
Triển khai giải pháp cấp bách chống ô nhiễm môi trường không khí
18/09/2023TN&MTTheo các chuyên gia, để có thể kiểm soát được ô nhiễm không khí, cần triển khai ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống ô nhiễm. Trong đó, bên cạnh sự nỗ lực, chung tay phối hợp của các bộ ngành, địa phương thì việc ứng dụng chuyển đổi số, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và việc phân bổ hợp lý các nguồn lực cho quản lý chất lượng môi trường không khí là rất cần thiết.
Ảnh minh họa
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thiệt hại kinh tế
Thực trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) không khí đang là vấn đề nhức nhối của Thế giới và Việt Nam. Theo Báo cáo thường niên về Chỉ số môi trường (EPI) do thực hiện, Việt Nam chúng ta là một trong 10 nước ONMT không khí hàng đầu châu Á. Tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM 10, PM 2.5), trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất của cả nước, có nhiều thời điểm bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5 - là “sát thủ vô hình”, bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Việc đo lường chất lượng không khí phải dùng đến các công cụ phức tạp. Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại. Theo đánh giá, bụi PM2,5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Theo Báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm các khoản chi phí: Chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, trong một nghiên cứu độc lập, đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, ô nhiễm không khí của Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân như từ công nghiệp, ô nhiễm từ giao thông, ô nhiễm từ sinh hoạt,… Tuy nhiên, không loại trừ một số nguyên nhân do nhận thức chủ quan của một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý, chủ doanh nghiệp,… Đâu đó ở các địa phương vẫn còn tồn tại chủ trương hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, không đúng tinh thần của Đảng, Chính phủ. Ngoài ra, khung pháp lý còn chưa đầy đủ, là rào cản cho việc quản lý ô nhiễm không khí.
Triển khai giải pháp cấp bách chống ô nhiễm môi trường không khí
Trước những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra, Luật BVMT 2020 đã đề ra nhiều công cụ kiểm soát môi trường không khí, trong đó quy định quốc gia và các địa phương phải có Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Đây được coi như là công cụ tổng thể nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.
Để có căn cứ thực hiện đồng bộ hơn nữa việc cải thiện không khí trên cả nước và địa phương, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ONMT, Bộ TN&MT, sau khi Luật BVMT 2020 được ban hành, ở cấp Trung ương, Bộ TN&MT trực tiếp ban hành và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương tỉnh thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí. Hiện nay, trên cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.
Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, quy định, nguyên tắc để các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường. Trong đó, Bộ TN&MT đã rà soát sửa đổi kỹ thuật quốc gia về chất lượng công nghiệp để các đơn vị lấy đó là thước đo. Để kiểm soát tốt hơn về khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động cụ thể là các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang tiến hành rà soát thực tế để từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới.
Về quản lý chất lượng không khí, ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc. Hiện Bộ TN&MT đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước để giám sát không khí.
Trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện quy hoạch quan trắc quốc gia. Hiện mạng lưới quan trắc quốc gia đang được thực hiện theo hướng bổ sung tăng các trạm quan trắc, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, vùng quan trọng trên cả nước.
Về việc giảm thiểu phát thải khí thải, Bộ TN&MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải. Hiện có 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ. Từ đó, Bộ TN&MT nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, có sự cố xảy ra Bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục.
Về vấn đề phối hợp quản lý khí thải liên tịch liên vùng đã được nêu rất rõ trong Luật BVMT 2020. Đây là việc quan trọng và phù hợp. Luật đã quy định cụ thể các tỉnh cần có những văn bản, quy chế riêng để BVMT, kiểm soát chất thải, khí thải. Tuy nhiên có những ô nhiễm liên vùng liên tỉnh thì cần phải được xử lý cấp quốc gia. Đây cũng là nội dung Bộ đang quan tâm và đã trình đề án để Chính phủ phê duyệt.
Có thể thấy, công tác quản lý chất lượng không khí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nếu muốn cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương nữa. Với những khó khăn, thách thức đã được nêu ra từ các chuyên gia, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề, thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đã có Luật BVMT 2020, Kế hoạch BVMT không khí quốc gia. Tuy nhiên, từng đó thôi chưa đủ, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn như chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh; ứng dụng chuyển đổi số để xác định và quản lý nguồn ô nhiễm; tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm như hiện nay.
HOÀNG QUANG HUY
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2023