Tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các lò than truyền thống
30/08/2024TN&MTNgày 29-8, đoàn công tác của Bộ KH-CN do Thứ trưởng Bùi Thế Duy dẫn đầu đã có buổi khảo sát thực tế tại các hộ dân sản xuất than truyền thống tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Lãnh đạo Bộ KH-CN và đoàn công tác khảo sát thực tế tại lò đốt than của một hộ dân ở xã Xuân Hòa
Tham dự buổi khảo sát còn có lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc, các chuyên gia, nhà khoa học, cùng đông đảo các hộ dân sản xuất lò than truyền thống…
Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng cho biết, làng nghề đốt than truyền thống Xuân Hòa có hơn 200 hộ làm nghề, hiện có 431 lò đang hoạt động, tổng sản lượng 33.620 tấn/năm. Tổng doanh thu mỗi năm từ làng nghề đạt hơn 51,7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động, cho thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.
Người dân tại làng nghề đốt than truyền thống ở xã Xuân Hòa
Bên cạnh việc mang lại giá trị kinh tế, nghề hầm than cũng đang bộc lộ một số vấn đề đặt ra như: Tình trạng ô nhiễm khói bụi từ than ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực; hiệu suất sản xuất than chưa đạt như kỳ vọng (4kg gỗ chỉ đạt khoảng 1kg than)…
Tại buổi làm việc, các hộ dân sản xuất than kiến nghị cần nghiên cứu, có thiết bị xử lý khói bụi từ sản xuất than; có chính sách hỗ trợ chủ lò lắp thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất nhằm rút ngắn thời gian, tăng chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo Bộ KH-CN trao tặng Hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn tại huyện Trần Đề
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, buổi khảo sát nhằm nắm rõ thực trạng sản xuất tại làng nghề, đồng thời ghi nhận ý kiến, kiến nghị từ người dân trực tiếp sản xuất cũng như người dân sống trong khu vực. Từ đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ vào cuộc để tìm ra giải pháp khoa học hướng đến hoạt động sản xuất than truyền thống bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ KH-CN đã trao tặng Hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn (dùng để uống trực tiếp và sinh hoạt, do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc nghiên cứu) cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trần Đề; khảo sát mô hình Tổ HTX sản xuất lúa ST25 Đồng Đầy tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Theo sggp.org.vn