
TS. Trần Bình Trọng: Khoa học và Công nghệ góp phần quan trọng vào hành trình phát triển bền vững ngành Tài nguyên và Môi trường
02/01/2023TN&MTTrải qua 20 năm phát triển, ngành Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, đề xuất các biện pháp nhằm quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TS. Trần Bình Trọng- Nguyên Vụ trưởng Vụ KH&CN
Để cụ thể hơn, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với TS. Trần Bình Trọng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về những thành tựu đã đạt được trong công tác nghiên cứu.
PV: 20 năm qua, lĩnh vực KH&CN góp phần quan trọng vào hành trình phát triển bền vững ngành Tài nguyên và Môi trường, đại diện cho lĩnh vực này, xin ông phác thảo khái lược về những kết quả nổi bật?
Ông Trần Bình Trọng: Trong 20 năm qua, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn bám sát định hướng NCKH đã được phê duyệt cho các giai đoạn, các thời kỳ và sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT, kết quả đã cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT, cụ thể như: Luật Đa dạng sinh học; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Khí tượng Thủy văn; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Tài nguyên nước; Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản), các văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL), góp phần hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TN&MT.
Bên cạnh đó, kết quả NCKH cũng là cơ sở định hướng cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch quốc gia về TN&MT như: Đề xuất giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam; Chiến lược BVMT quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016; các định hướng chính sách và quy định pháp luật để thành lập và quản lý các khu bảo tồn cộng đồng và tư nhân ở Việt Nam; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và kiểm soát, giám sát môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động; nghiên cứu lồng ghép yêu cầu BVMT trong hệ thống pháp luật chuyên ngành; Chiến lược phát triển ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Đặc biệt, những công trình nghiên cứu đã góp phần trong việc nâng cao chất lượng công tác điều tra, đánh giá hiện trạng và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, làm luận cứ cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, KTTV, BĐKH, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, viễn thám, đáp ứng với tiến trình CNH-HĐH đất nước. Ngoài ra, hoạt động KH&CN đã góp phần quyết định trong hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành TN&MT. Theo đó, Bộ TN&MT đã đầu tư đáng kể cho công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đến nay, các lĩnh vực đã xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.
Viện Khoa học ĐĐ&BĐ đã nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái (UAV)
để phục vụ công tác thành lập bản đồ địa hình tỉ lệ lớn.
Thông qua triển khai hoạt động KH&CN, Ngành đã hỗ trợ đào tạo được 56 tiến sỹ, hỗ trợ và đào tạo thành công 304 thạc sỹ. Trang thiết bị cho KH&CN đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020, đã tập trung hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ trong một số lĩnh vực. Công tác thông tin KH&CN đã được đẩy mạnh, kết quả nghiên cứu KH&CN được phổ biến trên các ấn phẩm trong, ngoài ngành và quốc tế, bước đầu đáp ứng thông tin KH&CN giữa các lĩnh vực. Liên kết trong hoạt động nghiên cứu, triển khai KH&CN có nhiều cải tiến, đẩy mạnh liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo cũng như liên kết giữa các lĩnh vực bắt đầu chuyển đổi trong các nhiệm vụ nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2025.
PV: Tiếp tục phát huy theo tinh thần trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lĩnh vực KH&CN của Bộ TN&MT đã đưa ra những mục tiêu quan trọng nào để thực hiện điều này, thưa ông?
Ông Trần Bình Trọng: Ngành TN&MT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phát triển KH&CN hiện đại, góp phần nâng cao vị thế quản lý Nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực; đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, BVMT, phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN đất nước.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (NCHMF) trực thuộc Tổng cục KTTV (VNMHA) và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ)
Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, định hướng về KH&CN ngành TN&MT sẽ tập trung nghiên cứu phục vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành TN&MT, các lĩnh vực chuyên ngành về TN&MT.
Nghiên cứu và phát triển có trọng tâm, trọng điểm các hướng công nghệ ưu tiên nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ quản lý, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát về TN&MT; ứng dụng nhằm tiếp thu, nắm bắt, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả công nghệ tiên tiến xử lý môi trường, giám sát, kiểm soát ONMT, hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; Đầu tư nghiên cứu khoa học trái đất và khoa học biển; nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, quá trình BĐKH ở Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, phòng ngừa, thích ứng với BĐKH;...
Đặc biệt, tăng cường ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số để thực hiện chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực TN&MT. Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong công tác thông tin, dữ liệu; xây dựng hệ thống tương tác giữa người dùng và thông tin, dữ liệu TN&MT trên các nền tảng công nghệ hiện đại;...
PV: Để đẩy mạnh hoạt động KH&CN của ngành TN&MT trong tương lai, cần những kế hoạch, phương hướng cụ thể như thế nào thưa ông?
Ông Trần Bình Trọng: Để đẩy mạnh hoạt động KH&CN của ngành TN&MT trong tương lai, cần những kế hoạch, phương hướng cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện nguồn nhân lực để bộ máy tổ chức được hoàn chỉnh và đủ tầm, kịp thời sửa đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành cũng như yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực, thiết bị, phát triển tiềm lực KH&CN ngành TN&MT trên cơ sở tiếp thu các thành tựu KH&CN tiên tiến của các nước phát triển, phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng cơ chế hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu KH&CN nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết bị nghiên cứu hiện có để nâng cao chất lượng điều tra, dự báo đáp ứng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực điều tra cơ bản; xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu KH&CN, thư viện điện tử chuyên ngành tại cơ quan Bộ và các đơn vị trong ngành; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm trong nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN; nghiên cứu định hướng việc thực hiện các hoạt động tạo nguồn, tiếp nhận có hiệu quả mọi nguồn viện trợ song phương và đa phương trên cơ sở các kế hoạch hợp tác quốc tế được xây dựng hàng năm.
Đồng thời từng bước hình thành các tổ chức quản lý và hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN về TN&MT như tư vấn, môi giới, dịch vụ và chuyển giao công nghệ; chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm của công tác điều tra cơ bản; đề xuất cơ chế, chính sách để từng bước thương mại hóa các sản phẩm điều tra cơ bản và nghiên cứu KH&CN về TN&MT.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)