Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Trên hành trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
12/08/2022TN&MTQuá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục kết thành lịch sử ra đời, phát triển của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Trải qua 67 năm hình thành và phát triển, Nhà trường đã phát triển vững mạnh về mọi mặt, có vị trí uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành, phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Bằng khen đến các thế hệ lãnh đạo, giảng viên Nhà trường
Sự ra đời Trường Đại học TN&MT Hà Nội là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục trong 67 năm của các thế hệ cán bộ, giảng viên Nhà trường: Phát triển từ hệ đào tạo sơ cấp (1955), trung cấp, cao đẳng và nay vươn lên bậc đại học. Với bề dày 67 năm lịch sử (1955 - 2022), Nhà trường đã đào tạo hơn 30.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân, trung cấp chuyên nghiệp, sơ cấp và công nhân kỹ thuật các ngành: KT, TV, Đo đạc bản đồ, Quản lý đất đai, Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Trắc địa - Bản đồ, Địa chính, Tin học,… cho Ngành và cho đất nước.
Có thể nói, việc nâng cấp Trường Cao đẳng TN&MT Hà Nội lên Trường Đại học TN&MT Hà Nội là một bước ngoặt, một sự phát triển mới, tạo điều kiện cho Nhà trường vươn lên tầm cao hơn, thay đổi cả về quy mô, tầm vóc và vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mặt khác, việc thành lập Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã đáp ứng kịp thời việc đào tạo nguồn nhân lực TN&MT cho ngành TN&MT từ trung ương đến địa phương có trình độ đại học, sau đại học với các kiến thức được đào tạo gắn liền với các lĩnh vực QLNN của Bộ TN&MT.
Trong một thời gian rất ngắn so với chặng đường lịch sử 67 năm, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất,… theo định hướng phát triển trường thành một trường đại học trọng điểm trong lĩnh vực TN&MT của đất nước, từng bước hội nhập với trình độ của các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Qua đó cho thấy, số lượng cán bộ có học hàm, học vị của Trường ngày càng tăng, từng bước khắc phục sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đồng thời, Nhà trường đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế về công tác cán bộ, đảm bảo tuyển được những cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt bổ sung và đổi mới cơ chế và chế độ chính sách thu hút cán bộ giàu kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ lãnh đạo và quản lý tham gia giảng dạy. Đến nay, về cơ bản đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Từ khi trở thành trường đại học, Nhà trường có bước phát triển vượt bậc. Từ 6 ngành đào tạo đại học (năm 2011) và cao đẳng (năm 2010) đến đến năm 2022 đã phát triển lên 23 ngành đại học, 6 chuyên ngành Thạc sĩ. Quy mô đào tạo của Nhà trường liên tục tăng qua các năm, có nguồn tuyển sinh dồi dào trong khi nhiều trường tuyển thiếu hoặc không có nguồn tuyển, chất lượng tuyển sinh ngày càng được nâng cao, với điểm đầu vào không thua kém nhiều trường.
Từ năm học 2012 - 2013, Nhà trường đã hoàn thiện và tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ bảo đảm tính mềm dẻo, linh hoạt và liên thông của phương thức đào tạo này. Các mô hình và chương trình đào tạo mới đã góp phần đáp ứng kịp thời các nhu cầu xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển quy mô đào tạo và nâng cao địa vị, danh tiếng, uy tín xã hội của Nhà trường.
Từ năm học 2014 - 2015, Nhà trường tổ chức đào tạo song bằng đại học hệ chính quy cho 6 chuyên ngành. Và từ năm học 2015 - 2016, việc đào tạo song bằng được thực hiện cho tất cả các chuyên ngành hiện có trong trường.
Đến năm học 2021 - 2022, tất cả các học phần đều đã có giáo trình, tài liệu học tập phù hợp với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập, giảng dạy của giảng viên và sinh viên. Những kết quả đó là tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển Nhà trường, từng bước khẳng định uy tín của Trường trên con đường xây dựng trường trọng điểm.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong những năm qua được Nhà trường triển khai đồng bộ có hiệu quả, phục vụ giảng dạy và học tập. Song song với hoạt động nghiên cứu, hàng năm Nhà trường còn tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, hội thảo cấp trường và nhiều hội thảo khoa học của các khoa; xuất bản nhiều kỷ yếu hội nghị, hội thảo, xuất bản sách,...
Những hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên được triển khai với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như: Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Hiện nay, Nhà trường đang triển khai thực hiện dự án OKP “Khí hậu Việt Nam - Hợp tác giáo dục nhằm đặt được sự thay đổi bền vững tại các đồng bằng Việt Nam” do Hà Lan tài trợ.
Đối với công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục được đặc biệt coi trọng. Năm 2014, Nhà trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá trường đại học theo các tiêu chuẩn và tiêu chí của Bộ GD&ĐT bảo đảm yêu cầu và đã báo cáo Bộ GD&ĐT. Năm 2017, Nhà trường đã thực hiện đánh giá ngoài, được cấp Giấy chứng nhận kiểm định giáo dục trường đại học với tỉ lệ 82% số tiêu chí đạt yêu cầu. Đến nay, Nhà trường đã đánh giá ngoài 9 chương trình đào tạo và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định đạt chuẩn. Trong giai đoạn vừa qua, Nhà trường đã xây dựng hệ thống thông tin phản hồi về hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo tại trường thông qua việc tổ chức lấy ý kiến góp ý và ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ đào tạo tại trường. Hệ thống này hiện đang là cầu nối tin cậy giữa nhà trường với xã hội. Xây dựng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi đề thi và thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Xây dựng kế hoạch thi trắc nghiệm khách quan cho từng học kỳ.
Cơ sở vật chất của Nhà trường và từng bước nâng cao, các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp. Nhà trường đã chủ động và huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở 2 của Trường tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với diện tích khoảng 13 ha đáp ứng cho 10.000 sinh viên với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tương đương với các trường đại học kỹ thuật, đại học vùng trọng điểm quốc gia và ngang tầm với các trường đại học quốc tế.
Công tác Đảng, đoàn thể của Trường trong cũng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định chính trị, tư tưởng trong cán bộ, giảng viên, viên chức và toàn trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao: Đảng bộ Nhà trường là nơi tiêu biểu tập trung khối đoàn kết trong trường, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong Nhà trường trên tất cả các mặt hoạt động: Đào tạo, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất.
12 năm xây dựng và phát triển trường Đại học TN&MT Hà Nội được kế thừa trên nền tảng hơn nửa thế kỷ truyền thống đào tạo lĩnh vực TN&MT là một chặng đường lịch sử đầy khó khăn nhưng rất vẻ vang. Đó là lịch sử đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường. Đóng góp to lớn của trường trong 67 năm qua đã được Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam và Nhà nước CHDCND Lào ghi nhận và tặng thưởng: Năm 2003: Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2005: Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2010: Huân chương Lao động hạng Nhất; Năm 2012: Huân chương Hữu nghị của Nhà nước CHDCND Lào trao tặng; năm 2014: Huân chương Lao động hạng Ba; Năm 2015: Huân chương Lao động hạng Nhì; Năm 2020: Huân chương Lao động hạng Nhì. Đồng thời, Nhà trường đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố và các tổ chức xã hội khác.
NGUYỄN MẠNH
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội