Truyền thông về giảm nhựa: Đôi điều ghi nhận ở Cù Lao Chàm
04/05/2024TN&MTKhu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm thuộc địa phận xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cù Lao Chàm được coi là một trong những nơi tiên phong trong hệ thống khu sinh quyển thế giới ở Việt Nam về việc có nhiều nỗ lực, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa. Sau 4 năm triển khai thực hiện, nhiều chương trình, hoạt động, mô hình được tổ chức, thiết lập và được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT cùng một số Tổ chức Quốc tế, trong đó có Tổ chức WWF đánh giá cao về tính mới và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Cù Lao Chàm có diện tích khoảng 15,5km2, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về hướng Đông – Đông Bắc
Điểm đến đầy hấp dẫn
Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển (KBTB) thứ 2 của Việt Nam, có diện tích 5.175ha mặt nước. Nơi đây ghi nhận sự hiện hữu của các sinh cảnh, đa dạng sinh học biển thuộc loại bậc nhất Việt Nam với hơn 310ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển cùng nhiều loài thủy hải sản có giá trị.
Không chỉ nổi trội về sinh cảnh và đa dạng sinh học biển, Cù Lao Chàm còn sở hữu những cánh rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, Cù Lao Chàm còn có 7 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Những giá trị này có liên hệ mật thiết, gắn liền với lịch sử của đô thị cổ Hội An, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế. Vì vậy, Unesco đã công nhận Cù Lao Chàm là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 5/2009.
Để gìn giữ và phát triển giá trị mà Unesco ghi nhận, ngay trong năm 2009, nhiều giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) đã được Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai vào thực tế, từ việc tuyên truyền, kiểm soát đến hợp tác đều nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương. Sáng kiến này nhận được sự đồng tình ủng hộ của giới học sinh, đoàn thanh niên công tác, sinh sống ở khu DTSQ và các vùng lân cận.
Ngư dân đưa rác về bờ và tự phân loại
Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng và du khách về việc “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, tăng cường các giải pháp góp phần giảm thiểu rác thải nhựa vào đại dương thông qua việc thí điểm mô hình dịch vụ xanh tại các cơ sở kinh doanh homestay, quán café, giải khát,…Theo đó, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã triển khai hoạt động chuỗi hoạt động: Tổ chức họp với 70 hộ kinh doanh nhà hàng, giải khát và homestay tại xã Tân Hiệp nhằm truyền thông về tác động của rác thải nhựa đến môi trường và kinh tế địa phương, đồng thời thảo luận về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại địa phương hay những đề xuất và góp ý cho cam kết. Tham vấn về việc triển khai thí điểm mô hình dịch vụ xanh, về nhu cầu sử dụng sản phẩm thay thế phù hợp với các ngành/nghề kinh doanh hiện nay, chia sẻ những lợi ích khi cộng đồng tham gia vào mô hình dịch vụ xanh,..
Cùng với đó, Ban Quản lý đã Hướng dẫn ký cam kết thực hiện lộ trình giảm thiểu và hướng đến không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2021 – 2025; hỗ trợ sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần cho các cơ sở kinh doanh; khảo sát ý kiến, thu thập thông tin của các cơ sở kinh doanh sau thời gian thí điểm mô hình nhằm đánh giá tình hình thực tế của các cơ sở kinh doanh trước và sau khi áp dụng mô hình nhằm đề xuất giải pháp phù hợp.
Sau gần 2 tháng quan sát, việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại hoạt động kinh doanh trên địa bàn xã Tân Hiệp, nhóm thực hiện đã lựa chọn 18 cơ sở kinh doanh phù hợp để tham vấn lấy ý kiến về việc triển khai, qua quá trình tham vấn và chia sẻ lợi ích cho các cơ sở kinh doanh khi tham gia vào mô hình thì có 17/18 cơ sở đều đồng thuận tham gia thực hiện giảm nhựa và bước vào hành trình xanh.
Qua quá trình triển khai nhận thấy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và quán café rất hào hứng tham gia và cộng đồng (khách hàng) đã nhiệt tình ủng hộ.
Ngư dân đưa rác về bờ và tiến hành phân loại rác
Với cộng đồng ngư dân, từ tháng 9/2021, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành khảo sát 170 ngư dân về hiện trạng phát thải rác của tàu thuyền có hoạt động khai thác thủy hải sản thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An.
Đồng thời, phối hợp với UBND xã Tân Hiệp thành lập nhóm hành động vì môi trường biển, triển khai hoạt động xây dựng nội dung cam kết và hỗ trợ dụng cụ thu gom rác thải trên biển cho 220 tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản và các hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm. Theo đó, rác thải do ngư dân mang về bờ sẽ được tập kết tại Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) ở Bãi Ông hoặc tại thùng rác khu vực Âu thuyền. Việc thống kê khối lượng rác mang về do nhân viên vận hành MRF thực hiện.
Các tình nguyện viên nước ngoài cũng tham gia phân loại rác tại nguồn
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Văn kiện tại Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02/7/2020. Dự án nhằm góp phần thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình quản lý rác thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại Việt Nam. Dự án được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp Trung ương; 07 tỉnh/thành phố gồm: Hà Tĩnh (TP. Hà Tĩnh), Quảng Bình (TP. Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Phú Yên, Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá) và 03 Khu bảo tồn biển: Côn Đảo, Phú Quốc và Cù Lao Chàm. Dự kiến thời gian triển khai Dự án từ năm 2020 đến giữa năm 2025.
Nhân rộng mô hình “Ngôi nhà đại dương”
Bắt đầu triển khai từ tháng 02/2023, mô hình “Ngôi nhà đại dương” thu hút sự tham gia của ngư dân xã Tân Hiệp về việc thu gom rác thải nhựa trên biển để tập kết tại 06 Ngôi nhà đại dương được đặt tại các bãi biển và Âu thuyền Cù Lao Chàm. Việc triển khai mô hình này nhằm khuyến khích và vận động sự tham gia của ngư dân trong việc mang rác vào bờ sau khai thác thủy sản và vớt rác trôi nổi trên biển. Nhiều rác thải nhựa có hại cho môi trường biển như chai lọ, bao ni lông, xốp; lưới hỏng, cước và các ngư cụ khác được “đưa về bờ”. Trung bình hàng tháng thu gom 140kg rác, trong đó rác vô cơ chiếm tỷ lệ 96%, rác tái chế chiếm tỷ lệ 4% thành phần chủ yếu là vỏ chai, vỏ lon nhôm.
Dọn rác dưới đáy biển Cù Lao Chàm
Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn phối hợp với Hội Nông dân xã Tân Hiệp đánh giá, ttuyên dương khen thưởng cho 03 cá nhân và 01 tập thể tham gia tốt hoạt động giảm nhựa trong khai thác để động viên tinh thần và ghi nhận những đóng góp của các cá nhân tập thể trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.
Trường học giảm nhựa
Tháng 5/2022, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm đã phối hợp với giáo viên và học sinh của trường TH&THCS Quang Trung triển khai hoạt động kiểm toán rác thải trong (6 ngày) để tìm hiểu hiện trạng phát sinh rác thải trong trường học, cung cấp cơ sở để trường xây dựng kế hoạch giảm rác nhựa trong năm học 2022- 2023.
Dựa trên kết quả kiểm toán rác thải, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm cùng với đội tư vấn kỹ thuật đã phối hợp cùng với ban giám hiệu nhà trường xây dựng Kế hoạch giảm nhựa tại trường học trong năm học 2022-2023 với các mục tiêu: Có 30% - 40 % học sinh mỗi lớp trở thành tuyên truyền viên tích cực về giảm thiểu rác thải nhựa. Đạt 100% học sinh tốt nghiệp ra trường hiểu và có kiến thức về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Mỗi năm có ít nhất 01 - 02 sáng kiến xanh được công nhận và triển khai trong nhà trường. 100% học sinh và giáo viên nhà trường thực hành phân loại đúng các loại rác thải.
Cốc uống nước bằng thủy tinh và nhựa sử dụng nhiều lần được thay thế tại căn tin trường học ở Quảng Nam
Tất cả giáo viên, cán bộ nhà trường thực hành tốt việc không sử dụng nhựa dùng một lần và tích cực tham gia hoạt động giảm nhựa của trường, của địa phương phát động.
Kế hoạch giảm nhựa năm học 2022-2023 đã được trường TH-THCS Quang Trung thông qua vào ngày 22/5/2022 cùng với lễ ra mắt Câu lạc bộ "Em yêu đảo xanh quê em". Với nhóm thành viên chính gồm 15 em học sinh, Câu lạc bộ “Em yêu đảo xanh quê em” được thành lập nhằm mục đích tạo sân chơi cho các em học sinh trường TH-THCS Quang Trung tìm hiểu về đa dạng sinh học, rác thải nhựa và thực hành các hành động bảo vệ môi trường tại nhà trường và địa phương, đây cũng là lực lượng tiên phong thực hiện kế hoạch giảm nhựa của trường. Sau buổi ra mắt, các em tham gia gấp giấy cũ làm túi giấy tặng cho các cô bán hàng ở chợ.
Ngoài ra, nhằm giúp các em học sinh có trải nghiệm thực tế, năm 2023, Ban quản lý cũng đã tổ chức nhiều chương trình thực địa thực địa với tần suất 01 lần/tháng như trại hè san hô tìm hiểu về đa dạng sinh học, rác thải, tham gia chương trình Giám sát rác thải bãi biển.
Thí điểm mô hình Cơ sở phục hồi tài nguyên
Cơ sở phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facility - MRF) là mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng. Mô hình do GAIA và Pacific Environment hỗ trợ Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm và UBND xã Tân Hiệp lắp đặt và hướng dẫn triển khai từ giữa tháng 4 năm 2021 với sự tham gia của 30 hộ gia định tại Bãi Ông.
Mô hình cơ sở phục hồi tài nguyên
Từ tháng 7/2021, thông qua sự điều phối của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Dự án đã hỗ trợ UBND xã Tân Hiệp tiếp nhận mô hình và hoàn thiện quy trình vận hành thí điểm cho 30 hộ.
Đến tháng 10/2021, mô hình đã bắt đầu gia tăng lượng rác có thể tiếp nhận và xử lý rác cho 60 hộ gia đình. Tham gia mô hình, các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thành 2 loại theo quy định của địa phương là rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy. Hai nhân công địa phương phụ trách vận hành mô hình MRF có trách nhiệm thu gom rác từ các hộ gia đình và tập kết MRF. Tại đây, rác dễ phân hủy được phân loại thành rác khô để ủ compost ngoài trời, rác ướt được đưa vào các thùng ủ có men vi sinh, và một số loại vỏ trái cây được tận dụng để tái chế làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế (các loại có thể bán cho bên thu mua phế liệu), rác nhựa cấp thấp được gom lại để chuyển cho cơ sở tái chế, và rác còn lại không thể xử lý được sẽ chuyển cho đơn vị thu gom công cộng để vận chuyển đến cơ sở xử lý rác tại Eo Gió.
Người dân phân loại rác
Sau 1 năm vận hành, MRF đã tiếp nhận hơn 17 tấn rác từ 60 hộ gia đình tham gia thí điểm, phân loại và tái chế khoảng 8 tấn rác hữu cơ (47%), thu hồi 182kg rác tái chế (1%), 490kg rác nhựa giá trị thấp (3%) để chuyển cho cơ sở phế liệu và tái chế. Lượng rác còn lại phải chuyển lên cơ sở xử lý rác cũa xã chỉ còn khoảng 8,5 tấn (49%). Như vậy, với các giải pháp xử lý tại chỗ, MRF đã góp phần giảm thiểu hơn 50% lượng rác phát.
Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm theo dõi của mọi người. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ sở đã đón được 6 đoàn công tác từ các địa phương, các bạn sinh viên nước ngoài và các em học sinh trên địa bàn thành phố Hội An đến tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình. Một điểm nổi bật là sau nhiều đợt đón và tiếp các đoàn công tác thì 2 nhân công được thuê khoán hiện nay đã dần tự tin phụ trách hướng dẫn và rất hào hứng lan tỏa với mọi người về các phương pháp xử lý và giảm thiểu rác thải tại đây. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy mô hình có triển vọng phát triển thành một trung tâm giáo dục và học tập cộng đồng về môi trường.
Biến rác thành tài nguyên đã trở thành hiện thực ở vùng đất Quảng Nam
Nhận thấy những kết quả tích cực của mô hình MRF trong việc thúc đẩy phân loại và tái chế rác tại cộng đồng, góp phần giảm nhẹ gánh nặng về xử lý rác, chính quyền xã Tân Hiệp phối hợp cùng Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm đề xuất kế hoạch nâng cấp hiệu quả xử lý rác tại MRF tại Bãi Ông nhằm gia tăng lượng rác tiếp nhận lên 120 hộ gia đình trong năm 2022, đồng thời đề xuất lắp đặt thêm 1 MRF mới cho 80 hộ gia đình thuộc thôn Bãi Hương. Mô hình MRF mới tại Bãi Hương do dự án hỗ trợ lắp đặt và vận hành đã được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2023.
Điểm phân loại rác
Hiện tại 02 mô hình MRF tại Bãi Ông và Bãi Hương đang tiếp nhận và xử lý rác thải hữu cơ của tổng cộng 203 hộ gia đình thuộc xã Tân Hiệp, chiếm 33,5% tổng số hộ của xã. Tính đến nay đã thu gom được khoảng 44 tấn rác, trong đó xử lý được khoảng hơn 40%, chủ yếu là rác hữu cơ.
Kết quả này không chỉ góp phần rất lớn trong việc giảm tải lượng rác thải chuyển đến xử lý tại bãi rác tại Eo Gió mà còn tạo ra được các sản phẩm phục vụ đời sống như phân compost, nước tẩy rửa. Bên cạnh đó, mô hình này là một địa điểm giáo dục môi trường lý tưởng cho các em học sinh, cộng đồng và các địa phương khác đến tham quan học tập về rác thải. Trong năm 2023, nhiều địa phương, Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, học sinh đã đến tham quan học tập mô hình này.
Thông qua mô hình MRF, có 02 sản phẩm được cộng đồng địa phương đánh giá cao đó là: phân compost và nước tẩy rửa sinh học. Trong năm 2023, BQL Khu bảo tồn biển cũng đã ra mắt giới thiệu sản phẩm mới nước tẩy rửa sinh học đa dụng cho người dân Cù Lao Chàm. Trước khi sản phẩm chính thức đưa đến tay người tiêu dùng, nhiều cuộc khảo sát được triển khai nhằm đánh giá khả năng làm sạch của sản phẩm và tiến hành gửi mẫu để kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, phối hợp với UBND xã Tân Hiệp tiếp tục lồng ghép hoạt động giới thiệu sản phẩm trong các buổi tuyên truyền cộng đồng, sinh hoạt hội phụ nữ… đưa thông điệp xanh cũng như ý nghĩa của sản phẩm gửi gắm đến người tiêu dùng góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc biến rác thải tài nguyên và chung tay bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng “Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" đã được triển khai sâu rộng và toàn diện trong năm 2023. Các hoạt động Dự án của các hợp phần đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, các văn bản dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa. Đáng chú ý, thông qua Dự án, nhiều hoạt động, chương trình, mô hình đã tạo sự lan tỏa, hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên có liên quan trong giảm thiểu và ngăn chặn sự thất thoát rác thải ra môi trường.
Giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô
Tiếp tục duy trì kết quả từ những năm trước, trong năm 2023, Ban quản lý Khu BTB Cù Lao Chàm tiếp tục tổ chức chương trình giám sát rác thải tại các bãi biển và rạn san hô, định kỳ vào tháng 5 và tháng 12. Mỗi đợt giám sát, đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các thành phần trong cộng đồng và các hội đoàn thể của xã, khoảng gần 50 người/đợt. Qua các hoạt động giám sát, không chỉ cập nhật vào bộ dữ liệu rác thải mà còn giúp nâng cao nhận thức về vai trò của cá nhân trong các hoạt động bảo vệ môi trường, huy động sự tham gia, tham mưu các giải pháp, chính sách cho địa phương.
Đây là chương trình kéo dài từ năm 2019 đến nay. Kết quả triển khai hoạt động từ năm 2019-2023, trung bình mỗi đợt thu gom được gần 8,5 tấn rác trên các bãi biển và 50kg rác trên các vùng rạn san hô. Qua đánh giá, rác thải từ nhựa và liên quan đến nhựa chiếm tỷ lệ trung bình lần lượt là 73% và 81% trên tổng khối lượng các loại rác thu thập được tại các bãi biển và tại các vùng rạn san hô. Trong đó, đáng chú ý là số lượng chai nhựa thu gom được khá nhiều trên các bãi biển cũng như vùng rạn san hô. Ước tính, trung bình có khoảng 1-1,2 tấn chai nhựa/đợt. Điều này cảnh báo việc sử dụng chai nước nhựa và bỏ rác không đúng nơi quy định của cộng đồng, du khách và ngư dân.
Cũng tại Cù Lao Chàm, hầu hết nguồn tài nguyên được định hướng khai thác một cách văn minh, có trách nhiệm. Cù Lao Chàm đã rất thành công với chương trình “nói không với túi nilon” và nay là “không sử dụng ống hút nhựa, các sản phẩm từ nhựa. Bên cạnh những kết quả đạt được, Khu sinh quyển của chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức từ thiên nhiên và chính từ con người. Sự đô thị hóa, công trình hóa diễn ra khắp nơi từ đất liền đến hải đảo, từ sông ra biển đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cảnh quan, các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học kể cả nét văn hóa truyền thống của người dân Hội An. Vì vậy, chúng ta rất cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng… tiếp tục bảo vệ cả vùng lõi và vùng đệm quý giá mà thiên nhiên ưu đãi cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung”.
Nguyễn Dương