Triển khai quy định kiểm kê khí nhà kính: Những “nút thắt” cần gỡ
09/11/2024TN&MTMặc dù các Bộ, ngành ở từng lĩnh vực phụ trách của mình đã triển khai quyết liệt các quy định về giảm phát thải khí nhà kính đến từng cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Từ nhận thức, đặc biệt là nhận thức cấp cơ sở về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những khó khăn về nhân lực, kỹ thuật,... là những “nút thắt” cần có lời giải để Việt Nam hướng đến một quốc gia phát triển xanh, bền vững.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến các quy định kiểm kê khí nhà kính
Thông thông tin từ Bộ Công thương, Bộ này đã thông qua các hội nghị, hội thảo về biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng của các nhãn hàng lớn trên thế giới và một số tập đoàn lớn của Nhà nước có nhận thức tốt và đã chủ động thực hiện kiểm kê khí nhà kính trước khi có quy định của Chính phủ về vấn đề này.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp trong nước nhận thức về tầm quan trọng và tính chủ động trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn hạn chế, chưa quan tâm đến các quy định về kiểm kê khí nhà kính của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở thực hiện viêc báo cáo số liệu phục vụ tính toán kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, nhưng đến nay vẫn còn 534 doanh nghiệp chưa tuân thủ thực hiện.
Khó khăn tương tự tại Bộ Xây dựng, các đơn vị sản xuất xi măng đã tiếp cận được thông tin về các quy định của pháp luật về kiểm kê khí nhà kính, tuy nhiên nhiều đơn vị chưa nắm rõ về việc phải cung cấp dữ liệu hay cung cấp kết quả kiểm kê theo giai đoạn như quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Các công trình thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hầu hết đều chưa có tiếp cận với các quy định có liên quan.
Ở góc độ khác, chính Bộ Xây dựng cũng chưa ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với ngành Xây dựng, điều này khiến các đơn vị khó khăn trong việc tìm hiểu và áp dụng các phương pháp, kỹ thuật kiểm kê.
Bên cạnh đó, quy định về đơn vị tiếp nhận thông tin chưa rõ ràng, dẫn tới khó khăn trong việc nộp các thông tin, nộp cho cơ quan liên quan. Các đơn vị chưa nắm được về kỹ thuật, phương pháp khi phải tự thực hiện kiểm kê từ năm 2025.
Theo thông tin từ ngành Giao thông vận tải, đây là quy định mới và là lần đầu tiên các cơ sở phải thực hiện công tác quản lý số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính nên nhận thức của các cơ sở còn chưa đầy đủ; nhiều cơ sở chưa phân công rõ người chịu trách nhiệm, hệ thống quản lý năng lượng của cơ sở chưa được hoàn thiện nên việc thống kê chưa đúng, chưa đủ các phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng tại cơ sở; Một số cơ sở có sự sai khác tên và địa chỉ (do đổi tên và địa chỉ), không có trong hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn nên khó khăn trong việc tiếp cận thông tin; theo thống kê có 21/70 cơ sở không gửi báo cáo về số liệu hoạt động về Bộ GTVT (chiếm tỷ lệ 30%).
Bắt đầu từ năm 2025, hàng nghìn doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo quy định. Trước đó, từ đầu năm 2024, nhà nhập khẩu vào EU các sản phẩm như: Phân bón, sắt, thép, nhôm và xi măng sẽ phải thực hiện báo cáo khí thải nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm, theo cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới.
ảnh minh họa
Như vậy, ngay từ thời điểm hiện tại, kiểm kê khí thải nhà kính là vấn đề rất cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp lớn đã triển khai, phần lớn các doanh nghiệp còn lại trong danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Ở góc độ khác, theo số liệu khảo sát của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, 44,2% số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính và thường giao trách nhiệm cho bộ phận môi trường tiến hành kiểm kê khí nhà kính.
Một số doanh nghiệp giao cho bộ phận kỹ thuật hoặc bộ phận kiểm định trách nhiệm xã hội thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Chỉ có một doanh nghiệp thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để kiểm kê khí nhà kính. Nghĩa vụ báo cáo thường xuất phát từ tập đoàn hoặc yêu cầu trong chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, phương pháp tiến hành kiểm kê khí nhà kính chưa rõ ràng, một số doanh nghiệp chỉ áp dụng hệ số phát thải do công ty mẹ cung cấp để ước tính lượng phát thải khí nhà kính. Điều này có nghĩa là sẽ cần nhiều hỗ trợ để cải thiện sự chính xác của dữ liệu.
Theo một số khảo sát gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ có số ít hưởng ứng các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, trong khi khối này chiếm tới 96,7% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Do hạn chế về nguồn lực (cả tài chính lẫn nhân lực), các doanh nghiệp này thường sử dụng máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu, mô hình sản xuất kém hiệu quả,… Đây là nguyên nhân quá trình sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo nhiều chất thải, phế thải và thường có cường độ phát thải khí nhà kính cao. Nếu các doanh nghiệp này tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ và xác định năng lượng chính là chìa khóa trong quá trình chuyển dịch theo hướng phát thải bằng “0”. Do vậy, họ có ý thức chủ động tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng đèn LED, điều hòa Inverter, thiết bị cảm biến ánh sáng,…
Các doanh nghiệp miền Trung và miền Nam Việt Nam có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái. Mặc dù, điều này có thể không hẳn từ ý thức tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp. Hệ thống quản lý thông tin phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn chung có thiếu hụt rất nhiều, khó đáp ứng được yêu cầu về số liệu phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, có 74,4% doanh nghiệp có dữ liệu liên quan đến phát thải khí nhà kính và dữ liệu năng lượng với 34,9% có cả dữ liệu về năng lượng và phát thải khí nhà kính, 37,2% có dữ liệu về năng lượng và chỉ có 2,3% có dữ liệu về phát thải khí nhà kính.
Điều này có thể hiểu được vì hầu hết các đơn vị phát thải lớn đều là đơn vị năng lượng được chỉ định và cần thu thập dữ liệu năng lượng theo yêu cầu của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc thu thập và cung cấp dữ liệu cho tính toán kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI được đánh giá có hệ thống cơ sở dữ liệu tương đối đầy chủ và chi tiết do quy định của các công ty mẹ liên quan đến thực hiện trách nhiệm báo cáo kiểm kê khí nhà kính hoặc trách nhiệm với các đối tác khách hàng quốc tế có yêu cầu liên quan đến số liệu hoạt động, số liệu kiểm kê khí nhà kính trong hồ sơ sản phẩm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Heineken, Nestlé, Vingroup,... đã và đang vận hành hệ thống theo dõi phát thải khí nhà kính và triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi sản xuất của mình.
Cần khống chế lượng khí tài nhà kính ra môi trường
Năng lực, nhân lực và kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, ở cấp độ doanh nghiệp đây là vấn đề còn khá mới, trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với thách thức.
Cụ thể, chưa có nhiều văn bản hướng dẫn của pháp luật về các cam kết giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hơn nữa, chính doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa vẫn chưa xem nặng vai trò của mình trong các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì vẫn cho rằng với quy mô nhỏ sẽ không ảnh hưởng đáng kể; bên cạnh đó, nguồn lực tài chính còn hạn chế nên chưa phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp; bên cạnh đó, nguồn lực cho các hoạt động và năng lực về chuyên môn của doanh nghiệp còn hạn chế; đặc biệt đối với doanh nghiệp trong nước chưa quen với việc thu thập, xử lý số liệu, tính toán kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở. Đối với chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa xác định được mục tiêu về phát thải khí nhà kính. Do đó, họ gặp khó khăn về định hướng chiến lược trong tương lai về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của mình. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa nắm rõ được xu hướng thay đổi của nhiều thị trường lớn về cam kết khí hậu (thuế biên giới các-bon CBAM của Liên minh châu Âu…).
Chính vì vậy, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để nâng cao vai trò và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các cam kết và hành động vì mục tiêu khí hậu rất cần có nhiều biện pháp hỗ trợ. Đơn cử: Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng, ban hành và phổ biến chính sách rõ ràng hơn đến các doanh nghiệp về mục tiêu quốc gia, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế; tăng cường sự thông thương trao đổi mục tiêu hành động về khí hậu giữa các doanh nghiệp lớn trên thế giới với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thông qua các đối thoại trực tiếp, các buổi hội thảo quốc tế; cùng với đó cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hướng đến mục tiêu khí hậu chung.
Ngoài ra, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực khí hậu trái đất nói chung phải được Chính phủ xem là một mục tiêu ở tầm quốc gia, không chỉ tạo nguồn nhân lực cho công tác quản trị quốc gia mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức khác ngoài nhà nước. Từ đó, góp phần thực hiện hóa các hành động vì mục tiêu khí hậu chung của quốc gia và phạm vi toàn cầu.
Tiêu chuẩn kiểm kê khí nhà kính hiệu quả
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mặc dù ngành Công thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2023 quy định về quy trình kỹ thuật đo đạc, báo cáo và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính của ngành Công thương. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức nên năng lực triển khai, tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà nhà kính còn nhiều hạn chế, chưa bố trí nhân lực phù hợp để thực hiện. Điều này thể hiện rõ trong quá trình khai báo số liệu hoạt động theo yêu cầu của Bộ Công thương cho thấy có nhiều nhầm lẫn, sai sót trong quá trình tổng hợp và hệ thống hóa số liệu báo cáo dẫn đến kết quả tính toán kiểm kê khí nhà kính chưa đảm bảo tính chính xác.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn có liên quan trực thuộc thực hiện thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở. Các địa phương giao các cơ quan thực hiện chưa thống nhất nên gặp khó khăn trong công tác phối hợp với Bộ Công thương quản lý lĩnh vực theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Hầu hết các cán bộ công tác tại cơ quan chuyên môn của ngành Công thương tại địa phương (Sở Công thương) chưa được đào tạo về quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cũng là khó khăn của địa phương khi phải thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở trên địa bàn bắt đầu từ năm 2025.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm để triển khai kiểm kê khí nhà kính, ngành Công thương có nhiều cơ sở và cần bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Tương tự, tại Bộ Xây dựng, cán bộ thu thập dữ liệu chưa được đào tạo chuyên sâu kiến thức về kiểm kê khí nhà kính do đó khó khăn trong việc xác định số liệu cần thu thập như: loại số liệu, đơn vị của số liệu, nguồn dữ liệu, độ chính xác của dữ liệu,... Quy định về cung cấp số liệu hoạt động, kết quả kiểm kê trước ngày 31 tháng 3 gây khó khăn do thời gian cuối năm các đơn vị nhiều việc, tháng 1-2 thường vướng tết nguyên đán, nên lùi sang tháng 5.
Nhân sự của Bộ Xây dựng thực hiện công tác quản lý ngành đối với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói riêng còn mỏng, cần được đào tạo chuyên sâu hơn về năng lực kiểm kê cho các lĩnh vực liên quan đến ngành Xây dựng. Tại địa phương, ngành Xây dựng chưa có bộ phận, cán bộ chịu trách nhiệm đầu mối về kiểm kê khí nhà kính, do đó gặp khó khăn trong việc tổng hợp dữ liệu, kiểm tra dữ liệu, cung cấp thông tin.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến việc triển khai các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ yếu giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở ngành tại địa phương để triển khai. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7/2024 mới duy nhất tỉnh Ninh Bình ban hành quy chế phối hợp cụ thể.
Các địa phương, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường gặp khó khăn trong việc chuẩn bị triển khai việc nội dung quy định liên quan đến thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ của các cơ sở từ năm 2025 trở đi theo quy định hiện hành do đây là vấn đề mới, kỹ thuật trong khi các cán bộ ở địa phương hầu hết đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về kiểm kê khí nhà kính, đánh giá về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Một số địa phương như Thái Bình, Hải Phòng,... đề xuất giao việc thực hiện thẩm định cho các đơn vị độc lập có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. Việc không quy định rõ “cơ quan chuyên môn có liên quan” thực hiện thẩm định cũng khiến các địa phương lúng túng trong việc triển khai,...
Giảm thiếu biến đổi khí hậu, thiên tai,... từ việc kiểm soát khí thải
Trên cơ sở các yêu cầu thực tiễn và một số khó khăn, hạn chế đã nêu trên, ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ quản lý lĩnh vực và các địa phương cần khẩn trương thực hiện hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực và cơ sở; đề xuất hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; tổ chức các hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ sở theo lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;
UBND cấp tỉnh chủ động trong việc triển khai thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi quản lý, tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật về kiểm kê khí nhà kính của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực chuyên ngành ban hành.
Các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cần chủ động tăng cường nhận thức về trách nhiệm pháp lý của mình trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính, rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Nhất Nam