TP HCM: Mua chung cư chục năm chưa nhận được sổ hồng
14/03/2022TN&MTDân sống tại nhiều dự án căn hộ phản ánh dù nộp tiền tỷ mua nhà song vẫn như ở trọ vì vô vọng chờ sổ hồng cả thập kỷ.
Hội đồng nhân dân TP HCM vừa chủ trì chương trình "Dân hỏi – chính quyền trả lời" chủ đề quản lý, sử dụng nhà chung cư hôm 13/3, thu hút hàng nghìn người sống ở các căn hộ trên địa bàn thành phố tham gia chất vấn.
Theo phản ánh của các hộ dân, họ đã phải đối mặt với nhiều tranh chấp: quỹ bảo trì, sở hữu chung riêng, lập ban quản trị... triền miên năm này qua tháng nọ. Trong hàng loạt những bức xúc, nỗi khổ chưa được cấp sổ hồng khiến người mua nhà chẳng khác nào ở trọ kéo dài 5-7 năm, thậm chí cả thập niên bị đẩy lên đỉnh điểm.
Bà Hồ Thị Vinh, đại diện cư dân Lexington - một chung cư cao cấp trên địa bàn quận 2 cũ, TP Thủ Đức chào bán ra thị trường năm 2013-2014 giá đôi ba tỷ đồng một căn - cho biết, nhiều năm qua, người mua dự án này mòn mỏi chờ sổ hồng. Đầu năm 2021, Sở Tài nguyên Môi trường có văn bản đủ điều kiện để cấp sổ hồng, bà con nô nức làm hồ sơ. Nhưng đến cuối năm 2021, Văn phòng quản lý đất đai trả lời chưa được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án là Công ty Novaland đã đồng ý đóng tiền nộp thuế theo yêu cầu của Nhà nước để tiến hành làm sổ hồng cho khách hàng, thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền trước nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý.
"6 năm qua, chúng tôi thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Tôi muốn biết còn vướng mắc gì, thành phố cần có giải pháp cấp sổ hồng để trả lại công bằng cho người dân", bà Vinh nói.
Tương tự, đại diện cư dân chung cư Hưng Ngân, quận 12 cho hay, bỏ tiền tỷ mua nhà từ năm 2014-2015 đến nay gần cả chục năm cũng chưa được nhận sổ hồng. Bên cạnh đó, dự án khi chào hàng quảng cáo có nhiều tiện ích để bán được giá cao song đến khi dân nhận nhà, tiện ích dịch vụ không được bàn giao đủ.
Trên website của Hội đồng Nhân dân TP HCM, ông Huy đại diện cư dân chung cư Sài Gòn Home, quận Bình Tân phản ánh người dân mòn mỏi chờ sổ hồng chưa được giải quyết.
Theo hướng dẫn từ Sở Tài nguyên Môi trường và UBND quận Bình Tân, công ty Nhà Sài Gòn có trách nhiệm đóng góp kinh phí, phối hợp cùng UBND Quận Bình Tân hoàn tất bồi thường phần diện tích 161.66m2 (phần diện tích ngoài phạm vi lộ giới quy hoạch) chưa bồi thường theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
"Tình trạng này khiến không thể hoàn thành hồ sơ tiến hành làm sổ hồng. Vậy giải pháp khắc phục việc này như thế nào?", ông Huy chất vấn lãnh đạo thành phố.
Thị trường nhà chung cư khu vực quận 2, TP Thủ Đức.
Trường hợp của chung cư Minh Thành, chính chủ đầu tư cũng mất kiên nhẫn vì cả thập kỷ chưa xong thủ tục cấp sổ hồng. Ông Bùi Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Minh Thành, đại diện chủ đầu tư chung cư này giải bày, mặc dù công ty nộp hồ sơ làm thủ tục cấp sổ hồng nhưng bị vướng ở khâu xác định đất ở và đất thương mại. Thành phố chỉ đạo các sở ngành họp nhiều lần nhưng chưa có kết quả. "Hiện nay cư dân rất bức xúc vì chưa được cấp sổ. Xin hỏi thành phố có những giải pháp gì quyết liệt và nhanh hơn việc cấp sổ", ông Minh đặt câu hỏi.
Trước thực trạng bị treo sổ hồng của người dân ở hàng loạt các dự án chung cư, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM khẳng định, tất cả dự án nhà ở đủ điều kiện để cấp sổ hồng đều đã được giải quyết. Hiện nay còn 50.000 căn chưa cấp, trong đó có 2 nhóm vấn đề lớn. Nhóm thứ nhất là các dự án xây dựng sai phép. Nhóm thứ hai, chủ đầu tư các dự án chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, trong đó có nghĩa vụ tài chính.
Theo ông Thắng, khi tổ chức xây dựng công trình, chủ đầu tư thế chấp dự án để lấy nguồn vốn thực hiện nhưng khi xây dựng xong phải giải chấp ở ngân hàng và nộp hồ sơ cấp sổ. Hiện trên địa bàn thành phố có 60 dự án thế chấp ngân hàng. Sở đã đề nghị doanh nghiệp thuộc nhóm này sớm giải chấp để nộp hồ sơ cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục cấp giấy cho người dân.
Trước đây thành phố có hơn 70 dự án nhà ở liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung để đủ điều kiện cấp sổ hồng, đến nay còn 43 dự án. Trường hợp chung cư Lexington nằm trong nhóm dự án này. Theo chỉ đạo của thành phố, Sở sẽ tính toán nhanh phần nghĩa vụ tài chính bổ sung để cấp sổ hồng cho người dân tại dự án này. Với dự án chung cư Minh Thành vướng pháp lý về đất đai, đã được nhiều đơn vị phối hợp giải quyết và xác định đất dự án là đất ở. Vì vậy, dự án này đã đủ cơ sở làm thủ tục cấp sổ.
"Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM xây dựng kế hoạch đến năm 2023 cấp khoảng 40.000 sổ. Mỗi dự án có những vướng mắc khác nhau, cần đi vào từng vấn đề nhằm tháo gỡ và sẽ giải quyết để sớm cấp sổ hồng cho cư dân", ông Thắng khẳng định.
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM thừa nhận, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do chung cư là môi trường cùng chung sống, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chủ thể. Cần đến 3 nhà gồm: nhà dân (cư dân), nhà đầu tư (doanh nghiệp) và nhà quản lý cùng chung tay mới có thể thực hiện tốt việc vận hành nhà chung cư.
Để phối hợp hiệu quả nhà đầu tư tức các doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện nghiêm túc từ khâu chuẩn bị thực hiện dự án, đến khâu nghiệm thu đưa vào sử dụng và vận hành, sau đó mới đến vai trò của người dân và cơ quan quản lý cấp cơ sở. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm tốt ngay từ đầu trong khi người dân vẫn còn thiếu thông tin để bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Phó chủ tịch UBND TP HCM hướng dẫn người dân phản ánh các tranh chấp nhà chung cư từ cấp cơ sở là các chủ tịch UBND xã, phường, quận, kế đến là thanh tra Sở Xây dựng và thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường để được xử lý các vướng mắc. Ông Bình cho biết thêm, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường có kế hoạch cấp sổ hồng cho các dự án cụ thể hàng tháng, hàng quý, hàng năm và giám sát chặt chẽ nhằm sớm giải tỏa vướng mắc cho người dân.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), có hàng chục nghìn căn nhà thuộc các dự án bị treo sổ hồng nhiều năm qua, đa số thuộc các doanh nghiệp top đầu thành phố như: Hưng Thịnh, Novaland, Quốc Cường Gia Lai, Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam...
Những dự án bị treo sổ hồng trong khoản thời gian dài, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, gây hoang mang cho người dân và làm mất an ninh trật tự của thành phố. Đây cũng là nỗi đau của người mua nhà vì có người lao động cả đời mới mua được chỗ an cư nhưng đến lúc mất vẫn chưa thấy được sổ hồng, là bằng chứng thành quả lẽ ra họ xứng đáng được nhận.
Theo vnexpress.net