Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý về biển và hải đảo trong tình hình mới
29/03/2024TN&MTCục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực, quyết liệt sắp xếp bộ máy, ổn định đi vào hoạt động theo mô hình mới. Đồng thời, phối hợp với 28 tỉnh/thành ven biển, tháo gỡ khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo, trong đó có việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình lên Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp tới. Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn đã chia sẻ với phóng viên về một số kết quả công việc đạt được năm 2023 qua bài phỏng vấn dưới đây.
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn
Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong công tác triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo năm 2023?
Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn: Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Cục B&HĐ Việt Nam đã tích cực, quyết liệt sắp xếp bộ máy, ổn định đi vào hoạt động theo mô hình mới. Hoạt động của Cục đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đã giải quyết được nhiều nhiệm vụ tồn đọng kéo dài qua nhiều năm do tính chất phức tạp, nhạy cảm, cần sự phối hợp giữa nhiều đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Năm 2023, Cục B&HĐ Việt Nam thực hiện 10 nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (02 Nghị định, 06 Thông tư, 01 quyết định và 01 Văn bản hợp nhất). Đã tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên, BVMTB&HĐ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023; đã hoàn thành công tác lập Hồ sơ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến nay, cả hai quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch họp và thông qua. Hồ sơ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia đã trình Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình lên Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp tới, đây là những công cụ quan trọng tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMTB&HĐ.
Cục B&HĐ Việt Nam đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị cá nhân; tham mưu cho Bộ ban hành nhiều văn bản góp ý về hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các hồ sơ quy hoạch theo đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân; phối hợp xác định để công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý của các đảo lớn nhất thuộc các huyện đảo của Việt Nam; tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra thực địa đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra Cục B&HĐ Việt Nam đã hoàn thành tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1280/QĐ-TTg về việc sửa đổi Quyết định số 203/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động điều tra TN, MT biển, cập nhật cơ sở dữ liệu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về TN, MT biển,…
Cục đã phối hợp tốt với 28 tỉnh/thành ven biển, kịp thời tháo gỡ khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về B&HĐ. Phối hợp Ban Kinh tế Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình thực tế và làm việc với tỉnh ven biển về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương truyền thông và tổ chức các sự kiện biển đảo năm 2023 như: Tổ chức các hoạt động tại Tháng hành động vì môi trường và Tuần lễ B&HĐ Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2023; Tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển đảo, phân giới cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ khảo sát phục vụ thẩm tra Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại các tỉnh, thành ven biển. Phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai nội dung khảo sát, nắm bắt tình hình các hoạt động trên biển và ven bờ. Phối hợp Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý TN, MT tổ chức khảo sát thực tế nắm tình hình việc chấp hành pháp luật về BVMT biển, hải đảo tại các địa phương.
Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện vai trò đầu mối quốc gia có trách nhiệm và hiệu quả tại các cơ quan, tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương. Tích cực tìm kiếm, mở rộng xây dựng quan hệ với hơn 10 đối tác mới; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc 02 Đề án; tiếp tục chủ trì và phối hợp xây dựng và triển khai các Dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Tổ chức thành công ký Thoả thuận giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường B&HĐ vùng Vịnh Bắc Bộ; Tổ chức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý TN, MT và nghiên cứu khoa học biển với Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland; Lần đầu tiên tổ chức triển khai thực hiện MOU với Ấn độ về nghiên cứu ô nhiễm môi trường biển và chống sạt lở bờ biển; Tổ chức thành công Diễn đàn Đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam - Nhật Bản năm 2023.
Phóng viên: Được biết năm 2023, Cục B&HĐ Việt Nam đã tập trung vào xây dựng quy hoạch không gian biển, ông có kỳ vọng gì về quy hoạch này trong tương lai?
Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn: Hiện nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã trình Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình lên Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp tới.
Hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được xây dựng và hoàn thiện đảm bảo chất lượng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ TN&MT; sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các chuyên gia, nhà khoa đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu; và sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu của các bộ, ngành cơ quan trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Quy hoạch không gian biển quốc gia là một trong ba quy hoạch cấp quốc gia trình Quốc hội phê duyệt, đa ngành, mang tính tổng hợp, có tính “động và mở”, “dẫn dắt” và “tích hợp”, định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững; có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, giữa vùng đất liền, vùng biển và vùng trời, thúc đẩy phát triển KT-XH, BVMT và các hệ sinh thái, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.
Quy hoạch không gian biển quốc gia được Quốc hội thông qua sẽ là công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước về biển, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển trên cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp TN, MT B&HĐ; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng B&HĐ của Việt Nam.
Mục tiêu của Quy hoạch không gian biển quốc gia là phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, BVMT, bảo tồn biển, phát triển KH&CN, bảo đảm QP-AN và hợp tác quốc tế hiệu quả, từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Phóng viên: Xin ông cho biết định hướng và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Cục B&HĐ Việt Nam trong năm 2024?
Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn: Trong năm 2024, Cục B&HĐ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về TN, MT B&HĐ để tiếp tục đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành các Thông tư đảm bảo tiến độ và chất lượng; theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc hoàn thiện, trình phê duyệt đối với 02 Dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ; chuẩn bị tốt việc tổng kết thi hành Luật TN, MT B&HĐ.
Hai là, tăng cường thực hiện công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về TN, MT B&HĐ, tuyên truyền về biển và đại đương. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm bao gồm Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ B&HĐ Việt Nam (01-08/6), trong đó, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thành công Tuần lễ B&HĐ Việt Nam.
Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, sở trường công tác; rà soát, phân công công việc bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian”; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thúc đẩy dân chủ, sáng tạo, tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên đánh giá kết quả công tác gắn với việc thi đua khen thưởng; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, phòng chống tham nhũng,…Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn về công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT B&HĐ đối với các đơn vị trực thuộc và cơ quan chuyên môn của địa phương có biển.
Bốn là, tiếp tục tham mưu triển khai, đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ- CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên, BVMT B&HĐ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN, MT B&HĐ đến năm 2030; Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 729/QĐ-TTg.
Năm là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ giao. Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều phối tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sáu là, triển khai Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được phê duyệt, thông qua. Triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng đề án Phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á và là động lực phát triển của vùng”.
Bảy là, thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính giao khu vực biển; cấp phép nhận chìm ở biển; cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu TN, MT B&HĐ đúng quy trình, tiến độ.
Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong công tác điều tra cơ bản về B&HĐ; khai thác tài nguyên và BVMT biển, hải đảo; thực hiện nhiệm vụ hoạt động của cơ quan đầu mối thực hiện các nhiệm vụ của Bộ TN&MT về ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.
Tăng cường, chủ động trong công tác hợp tác quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, khai thác ứng dụng, chuyển giao, công bố, tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong điều tra cơ bản, quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT B&HĐ; tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế và trong nước; xây dựng, triển khai các thỏa thuận, điều ước quốc tế, các Dự án ODA; tiếp tục xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TN, MT B&HĐ quốc gia.
Tám là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cục với các đơn vị liên quan, chủ động tham mưu với Bộ để tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN&MT với các đơn vị, lực lượng liên quan và các địa phương có biển trong quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT B&HĐ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Thu Loan (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024