Tiếp tục xây dựng chính sách pháp luật về biển đảo trong bối cảnh mới
03/06/2023TN&MTCục Biển và Hải đảo Việt Nam luôn xác định công tác pháp chế và xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để đưa công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vào nền nếp; tạo cơ sở pháp lý và động lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển, đảo; tăng cường quốc phòng - an ninh.
Vậy thời gian qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nỗ lực như thế trong nhiệm vụ này, nhân dịp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023, Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi, phỏng vấn Bà Phạm Thị Gấm - Trưởng phòng Chính sách và Pháp chế về công tác triển khai nhiệm vụ của Cục trong thời gian qua.
Phóng viên: Năm 2023 là một năm có nhiều thay đổi về cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của Bộ TN&MT, trong đó bao gồm lĩnh vực biển đảo (trước là Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam). Bà đã có nhiều năm gắn bó ở đơn vị, lại đảm nhận công tác pháp chế? Xin bà cho biết về tình hình triển khai các nhiệm vụ về chính sách pháp chế của Cục trong thời gian qua? Bà đánh giá như thế nào về kết quả về chặng đường đã qua?
Bà Phạm Thị Gấm: Trong thời gian qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có nhiều thay đổi về cơ cấu và chức năng nhiệm vụ, trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong tình hình mới, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ động, nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn thách thức, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đối với công tác chính sách pháp chế, trong suốt chặng đường vừa qua, Cục luôn quan tâm, chú trọng, theo đó đã đạt được những kết quả và dấu ấn quan trọng. Cụ thể: Đã xây dựng và triển khai thực hiện Luật TN, MT biển và hải đảo năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai thực hiện Luật Biển Việt Nam năm 2012, Cục đã xây dựng và tổ chức thi hành Nghị định 51/2014/NĐ-CP về giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Đến nay việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân từng bước được hoàn thiện.
Có thể thấy rằng, trong những năm qua, các văn bản QPPL về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo từng bước được hoàn thiện, đã và đang được triển khai thực hiện rất tích cực, đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.
Phóng viên: Được biết, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tập trung cao độ để hoàn thiện nhiệm vụ Lập quy hoạch không gian biển quốc gia. Xin Bà cho biết, thời gian qua, Cục đã triển khai những hoạt động gì để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này? Và với những yêu cầu phát triển kinh tế biển trong tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Bà có đánh giá như thế nào về việc hợp tác quốc tế trong xây dựng quy hoạch không gian biển của Việt Nam?
Bà Phạm Thị Gấm: Lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết nhưng cũng hết sức khó khăn do là lần đầu tiên chúng ta tiến hành xây dựng, trong khi phạm vi quy hoạch rộng, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển còn thiếu,…Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện. Thông qua việc đấu thầu, Cục đã lựa chọn được 03 đơn vị liên danh để tham gia tư vấn xây dựng gồm: Viện Công nghệ môi trường, Viện Cơ học và Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ TN&MT đã thành lập Ban Quản lý, Tổ kỹ thuật để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo và xây dựng Quy hoạch. Việc xây dựng Quy hoạch đã tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch. Dự thảo Quy hoạch đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước.
Như đã nói ở trên, Quy hoạch không gian biển là một nhiệm vụ mới, lần đầu tiên thực hiện. Vì vậy, việc hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm là việc hết sức cấp thiết. Thời gian qua, Cục cũng đã tổ chức tham vấn các chuyên gia trong đó có cả các chuyên gia quốc tế. Một số tổ chức quốc tế như WB, GIZ cũng đã hỗ trợ nguồn lực để Cục tổ chức một số cuộc hội thảo. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đã thành lập và tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm lập Quy hoạch không gian biển tại Na Uy, quốc gia đã rất thành công trong việc lập quy hoạch không gian biển. Hiện nay, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Cục vẫn đang tập trung rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện Quy hoạch không gian biển trong năm 2023.
Phóng viên: Có thể thấy rằng, quy hoạch không gian biển quốc gia đang là một trong những nội dung hết sức quan trọng nhận được sự quan tâm của các địa phương ven biển. Xin bà cho biết, tiến độ lấy ý kiến góp ý đến thời điểm này và dự kiến khi nào sẽ hoàn thiện xong, áp dụng vào thực tiễn? Ngoài ra, xin bà cho biết thêm về một số quy hoạch, thông tư, nghị định,… mà hiện nay Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tập trung xây dựng và hoàn thiện.
Bà Phạm Thị Gấm: Hiện nay, ngoài nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang chủ trì xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 6 năm 2023. Ngoài ra, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ một số dự thảo Nghị định như: dự thảo Nghị định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng; dự thảo Nghị định quy định lấn biển; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.
Đối với dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia đến nay đã lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện. Dự kiến, Cục sẽ tham mưu cho Bộ để trình trong quý IV năm 2023. Với sự chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Quy hoạch không gian biển quốc gia cùng với các Nghị định nêu trên khi được Chính phủ ban hành sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển trong thời gian tới; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác sử dụng tài nguyên biển một cách bền vững, hiệu quả.
Phóng viên: Bà có những đề xuất gì cho công tác pháp chế về biển và hải đảo trong thời gian tới, thưa Bà?
Bà Phạm Thị Gấm: Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đang từng bước được triển khai thực hiện, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số khó khăn, vướng mắc cần được đánh giá để có sự sửa đổi, bổ sung.
Hiện nay, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang chuẩn bị cho công tác tổng kết thi hành Luật tài nguyên, môi trường biển vào năm 2024. Từ kết quả tổng kết sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan, đơn vị liên quan ở trung ương, các địa phương có biển,….có vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Thu Loan (T/h)
Bài đã đăng trên Tạp chí TN&MT số 10-2023