Triển khai hiệu quả các công trình, dự án đo đạc và bản đồ
02/04/2024TN&MTBám sát các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong năm 2023, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước; triển khai có hiệu quả các công trình, dự án đo đạc và bản đồ, hợp tác quốc tế và đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng đã được triển khai đồng bộ, thông suốt mang lại hiệu quả cao.
Nhiều “điểm sáng” trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
Năm 2023, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát chương trình hành động của Bộ, Chương trình công tác, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023; tập trung triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch được giao ngay từ đầu năm và đạt được những kết quả quan trọng trong quản lý, chỉ đạo điều hành đối với lĩnh vực ĐĐ&BĐ.
Nổi bật trong năm qua, Cục đã tham mưu xây dựng và trình Bộ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ĐĐ&BĐ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27/3/2023); chủ trì xây dựng và trình lãnh đạo Bộ TN&MT ban hành 5 Thông tư quy chuẩn kỹ thuật theo đúng tiến độ, đảm bảo trình tự, thủ tục. Bên cạnh đó, Cục đã hoàn thành công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ĐĐ&BĐ năm 2023; kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc trả lời các yêu cầu của các bộ, ngành và các địa phương liên quan đến vấn đề địa giới hành chính các cấp, các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, biên giới, biển, đảo và các hoạt động ĐĐ&BĐ.
Về công tác dịch vụ công và tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, một phần; tiếp nhận, xử lý và trả kết quả 3.573 hồ sơ cung cấp thông tin dữ liệu ĐĐ&BĐ. Công tác cấp giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ cho các tổ chức được thực hiện theo đúng quy trình thủ tục đã được đăng tải công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, góp phần từng bước xã hội hóa một số dịch vụ trong lĩnh vực ĐĐ&BĐ.
Năm qua, Cục cũng đã cấp phép hoạt động ĐĐ&BĐ cho 218 tổ chức; cấp chứng chỉ hành nghề cho 68 cá nhân và vừa tổ chức kỳ sát hạch xét cấp chứng chỉ hành nghề ĐĐ&BĐ hạng I/2023 vào ngày 25/11/2023. Đồng thời tiếp nhận và giải quyết các đơn thư, các ý kiến hỏi đáp trên hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân, các Sở TN&MT kịp thời đúng quy định.
Đối với các dự án đầu tư, ông Hoàng Ngọc Huy cũng cho biết, năm 2023, Cục đã hoàn thành Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử” với sản phẩm là cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia các tỷ lệ 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000; 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 đã được Cục bàn giao, cung cấp cho các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành, phát triển KT-XH, xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số.
Cục cũng đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tại 63 điểm cầu bằng hình thức đào tạo trực tuyến qua nền tảng E-Learning và hơn 3.000 học viên là các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các Bộ, ngành, địa phương các viện nghiên cứu trên cả nước. Đồng thời, tổ chức triển khai xây dựng hệ thống mốc độ cao thế kỷ, sửa chữa, bổ sung mạng lưới mốc độ cao hạng I và hạng II, tiến hành đo đạc độ cao tại các TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu độ cao tin cậy phục vụ cho công tác quy hoạch, xây dựng phát triển KT-XH, QP-AN trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh việc thực hiện các dự án đầu tư, trong năm qua, Cục cũng tích cực triển khai các nhiệm vụ thường xuyên được Chính phủ giao như: Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính (2012 - 2025); Dự án bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý các tỷ lệ khu vực các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế trở ra, 2019 - 2025); Dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan” và nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên chuyển tiếp của Dự án Hoàn chỉnh Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam (2011 - 2024); Dự án Xây dựng bộ bản đồ chuẩn và cơ sở dữ liệu bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào (2018 - 2024); Dự án Xây dựng các điểm mốc cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam.
Tập trung công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đo đạc và bản đồ
Năm 2024, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ĐĐ&BĐ theo Chương trình xây dựng và ban hành VBQPPL của Bộ TN&MT. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật về ĐĐ&BĐ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ĐĐ&BĐ; kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về ĐĐ&BĐ theo kế hoạch.
Đối với công tác quản lý hoạt động ĐĐ&BĐ, tiếp tục xây dựng, đề xuất kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ĐĐ&BĐ năm 2024. Tổ chức thực hiện 06 cuộc kiểm tra trên địa bàn 06 tỉnh: Đắk Lắk, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Giang và tổ chức thực hiện đợt sát hạch, xét cấp chứng chỉ hành nghề ĐĐ&BĐ hạng I theo kế hoạch.
Việc thực hiện các đề án, dự án và các nhiệm vụ chuyên môn: Hoàn chỉnh Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam; xây dựng bộ bản đồ chuẩn và cơ sở dữ liệu bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Xây dựng các điểm mốc cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Tiếp tục cung cấp dịch vụ định vị chính xác phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) thu nhận, quản lý, phân tích, xử lý, cung cấp các thông tin, số liệu quan trắc, điều tra, đo đạc theo thời gian thực để triển khai các ứng dụng thông minh, tự động hóa, từng bước chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hệ độ cao quốc gia nhằm sớm công bố hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia theo quy định của Luật ĐĐ&BĐ đồng thời đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về phát triển KT-XH, QP-AN, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bổ sung, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia ở các tỷ lệ hiện đại đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương phục vụ quản lý lãnh thổ, phục vụ quy hoạch, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các nhu cầu khác của xã hội.
Cục tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031 của Cục, kiện toàn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với một số đơn vị trực thuộc Cục; xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của Cục; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Tiếp tục duy trì các mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức quốc tế truyền thống thông qua các hoạt động chung của khu vực, tham gia các hội nghị, hội thảo, trao đổi đoàn thường niên.
Đối với công tác biên giới và địa giới: Tiếp tục thường trực thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới thuộc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và tham gia các đoàn khảo sát khi có yêu cầu. Chuẩn bị tư liệu, tài liệu tham gia cùng các Bộ, ngành đàm phán, giải quyết các vấn đề với các nước có liên quan trên biển Đông. Phối hợp với Bộ Nội vụ để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính và trình phê duyệt kết quả xác định ranh giới hành chính trên biển. Tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính theo nhiệm vụ được Cục giao. Tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng bộ bản đồ chuẩn và cơ sở dữ liệu bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Đồng thời, tham gia hướng dẫn các địa phương, cơ quan trong và ngoài Bộ thực hiện việc lập mới hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Quyết định số 513/QĐ-TTg và chuẩn bị tài liệu bản đồ, sơ đồ khu vực chưa phân định địa giới hành chính do lịch sử để lại giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng để trình Chính phủ xem xét, giải quyết.
Đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện phần mềm quản lý văn bản đi, đến và hồ sơ công việc đảm bảo thông suốt, đầy đủ và đăng tải trung thực, chính xác phục vụ công tác điều hành xử lý công việc, khai thác thông tin, truyền dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và quản lý văn bản hành chính có hiệu quả. Triển khai có hiệu quả danh mục các dịch vụ hành chính công trên cổng thông tin điện tử Cục và tiếp tục thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001-2015 trong Cục.
TS. HOÀNG NGỌC LÂM
Cục trưởng Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024