Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển: Chuyển đổi để nâng tầm vươn ra biển lớn
09/02/2023TN&MTTrung tâm Trắc địa và Bản đồ biển (SeaMap) là một trong những đơn vị sự nghiệp, có rất nhiều đóng góp trong hành trình phát triển hơn 10 năm ở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (cũ). Năm 2022 là một năm SeaMap phải đảm nhận nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh hết sức khó khăn trên biển, một số dự án điển hình được hoàn thành ở địa phận vùng biển: Ninh Thuận đến Kiên Giang; Vịnh Bắc Bộ; dự án đường mép nước biển khu vực Cát Hải- Hải Phòng,…không chỉ có vậy, SeaMap còn tổ chức làm tốt các nhiệm vụ, tìm kiếm khách hàng và dịch vụ chuyên môn để tiếp tục nâng tầm thương hiệu SeaMap ở mọi phương diện, góp phần bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Việt Nam.
Ông Dương Quốc Lương (thứ 3 từ phải) cùng Ban lãnh đạo SeaMap điều hành cuộc họp
Năm 2023, theo thay đổi chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, SeaMap được luân chuyển về Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Với nền tảng sẵn có về chuyên môn cũng như sự vững mạnh về đội ngũ nhân lực, hy vọng SeaMap vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của mình trên biển. Phóng viên Tạp chí TN&MT đã có cuộc gặp gỡ và chúc mừng ông Dương Quốc Lương- Giám đốc SeaMap, nhân dịp này ông đã có đôi điều chia sẻ về kết quả công việc và gửi thông điệp của mình trong tiết xuân mới như sau:
Phóng viên: Chúc mừng lãnh đạo và tập thể SeaMap và xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật đã đạt được năm vừa qua?
Ông Dương Quốc Lương: Năm 2022, đối với SeaMap là một năm đầy sóng gió: Đó là sự ảnh hưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19; xung đột Nga - Ukraine dẫn đến kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát trong nước tăng cao; đầu năm nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước được giao quá ít; cuối năm nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước đã giao bổ sung nhưng thời gian ngắn, áp lực công việc lớn do thời tiết cuối năm bất thường. Máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ khảo sát, đo đạc biển đã cũ, xuống cấp do tác động của môi trường biển, một số đã hỏng và thường xuyên phải sửa chữa. Từ năm 2009 đến nay, SeaMap chưa được đầu tư công để nâng cao năng lực công nghệ khảo sát, đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển. Do đó, ngay cả trong việc thực hiện một số dự án theo kế hoạch được phê duyệt sử dụng ngân sách nhà nước SeaMap cũng phải thuê máy móc thiết bị bên ngoài, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án. Người lao động ngoại nghiệp làm việc trong điều kiện vật chất luôn thiếu thốn, phương tiện đi lại khó khăn và luôn phải làm việc xa nhà, đời sống tinh thần vô cùng khó khăn. Việc tìm kiếm thêm công việc ngoài thị trường luôn gặp sự cạnh tranh khốc liệt; Đơn vị chỉ được áp dụng mức tiền lương theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì sức cạnh tranh về con người (thông qua mức đãi ngộ về tiền lương) trở nên kém hiệu quả. Việc chảy máu chất xám đã và đang diễn ra tại đơn vị.
Hiện trường trên biển
Tuy nhiên, với những khó khăn vừa nêu trên, Đảng ủy, Lãnh đạo SeaMap đã luôn nhìn nhận đúng đắn về mọi công việc và có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao cùng với sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của tập thể người lao động tại SeaMap đảm bảo kế hoạch năm 2022, cụ thể như dự án: Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang; Giai đoạn I Dự án “Đo vẽ 23 mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan"; Dự án “Xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường 03 và 06 hải lý tại các đảo/cụm đảo lớn của Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo (Năm 2022 - cụm đảo Cát Hải - Hải Phòng).
Ngoài ra, SeaMap đang thực hiện xây dựng các Thuyết minh, đề cương chi tiết các dự án: "Đo vẽ, thành lập bản đồ, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển Vườn Quốc gia Bái Tử Long";" Ứng dụng công nghệ đo đạc bản đồ trong điều tra, đánh giá hiện trạng, kiểm kê và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững khu đất ngập nước ven biển, ven đảo (thí điểm cho 3 vùng đại diện ven biển,ven đảo Việt Nam- phối hợp với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ- Bộ TN&MT); Kiểm tra, giám sát định kỳ các trạm định vị vệ tinh (DGPS) cố định ven bờ Vũng Tàu, Đồ Sơn và Quảng Nam.
Phóng viên: Vậy còn nhiệm vụ dịch vụ liên quan trên biển nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và tạo nguồn thu cho người lao động thì sao thưa ông?
Ông Dương Quốc Lương: Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển với thương hiệu SeaMap vẫn luôn giữ vững uy tín, sự tín nhiệm và tin tưởng của khách hàng. Năm 2022, SeaMap đã ký 04 hợp đồng bổ sung với đối tác Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro; gia hạn hợp đồng với PTSC G&S; đã ký với các khách hàng về công tác cung cấp dịch vụ lấy mẫu môi trường; định vị dịch giàn; cung cấp dịch vụ khảo sát; tư vấn lập hồ sơ giao khu vực biển.
Với sự nỗ lực như vậy, thu nhập bình quân của người lao động toàn SeaMap năm 2022 đạt xấp xỉ 1.6 lần lương cơ bản.
Ban lãnh đạo cùng tập thể SeaMap gặp mặt đầu xuân cùng những lời hứa quyết tâm cùng nhau phát triển
Phóng viên: Năm 2023, SeaMap chịu sự quản lý trực tiếp của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, vậy ông có cảm nhận như thế nào nhân dịp xuân mới?
Ông Dương Quốc Lương: Năm 2023, sau hơn 14 năm SeaMap lại được trở về dưới sự quản lý trực tiếp của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi và nền tảng vững chắc đã sẵn có và dẫu biết rằng phía trước sẽ có nhiều khó khăn, trong đó phải đảm nhận những dự án lớn trên biển về định vị dẫn đường, điều tra tài nguyên, môi trường biển, sự cạnh tranh quyết liệt về thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao,... nhưng đây cũng là cơ hội để SeaMap thể hiện năng lực của mình trên hành trình vươn ra biển lớn, tạo đà phát triển cùng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Tôi luôn đặt mục tiêu: Tập thể SeaMap quyết tâm giữ vững khối đoàn kết, đồng lòng vượt lên tất cả để có những thành tựu sẽ được ghi nhận vào cuối năm 2023 và nhiều năm tiếp theo. Điều này đã được thể hiện trong 4 câu thơ mà cấp dưới của tôi đã sáng tác và đọc tại buổi gặp mặt đầu xuân 2023 như sau:
“Đã về lại mái nhà truyền thống
Vai kề vai vượt sóng ra khơi
Đến bao góc bể chân trời
Lá cờ SeaMap vẫn ngời sắc Xuân!”
Phóng viên: Xin cảm ơn ông, chúc SeaMap luôn phát triển!
Diệp Anh (thực hiện)