phẩm SPDL khá phong phú, đa dạng, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Đối với TP. Hải Phòng các SPDL chưa có sức cạnh tranh cao so với tỉnh lân cận, hệ thống các SPDL vẫn chưa hoàn chỉnh kết nối các điểm với nhau. Điều này ảnh hưởng đến vị thế cũng như sức hấp dẫn của du lịch Hải Phòng.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chu Hồi. Thực trạng áp dụng QHKGB ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Áp dụng QHKGB và vùng bờ ở Việt Nam. 2014, trang 16.
2. Md. Golam Maola. Application of GIS for Marine Spatial Planning. . 2022
3. Nguyễn Hữu Cử. Áp dụng QHKGB ở Hải Phòng. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Áp dụng QHKGB và vùng bờ ở Việt Nam. 2014, trang 85.
4. Douvere, F., Ehler, C. (2009), Ecosystem-Based Marine Spatial Management: An Evolving Paradigm for the Management of Coastal and Marine Places. Volume 23, 2009, Ocean Yearbook, Canada, p1-27.
5. Trần Đức Thạnh, Lê Đức An, Trịnh Minh Trang. Vùng cửa sông ở Hải Phòng - tài nguyên vị thế và tiềm năng phát triển. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 14, Số 2; 2014: 110-121 ISSN: 1859-3097.
NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN, ĐÀO VĂN THÁI
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 9 năm 2024