Thường Tín (Hà Nội): Vi phạm về đê điều của Công ty Hoàng Gia dưới góc nhìn của Luật sư
28/01/2024TN&MTTrước diễn biến phức tạp về những sai phạm trong quản lý đất đai, hành lang đê điều. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có loạt bài viết về sai phạm vi phạm về đê điều, tự ý tập kết phế thải, rác thải xây dựng, san lấp mặt bằng, xây dựng mố cẩu, xâm lấn đê điều trên hành lang thoát lũ của Công ty Hoàng Gia (tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng Vạn Điểm) đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được kiểm tra, xử lý.
Vị trí tự ý tập kết phế thải, rác thải xây dựng, san lấp mặt bằng, xây dựng mố cẩu, xâm lấn đê điều trên hành lang thoát lũ của Công ty Hoàng Gia
Trong quá trình vi phạm của (Công ty Hoàng Gia) đã có nhiều văn bản của cơ quan chức năng yêu cầu xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều làm ảnh hưởng an toàn đê và gây cản trở dòng chảy, thoát lũ của tuyến sông đối với Công ty Hoàng Gia. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng Vạn Điểm đã và đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy trách nhiệm xử lý thuộc về đơn vị, cơ quan chức năng nào? Không thể giải quyết sai phạm này thì các cá nhân, tổ chức các cấp quản lý có bị truy cứu trách nhiệm hay không?.
Để làm rõ vấn đề nêu trên, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Tình trạng lấn chiếm xâm phạm đê điều hiện nay diễn ra khá phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Đây là những vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát lũ cho khu vực, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ, bãi sông, làm mất an toàn công trình đê điều. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác”.
Quan điểm của tôi, nếu chủ thể vi phạm về hành vi đổ chất thải, để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều thì có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiến tai; thuỷ lợi; đê điều của Chính phủ với mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật trao đổi với phóng viên
Đối với trường hợp nếu có các căn cứ cho rằng chủ thể vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, chưa được xoá án tích thì chủ thể vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng và nhiều nhất là 7 năm. Ngoài ra, theo khoản 3 của điều này thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Luật sư Bình cho biết thêm!.
Trước đó, với quá trình vi phạm Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội có 06 văn bản số 688/CCĐĐ-QL ngày 20/10/2010, số 741/CCĐĐ-QL ngày 16/7/2012, số 1268/CCĐĐ-QL ngày 28/12/2012, số 633/CCĐĐ-QL ngày17/7/2015, số 1335/CCĐĐ-QL ngày 23/10/2017, số 262/CCĐĐ-QL ngày 08/3/2018 về việc đề nghị UBND huyện Thường Tín xử lý vi phạm về đê điều đối với Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia.
Cụ thể, ngày 06/12/2010, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín có Quyết định số 3116/QĐ-UBND xử phạt đối với Công ty Hoàng Gia về hành vi vi phạm hành chính về đê điều. Tiếp ngày 01/12/2011, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín có Quyết định số 3012/ĐC-CC cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hoàng Gia. Ngày 27/11/2015, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín có Quyết định số 3631/QĐ-XPVPHC đối với Công ty trên. Ngày 13/6/2016, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Quyết định số 36/QĐ-XPHC về đê điều với số tiền 11.000.000đ đối với Công ty Hoàng Gia. Năm 2017-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản số 999/SNN-ĐĐ ngày 10/05/2017, số 1342/SNN-ĐĐ ngày 24/5/2018, số 1543/SNN-ĐĐ ngày 21/5/2019 đề nghị UBND huyện Thường Tín xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều làm ảnh hưởng an toàn đê và gây cản trở dòng chảy, thoát lũ của tuyến sông.
Qua đó, ngày 21/11, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm được ông cung cấp hồ sơ liên quan đến Công ty Hoàng Gia.
Tại buổi làm việc, trao đổi với ông Hoàng Văn Huynh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia cho hay: “Dự án của chúng tôi được cấp từ 2008, trước khi có đề án sáp nhập về Hà Nội. Đất đang hoạt động đây là theo đất kinh doanh, đất nhân với hệ số 2 với diện tích 93.018m2. Và có bờ lợi hà để sử dụng, còn về xây dựng các mố cẩu thì chúng tôi xây dựng suốt từ những năm 2008. Trong quá trình hoạt động các đơn vị xuống kiểm tra có ai nói không được phép làm như này đâu. Hiện tại, chúng tôi đang có 5 - 6 mố cẩu bên Cảng vụ đã nắm được và có hồ sơ từ rất lâu”.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết: Về việc làm như này để kinh doanh mà không có chỗ bốc xếp đấy thì không làm được. Tuy nhiên, làm mà không báo cáo vẫn là sai rồi…
Tiếp đó, ngày 12/12, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường liên hệ với UBND huyện Thường Tín được ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Phòng Kinh tế; ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm đã đưa phóng viên đi xác minh lại các hạng mục vi phạm hành lang bảo vệ đê điều của Công ty Hoàng Gia.
Sau khi xác minh thực tế, phóng viên có buổi làm việc với ông Từ Đức Mạnh, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: Về vụ việc này chúng tôi đang thực hiện để chỉ đạo theo nội dung trong kết luận và đã làm báo cáo tham mưu với Lãnh đạo có kế hoạch xử lý dứt điểm các hạng mục vi phạm, nếu nghiêm trọng hơn có thể thu hồi dự án của Công ty Hoàng Gia.
“Đối với vi phạm này đã có Quyết định xử phạt, nếu Công ty Hoàng Gia vẫn cố tình sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để làm xem đằng sau có ẩn ý gì. Sau khi có báo cáo tôi sẽ thông báo lại cụ thể”.
Toàn cảnh khu đất của Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia thuê 93.018m2 để thực hiện dự án
Sau khi có bài viết của Tạp chí, ngày 08/12/2023, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã có Văn bản số 2354/TLPCTT-ĐĐ chỉ đạo Hạt Quản lý đê Thường Tín chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị kiểm tra liên quan đến vi phạm của Công ty Hoàng Gia.
Theo hồ sơ, tài liệu quản lý, báo cáo của Hạt Quản lý đê Thường Tín. Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia được UBND tỉnh Hà Tây cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng Vạn Điểm tại Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 11/7/2008 về việc thu hồi 93.018m2 đất chuyên dùng chuyển mục đích sử dụng đất thành đất sản xuất kinh doanh, giao Công ty Hoàng Gia thuê để thực hiện dự án.
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất nêu trên, năm 2015, Công ty Hoàng Gia đã tiến hành lắp ghép các cọc bê tông, xây dựng mố cầu tại mép bờ sông khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, Hạt Quản lý đê Thường Tín phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ vi phạm, báo cáo UBND huyện Thường Tín xử lý theo quy định.
Tiếp đó, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tại Hà Nội đã có nhiều văn bản đề nghị UBND huyện Thường Tín xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ và an toàn đê điều.
Cũng theo báo cáo của Hạt Quản lý đê Thường Tín, ngày 06/7/2023, Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm xây dựng công trình (ép ống sắt làm mố cẩu) ở lòng sông tại vị trí tương ứng K101+685 đê Hữu Hồng.
Qua đó, Hạt Quản lý đê Thường Tín phối hợp với chính quyền địa phương lập Biên bản vi phạm hành chính số 25/BB-VPHC đối với Công ty Hoàng Gia. Ngày 06/7/2023 có văn bản số 118/HQLĐTT gửi Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm để xử lý. Tuy nhiên đến nay, không hiểu lý do gì vụ việc vi phạm vẫn tồn tại, chưa được xử lý.
Với liên tiếp vi phạm pháp luật về đê điều của (Công ty Hoàng Gia) như vậy là rõ ràng và đã nhiều lần các Ban, Ngành chức năng lập biên bản vi phạm. Nhưng không hiểu sao vẫn hoạt động như không hề có chuyện gì xảy ra. Về việc này, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội khẳng định trách nhiệm là của Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm. Với câu trả lời của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, dễ hiểu, việc vi phạm pháp luật về đê điều của (Công ty Hoàng Gia) không thuộc trách nhiệm của Chi cục.
Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã có Văn bản số 2354/TLPCTT-ĐĐ
Như vậy, tính từ năm 2008 đến nay (Công ty Hoàng Gia) đã vi phạm hành lang bảo vệ đê điều là rõ ràng và đã nhiều lần các ban, ngành, chức năng lập biên bản vi phạm. Nhưng không hiểu sao vẫn hoạt động như không hề có chuyện gì xảy ra.
Qua sự việc này, đề nghị UBND huyện Thường Tín cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm về sai phạm vi phạm đê điều, tự ý tập kết phế thải, rác thải xây dựng, san lấp mặt bằng, xây dựng mố cẩu, xâm lấn đê điều trên hành lang thoát lũ của Công ty Hoàng Gia, nhằm đảm bảo về công tác quản lý về đất đai, đê điều cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tránh đơn thư kéo dài gây bức xúc dư luận.
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc:
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Hà Nội: Công ty Hoàng Gia vi phạm đê điều trong nhiều năm
- Thường Tín (Hà Nội): Cần xử lý dứt điểm vi phạm về đê điều của Công ty Hoàng Gia
- Thường Tín (Hà Nội): Trách nhiệm về xử lý vi phạm luật đê điều của Công ty Hoàng Gia
Sỹ Tùng