UNCLOS nền tảng pháp lý quan trọng cho việc quản trị đại dương toàn cầu
24/04/2023TN&MTTrong 40 năm qua, UNCLOS đã trở thành nền tảng pháp lý quan trọng cho việc quản trị đại dương toàn cầu. Mặc dù, UNCLOS không thể giải quyết được tất cả mọi bất đồng nhưng các quy tắc và nguyên tắc của nó đã được sử dụng để giải quyết hoặc quản lý hàng chục tranh chấp biển trên thế giới. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia đã thay đổi luật pháp trong nước và điều chỉnh các yêu sách biển của mình để phù hợp với UNCLOS và nhờ đó có thể giải quyết các tranh chấp về biên giới biển cũng như các tranh chấp biển khác với các nước láng giềng. UNCLOS đã chứng tỏ giá trị của nó và các giá trị này cần phải được bảo vệ và tôn vinh.
Ghi nhận một số thành tựu
UNCLOS có thể được coi là một trong những công ước quan trọng và thành công nhất của luật pháp quốc tế hiện đại. Trong nhiều khía cạnh, nó đóng vai trò như một khuôn khổ, thiết lập các quy tắc cơ bản mà không nhất thiết ảnh hưởng đến các giải pháp đạt được đối với các vấn đề cụ thể.
Các nhà đàm phán UNCLOS đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận giữa hầu như tất cả các quốc gia về các quy tắc cơ bản của pháp luật biển quốc tế thông qua cái gọi là “thỏa thuận cả gói”. Họ đã làm điều này vào thời điểm mà có vẻ như các yêu sách của một số quốc gia ven biển sẽ dẫn đến việc bao vây ngày càng nhiều không gian biển, gây bất lợi lớn cho nhiều quốc gia mà giao thông hàng hải và hàng không đại diện cho lợi ích sống còn. UNCLOS đã đạt được kết quả cân bằng liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, đặt cơ sở cho việc thực hiện di sản chung của nhân loại (vùng đáy đại dương). Trên tất cả, UNCLOS củng cố các quyền thiết yếu đối với thông tin liên lạc quốc tế, cũng như đối với hòa bình và an ninh quốc tế nói chung, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không, quá cảnh qua các eo biển quốc tế và đi qua không gây hại trong lãnh hải.
UNCLOS về cơ bản đã đứng vững trong 40 năm qua và sẽ tiếp tục như vậy. UNCLOS đã cung cấp một khuôn khổ ổn định để điều chỉnh các hoạt động trên biển, điều chưa từng tồn tại trước đây. Đây có lẽ là thành tựu lớn nhất của UNCLOS.
UNCLOS đã đưa ra một cơ chế điều chỉnh việc khai thác khoáng sản từ đáy biển ngoài thềm lục địa, trong cái gọi là Vùng đáy đại dương (còn gọi là Vùng) gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm dưới biển cả và nằm bên ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia.
UNCLOS đã thu hút được sự tham gia gần như của các thành viên trên toàn cầu. Trong số 193 thành viên của LHQ, 167 quốc gia và Liên minh châu Âu đang là thành viên của UNCLOS. Điều đó trái ngược với Công ước Geneva năm 1958, chỉ được phê chuẩn bởi chưa đến một nửa số quốc gia hiện có. Ngay cả đối với các bên không tham gia, bao gồm Iran, Israel, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, nhiều điều khoản của UNCLOS có tính ràng buộc vì chúng đại diện cho luật tập quán quốc tế.
Với tư cách là một công ước khung, UNCLOS đã đóng vai trò là chất xúc tác cho việc thông qua một số lượng lớn các hiệp ước khác liên quan đến biển. Một số lượng đáng kể các tổ chức quốc tế đang tham gia vào việc áp dụng, thực hiện và bổ sung UNCLOS, bao gồm cả việc phát triển thêm các công cụ và các quy tắc, tiêu chuẩn cũng như các thông lệ và thủ tục quốc tế được thống nhất. Ngoài LHQ, các tổ chức liên quan bao gồm Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ và Tổ chức Thủy văn quốc tế. Ngoài ra, cũng còn có một loạt các tổ chức khu vực và ngành, chẳng hạn như các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, cũng như các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này.
UNCLOS bao gồm một hệ thống giải quyết tranh chấp, theo đó bất kỳ quốc gia thành viên nào trong tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS đều có thể (trừ một số trường hợp ngoại lệ) đưa tranh chấp đó ra xét xử mà không cần sự đồng ý của bên kia, sự đồng ý đó thường là được yêu cầu cho các tòa trọng tài hoặc tòa án khác có thẩm quyền.
Nhìn chung, có mức độ tuân thủ cao đối với các quy tắc được nêu trong UNCLOS. Đã có nhiều thông lệ giải quyết tranh chấp theo Phần XV của UNCLOS kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 1994. Các trường hợp này đã đóng góp quan trọng vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia vào sự phát triển của luật pháp quốc tế chung và củng cố pháp luật biển quốc tế.
Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc thực thi UNCLOS
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng UNCLOS và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi UNCLOS. Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi UNCLOS đang được xây dựng và chưa được ký kết, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa luật biển quốc tế.
Việt Nam luôn sẵn sàng tất cả các biện pháp, trong đó có pháp lý để bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: HT
Việt Nam cũng là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nêu trên của Việt Nam.
Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của UNCLOS vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam. Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Bộ luật Hàng hải năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam.
Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý như: Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biển ngày 09/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định và phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003.
Song song với đó, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở.
Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Việt Nam đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng và thành viên Hội đồng của Cơ quan Duyền lực quốc tế về đáy Đại Dương. Việt Nam tham gia đầy đủ Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước được tổ chức hàng năm tại Đại hội đồng LHQ và luôn có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực thi hiệu quả UNCLOS; tham gia và có những đóng góp tích cực vào các hội nghị của Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy Đại Dương; ủng hộ tăng cường hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) và nâng cao vai trò của Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS); đồng thời đóng góp đầy đủ kinh phí để các cơ quan nói trên có thể hoạt động hiệu quả.
Đây chính là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của UNCLOS, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.
Hoàng Việt