
Tục xin chữ đầu năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
24/01/2023TN&MTVăn Miếu - Quốc Tử Giám là công trình được xây dựng để dạy học và thờ kính Khổng Tử cùng những bậc hiền tài Nho học xưa. Đây là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa liên quan đến học hành, thi cử. Nhiều người tin việc "xin chữ" sẽ mang lại nhiều may mắn về con đường học hành, công danh.
Sáng sớm mùng 3 Tết, dòng người đổ về Văn Miếu Quốc Tử Giám đã rất đông để xin chữ đầu năm. Nhiều ông đồ bày sẵn nghiên bút, giấy bản, niềm nở đón người đi xin chữ. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó nhiều ước nguyện tốt lành, đồng thời thể hiện tấm lòng kính lễ đặc biệt, tôn vinh truyền thống hiếu học của Việt Nam. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân.
Thông qua hoạt động trao chữ - xin chữ đầu năm, cả người trao và người nhận đều mong muốn sẽ đạt được ước nguyện như mong đợi. Quầy xin chữ của các ông đồ thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân với đủ mọi lứa tuổi. Người trung niên thường xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn. Còn thanh niên nam nữ xin chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung... Người biếu tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An Khang, Bình An,... Còn mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Thọ.
Chị Lê Thị Toan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Đầu năm tôi cùng gia đình đi lễ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Trước là thể hiện lòng hiếu lễ của tôi tại cái nôi của văn hóa nước nhà, sau là muốn xin chữ "Bình An" để trong năm cả gia đình được hạnh phúc, bình an, làm ăn thuận lợi. Tôi còn xin chữ "Đạt" cho con trai lớn, năm nay cháu lớn thi đại học, tôi mong con sẽ đỗ vào trường Đại học mà con đã chọn.
Chị Loan (Hoài Đức, Hà Nội): Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia này. Năm nay, con gái lớn của tôi thi vào lớp 10, cháu học khá, tôi tin vào khả năng học tập của con nhưng để yên tâm hơn thì sáng nay cả nhà tôi đã đến đây từ sớm để xin chữ. Tôi xin cho gia đình mình chữ "Phúc" và xin riêng cho con gái chữ "Đăng Khoa". Ngoài ra, tôi còn cho cháu đi thăm quan Vườn Bia Tiến sĩ để khích lệ thêm tinh thần ham học của con.
Bên cạnh các hoạt động tại Văn Miếu, tại Hồ Văn - Quốc Tử Giám, Ban tổ chức đã chuẩn bị một khu riêng để khoảng 50 thầy đồ, người viết thư pháp Hán - Nôm và Quốc ngữ thỏa sức sáng tạo. Các thầy đồ hiện đại trong trang phục truyền thống lắng nghe mong muốn của người xin chữ, từ đó thể hiện toàn bộ tâm huyết trong nét vẽ rồng bay phượng múa với nhiều nguyện ước tốt lành. Ngoài ra, Ban tổ chức còn có bảng nguyện ước để các học sinh, sinh viên ghi những tấm thẻ cầu may. Người dân cũng có thể mua chữ viết sẵn tại hàng lưu niệm với những chữ phổ biến như Lộc, Phúc, Bình An, Mạnh Khỏe, Thuận, Đăng Khoa…
Huy Thế