
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên, môi trường biển phía Bắc: Nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao
05/09/2023TN&MTNhận rõ được tầm quan trọng của việc quy hoạch, điều tra tài nguyên môi trường biển, qua đó phát hiện và đánh giá các nguồn tài nguyên, tiềm năng, lợi thế của các vùng biển ở Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên, môi trường biển khu vực phía Bắc (CPIM) luôn chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển, đồng thời tìm mọi phương án khắc phục những khó khăn, đề xuất cấp trên giải quyết những cơ chế chính sách cho người lao động, đảm bảo tiến độ công việc.
Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Anh Thắng - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên môi trường biển khu vực phía Bắc về kết quả công việc trong những tháng đầu năm 2023.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả đạt được của CPIM trong quy hoạch điều tra tài nguyên môi trường biển, phát hiện và đánh giá các nguồn tài nguyên, tiềm năng, lợi thế vùng biển ven bờ, vùng bờ các tỉnh, thành phố có biển?
Ông Lê Anh Thắng: Trong 6 tháng đầu năm, CPIM đã và đang đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ và dự án quan trọng của Bộ TN&MT, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có thể kể đến như: Dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam” (gọi tắt là Dự án GH); cho đến nay công tác chuẩn bị thiết bị, nhân lực phục vụ khảo sát thực địa địa chất và địa vật lý đã hoàn tất; dự kiến trong quý III sẽ triển khai công tác thực địa. Ngoài ra, CPIM đã hoàn thành nhiệm vụ thuộc nguồn vốn khoa học công nghệ Đề tài KHCN TNMT.2019.06.02: “Nghiên cứu, đặc điểm khoáng vật, địa hóa và dự báo tiềm năng khoáng sản rắn biển sâu Nam Trung bộ Việt Nam phục vụ định hướng điều tra khoáng sản rắn biển sâu”.
Ban lãnh đạo CPIM qua các thời kỳ gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm công việc chuyên môn
Các hợp đồng, dự án được thực hiện với chất lượng cao, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung trong việc đấu tranh bảo vệ QP-AN, bảo vệ quyền và chủ quyền Việt Nam trên biển.
Song song với việc thực hiện các dự án, đề án điều tra cơ bản về tài nguyên - môi trường biển, Trung tâm đã hoàn thành nghiệm thu kết thúc đề tài “Nghiên cứu, đặc điểm khoáng vật, địa hóa và dự báo tiềm năng khoáng sản rắn biển sâu Nam Trung Bộ Việt Nam phục vụ định hướng điều tra khoáng sản rắn biển sâu”.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, CPIM chú trọng tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực trang thiết bị khảo sát đồng bộ nhằm từng bước xây dựng được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý với nhiều kinh nghiệm; hệ thống máy móc, thiết bị khảo sát hiện đại, đáp ứng nhu cầu công tác điều tra biển trong bối cảnh mới.
PV: Là người đồng hành và đang điều hành CPIM trong nhiều năm qua, điều gì hiện nay khiến ông trăn trở nhất?
Ông Lê Anh Thắng: Tôi thấy người làm công tác điều tra tài nguyên môi trường biển bị thiệt thòi quá, so với điều kiện lao động của người lao động của một số lĩnh vực khác, như: giao thông, vận tải biển, dầu khí, khí tượng thuỷ văn,… trên cùng địa bàn công tác thì điều kiện làm việc của người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển có phần khó khăn, vất vả tương đương (công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thường xuyên làm việc trên biển, chịu tác động của sóng, gió, ồn cao, rung mạnh); đây là một công việc được phân loại là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V) và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại VI) tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (tương đương mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của công tác khí tượng thủy văn quy định tại Thông tư nêu trên).
Điều tra tài nguyên môi trường biển là một trong những nhiệm vụ đặc thù, vất vả
Tuy nhiên, cho đến nay trong ngành tài nguyên môi trường chỉ có lĩnh vực khí tượng thủy văn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề từ 15% đến 30 %, còn người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề nên tạo ra sự bất cập trong thực hiện chính sách. Do vậy, không khuyến khích, thu hút được nguồn nhân lực cho lĩnh vực biển hải đảo nói chung và công tác điều tra tài nguyên môi trường biển nói riêng. CPIM là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là một trong những đơn vị chịu tác động trực tiếp do không duy trì giữ chân cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, cũng như không thu hút được nguồn nhân lực từ ngành nghề khác, từ nguồn sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực này để phục vụ cho công tác điều tra tài nguyên môi trường biển do chế độ chính sách, thu nhập của người lao động không phù hợp với mức độ công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề; thực tế từ năm 2018 đến nay đã có gần 100 CBVC người lao động xin chuyển công tác, thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.
Hiện nay, các chế độ cho người lao động tham gia điều tra, khảo sát trên biển hiện hưởng bao gồm chế độ: bồi dưỡng đi biển, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, nước ngọt. Trong đó, chế độ phụ cấp khu vực và phụ cấp đặc biệt đối với người lao động trực tiếp trên biển chưa được quy định rõ ràng do các phụ cấp trên chủ yếu được quy định theo địa giới hành chính (xã, huyện, tỉnh), vị trí cụ thể (ví dụ: đồn biên phòng, trạm đèn biển, DKI) hoặc trên các đảo, quần đảo; chưa đề cập rõ ràng việc áp dụng các phụ cấp này đối với người lao động làm việc trên vùng biển quanh đảo, quanh nhà giàn DKI. Mặt khác, địa giới trên biển hiện nay chưa được xác định đầy đủ, đặc biệt là ở các khu vực xa bờ nên việc vận dụng, áp dụng cho CBVC NLĐ thực hiện công tác điều tra trên biển gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ đối với người lao động.
Để khuyến khích người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển gắn bó, phục vụ lâu dài, phù hợp với ảnh hưởng của điều kiện làm việc cao hơn bình thường trong thời gian dài, CPIM đã có đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép các đơn vị hiện đang tham gia công tác điều tra tài nguyên môi trường biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được hưởng chế độ ưu đãi nghề.
PV: Để đẩy nhanh tiến độ công việc chuyên môn, những tháng cuối năm CPIM sẽ triển khai nhiệm vụ gì trọng tâm thưa ông?
Ông Lê Anh Thắng: Trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành thi công thực địa địa chất và địa vật lý với khối lượng theo kế hoạch đã được phê duyệt; Hoàn thành công tác chọn gửi mẫu phân tích đã thu thập được tại các trạm khảo sát; Lập báo cáo kết quả thực hiện năm 2023 và trình nghiệm thu cấp quản lý của Dự án.
Tiếp tục nỗ lực làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn được Cục Biển và Hải đảo Việt Nam giao
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ đặc thù “Tham gia Hội thảo quốc tế thường niên về khống chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông”; triển khai sử dụng mô hình số tính toán, đánh giá trường sóng tại khu vực Vịnh Bắc Bộ thuộc vùng ven bờ Việt Nam;
Trung tâm sẽ triển khai thực hiện các dự án ngay sau khi được phê duyệt, cấp kinh phí. Điển hình là Dự án “Điều tra, giám sát các yếu tố thủy văn, hải văn, môi trường và các nguồn thải thải vào vùng biển ven bờ nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển tại một số vùng kinh tế trọng điểm ven biển”: Tiến hành sửa chữa theo ý kiến Hội đồng thẩm định tại Cục; Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo từ Quảng Ninh đến Phú Yên (giai đoạn I từ Thanh Hóa đến Nghệ An).
Nhiều kết quả điều tra, khảo sát của Trung tâm đã được ứng dụng có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, có giá trị cao trong phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong đó, có thể kể đến một số dự án, đề tài tiêu biểu gắn với việc phát triển tiến ra biển sâu, xa bờ của đơn vị như Đề án “Điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản rắn biển ven bờ (0-30m nước) Việt Nam, tỷ lệ 1/500.000”; Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam”; các dự án Chính phủ thuộc Đề án 47 như: “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam” ở khu vực biển có độ sâu đến 100 m; Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, cấu trúc - địa động lực, hiện trạng môi trường và dự báo tai biến vùng biển Bình Thuận - Cà Mau (đến độ sâu 300m nước), tỉ lệ 1:500.000”; Dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam” (Dự án GH) thực hiện tại vùng biển xa, biển sâu lên đến 3.000 m nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Dung (thực hiện)