Tôn vinh giải pháp xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
07/12/2024TN&MTNgày 6/12, tại Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.
Lễ trao giải thưởng Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Ô nhiễm nhựa, nhất là ô nhiễm do nhựa dùng một lần gây ra, đã và đang là thách thức lớn đối với xã hội. Rác thải nhựa tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Vì vậy Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động giảm thiểu, tìm ra những giải pháp, những hướng đi mới chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP), Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện.
Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ở tất cả các quốc gia trên thế giới
Cuộc thi tập trung phát triển các sáng kiến, giải pháp công nghệ mới, cải tiến chuỗi giá trị tuần hoàn, góp phần lan tỏa và tôn vinh những kinh nghiệm, ý tưởng, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong giảm thiểu và xử lý chất thải, nhất là chất thải nhựa. Đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng trong sinh hoạt, sản xuất nhằm giảm thiểu, quản lý và xử lý hiệu quả chất thải nhựa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Ban giám khảo cuộc thi đã lựa chọn 20 trong số 80 sáng kiến để trao giải. 2 giải Nhất được trao cho các sáng kiến: “Thiết bị tự động thu gom rác thải nhựa trên ao, hồ chạy bằng năng lượng mặt trời” của tác giả Nguyễn Quang Nam; “Ứng dụng nhựa sinh học từ thực vật (plant-based composite) thay thế nhựa gốc dầu hỏa trong lĩnh vực đóng gói bao bì” của tác giả Trần Ngọc Dung.
Chất thải nhựa có thể trở thành tài nguyên nếu có giải pháp công nghệ hiệu quả
Nhiều sáng kiến thiết thực khác được trao giải, như Hướng dẫn và giám sát hoạt động phân loại rác tại nguồn và sự tham gia của người dân trong việc trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải phát sinh trên địa bàn của Tổ bảo vệ môi trường cộng đồng phường Cẩm Nam, thành phố Hội An; Giải pháp xanh - Nội thất tái chế của tổ chức Upgreen Việt Nam; WINDOU-Ứng dụng tính toán và thương mại rác thải tái chế thông qua Tín chỉ Carbon; Máy ép chất thải tái chế cỡ vừa và nhỏ VMECO.2024 của Công ty cổ phần Môi trường Vietmap,…
Nhiều ý tưởng, sáng kiến tham dự cuộc thi có khả năng ứng dụng trong thực tế, đem lại hiệu quả cao trong việc giảm rác thải nhựa tại hộ gia đình, cộng đồng. Nhiều mô hình có thể áp dụng trực tiếp vào chuỗi cung ứng nguyên liệu tạo ra nền kinh tế tuần hoàn nhựa, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trao hai Giải Nhất có các tác giả có sáng kiến xuất sắc
Dịp này, Trung tâm Truyền thông và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm đạt giải; các sản phẩm, dự án đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn; các gian hàng kết nối và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.
Các ý tưởng sáng tạo sẽ trở thành những bước tiến đột phá, tiên phong trong mở đường cho một tương lai xanh hơn, một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa và giúp kiến tạo một đất nước xanh, sạch, phát triển bền vững, hội nhập toàn cầu.
Theo nhandan.vn