
Sáng ngày 22/10/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 21-22/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đến thăm Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đón tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, lãnh đạo cùng cán bộ viên chức của Tổng cục khu vực Hà Nội.
Tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn, ông António Guterres đã thăm Phòng Truyền thống và viết lưu bút. Sau đó ông cùng đoàn thăm Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn (thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres viết lưu bút tại Phòng Truyền thống của Tổng cục Khí tượng thủy văn
Trong bài phát biểu chào mừng Ngài António Guterres, GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á (RAII) đã thay mặt cho gần 3000 cán bộ viên chức, người lao động ngành Khí tượng thủy văn đang làm việc trên khắp mọi miền đất nước bày tỏ niềm vui khi được đón tiếp Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Thư ký đến công tác khí tượng thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,… nhằm bảo đảm các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres xem hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất cho khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm tác nghiệp khí tượng thủy văn
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái, hiện nay mạng lưới quan trắc, truyền tin trong mạng lưới KTTV quốc gia đã được quan tâm và đầu tư nhiều trang thiết bị. Cụ thể có 186 trạm khí tượng bề mặt; 2.500 điểm đo mưa tự động; 14 trạm đo bức xạ; 232 trạm thủy văn; 26 trạm khí tượng thủy văn biển; 10 radar thời tiết; 179 trạm quan trắc môi trường không khí và nước và 18 trạm định vị sét.
Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn còn đầu tư, phát triển các công cụ dự báo hiện đại như: Mô hình toàn cầu IFS, GFS, GSM,…; mô hình khu vực WRF 3km, WRF 1km; hệ thống dự báo tổ hợp 32 thành phần phân giải cao. Đặc biệt, công nghệ dự báo còn sử dụng siêu máy tính CRAY-XC40, cho phép tính toán hàng triệu phép tính mỗi ngày, đưa ra tổ hợp dự báo và sản phẩm chi tiết phục vụ giám sát thiên tai, chia sẻ thông tin và hỗ trợ các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua Trung tâm Hỗ trợ Dự báo Khu vực về Thời tiết nguy hiểm và Trung tâm Cảnh báo lũ quét Khu vực Đông Nam Á,…
Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã nêu ra 5 định hướng phát triển công tác khí tượng thủy văn cho các mục tiêu: Ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững; an ninh năng lượng, an ninh lương thực và môi trường sinh thái; phòng chống thiên tai; bảo đảm sinh kế người dân.
Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ vui mừng khi đến thăm Tổng cục Khí tượng thủy văn và chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, tiến bộ vượt bậc về công nghệ và hiệu quả trong dự báo khí tượng thủy văn ở Việt Nam. Ông cho biết, hiện nay trên thế giới nhiều nơi đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn về người và của do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nhưng nhờ áp dụng công nghệ cảnh báo sớm, đã dự báo được thiên tai và giảm thiểu tối đa thiệt hại. Nếu không dự báo sớm thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức khí tượng các nước, hiện Việt Nam là một trong ít nước có hệ thống quan trắc radar tương đối hoàn thiện.
Liên hợp quốc hiện nay đang cố gắng thiết lập mục tiêu trong 5 năm tới sẽ xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm ở tất cả các nước trên thế giới. Ông António Guterres đánh giá cao vai trò của Tổng cục Khí tượng thủy văn. Tổng Thư ký cho biết, Tổng cục không chỉ dự báo thời tiết, thủy văn và những dự báo khác đã mang lại dịch vụ hữu ích không chỉ cho người dân trong nước mà còn cho các nước khác trong khu vực.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc "Tôi xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh, bản đồ dự báo mà các bạn đã trình chiếu, những kịch bản ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long Những gì được thấy tại đây, tôi thấy rằng, các cơ quan khí tượng thủy văn là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, bảo vệ người dân, giảm phát thải, giúp cho các nhà quản lý hoạch định chính sách chống chọi lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu"..
Tổng Thư ký đã đưa dẫn chứng về đất nước Pakistan đang phải chịu cảnh lũ lụt rất lớn. Ông António Guterres nói hậu quả này vừa là kết quả của thời tiết khí hậu nhưng đồng thời cũng có nguyên nhân do sự buông lỏng quản lý của nhà nước. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy như nước biển dâng, nước sông không được quản lý đã tác động xấu đến hệ thống sinh thái và đời sống người dân.
Hiện nay, ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long đang phải ứng phó với nước biển dâng, xâm nhập mặn và hạn hán, thiếu nước từ thượng nguồn. Đây là mối đe dọa chung không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam là thành tố vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển, để bảo vệ cho người dân giảm phát thải và khôi phục và chống chọi được với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký hy vọng sau này, khi cháu của ông đến thăm Việt Nam sẽ thấy đây là một khu vực xanh tươi, năng động với những hoạt động kinh tế ở đó con người sống một cuộc sống thịnh vượng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trao tặng Tổng Thư ký Liên hợp quốc vật phẩm lưu niệm thân thiện với môi trường
Hoài Linh, Huy Thế