Tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí
05/12/2024TN&MTĐó là chủ đề mà Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại Lễ phát động cuộc thi ngày 5/12/2024 tại Hà Nội nhằm khơi dậy tiềm năng phát huy tư duy, sáng tạo những ý tưởng, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí.
Tham dự và chủ trì Lễ phát động có ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm TTTN&MT; Bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng biên tập Báo TN&MT; TS. Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Văn phòng Bộ TN&MT; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Khoa Môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội; TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT.
Ông Cao Minh Tuấn phát biểu khai mạc Lễ phát động
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, ông Cao Minh Tuấn cho biết: Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí đã tăng lên mức độ đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”, hôm nay, Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp với Trường ĐH TN&MT Hà Nội tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí” và “Tranh số hành động vì môi trường không khí”.
Lễ phát động cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng phát huy tư duy, sáng tạo những ý tưởng, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí
Như chúng ta đã biết, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí đến từ rất nhiều nguồn, cơ bản có hai nguyên nhân chính là từ nhân tạo và tự nhiên. Cháy rừng, gió là tác nhân gián tiếp gây ô nhiễm; Ô nhiễm không khí do những cơn bão. Con người là nạn nhân của việc ô nhiễm môi trường nhưng con người cũng chính là những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Rất nhiều hoạt động hằng ngày của con người góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường không khí (Sản xuất công, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu gom, xử lý rác thải; tình trạng đốt rác thải, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí). Do đó, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khỏe con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có tới hàng triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí mà chủ yếu là do bụi siêu mịn có thể đi sâu vào trong cơ thể con người.
Để cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, chúng ta phải có các giải pháp giảm phát thải từ các nguồn chính. Về giao thông, giảm bụi đường; giảm ùn tắc, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; phân vùng giao thông…; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp; đầu tư chuyển đổi khuyến khích phương tiện giao thông công cộng….; các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải di động, nguồn phân tán, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp, công cụ về chính sách, kỹ thuật, kinh tế và các giải pháp quản lý khác nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố
Cuộc thi sẽ chính thức diễn ra ngay sau Lễ phát động này. Hy vọng rằng, Cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn xã hội, cộng đồng, giới trẻ và thế hệ gen Z, các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp trong tất cả chúng ta.
Để Cuộc thi đạt được kết quả như mong muốn, Ban Tổ chức chỉ đạo phổ biến sâu rộng về Cuộc thi; khuyến khích, tạo điều kiện cho các đối tượng tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi; kịp thời nắm bắt, xử lý hoặc tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức Cuộc thi.
Tâm Đức