Thực trạng và những tiềm năng phát triển du lịch huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội
17/05/2022TN&MTHuyện Ba Vì (Hà Nội) là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ có điều kiện về tự nhiên và văn hóa xã hội thuận lợi. Trong những năm qua, du lịch Ba Vì đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế, mang lại những hiệu quả kinh tế rất to lớn. Trong quá trình phát triển, cách tổ chức du lịch của huyện cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Do vậy, muốn du lịch Ba Vì phát triển theo hướng bền vững cần phải có những giải pháp đồng bộ trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hoá sẵn có của huyện.
Tổng quan về những tiềm năng du lịch của huyện Ba Vì
Ba Vì là huyện phía Tây của Hà Nôi, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 53 km. Ba Vì nối liền với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận bằng các trục đường chính như: Quốc lộ 32, tỉnh lộ 89A,… và các tuyến đường thủy qua sông Hồng, sông Đà có tổng chiều dài 70 km.
Ba Vì đã và đang đặc biệt chú ý khai thác tiềm năng về du lịch - dịch vụ. Ba Vì có những cảnh sắc sông nước, núi non, rừng già quyện hòa, gắn bó tạo nên thế mạnh du lịch riêng có của huyện. Vùng núi Ba Vì chiếm 42% diện tích toàn huyện, với trung tâm là ngọn núi Ba Vì cao 1.296 m, cùng hệ động thực vật phong phú, quý hiếm [1, 5].
Đã từ lâu, Ba Vì được coi là huyện du lịch, bao gồm 2 vùng lớn: Khu vực sườn Đông núi Ba Vì, có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái. Nơi đây còn có những di tích văn hóa, lịch sử như đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung... rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Khu vực sườn Tây núi Ba Vì cũng được coi là nơi có tiềm năng phát triển du lịch vì có địa thế đẹp, một bên là núi nhìn ra sông Đà tạo ra sức hấp dẫn riêng. Khu du lịch quốc gia hồ Suối Hai là nơi cuốn hút nhất với diện tích vùng ven hơn 2.000 ha, có mặt nước hồ, có những hòn đảo nhỏ xanh mát hứa hẹn cho du khách những phút nghỉ ngơi thư giãn [5].
Ngoài ra, Ba Vì còn có nguồn nước khoáng nóng Thuần Mỹ thuận lợi cho việc khai thác du lịch khoáng nóng đối với du khách... Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, bức tranh du lịch Ba Vì chỉ dừng lại ở một số khu du lịch nằm ở sườn Đông như: Khoang Xanh, Đầm Long, Tản Đà, Ao Vua,… Những địa danh để du khách tìm đến khá quen thuộc và không nhiều chuyển biến trong nhiều năm trở lại đây [7].
Một số khu du lịch có quy mô lớn của Ba Vì hiện tại có thể kể đến: Sân golf Đồng Mô, được đánh giá là sân golf hàng đầu miền Bắc, khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, khu du lịch Thác Đa, khu du lịch Thiên Sơn - Thác Ngà, khu du lịch Suối Mơ, du lịch Ao Vua, khu du lịch Suối Hai và Vườn Quốc gia Ba Vì.
Bên cạnh phát triển du lịch sinh thái, khu vực Ba Vì còn có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh khi tại đây có khoảng 300 di tích lịch sử, văn hóa, những ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, như: Đình Tây Đằng, đình Thuỵ Phiêu, đình Thanh Lũng,... Đặc biệt, quần thể di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên núi Tản Viên là điểm đến của du khách về du lịch văn hóa. Đây cũng là tiềm năng để Ba Vì đẩy mạnh du lịch về nguồn, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch tâm linh.
Thực trạng du lịch của huyện Ba Vì
Huyện Ba Vì có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhiều di tích lịch sử văn hoá nên tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác du lịch của huyện vẫn gặp không ít khó khăn, chưa phát huy được hết thế mạnh vốn có, chưa đạt được những thành công xứng đáng với tiềm năng của vùng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có những quy hoạch mang tính chiến lược tổng thể của một vùng rộng lớn, vẫn xảy ra tình trạng “mạnh ai người ấy làm”, thiếu đi sự kết nối giữa các tua tuyến và các điểm du lịch, thiếu sự kết hợp của các loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch,… Khách trong và ngoài nước đến với Ba Vì chủ yếu vẫn đi du lịch theo hình thức khám phá tự túc.
Thêm nữa, Ba Vì còn có những cánh đồng cỏ xanh mướt, những trang trại bò sữa hiện đại, quy mô lớn. Cảnh quan thiên nhiên trên những cánh đồng cỏ, mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, các sản phẩm từ sữa cũng có thể đưa vào để phát triển mô hình du lịch sinh thái - trải nghiệm. Đây là một loại hình du lịch đang ngày càng phổ biến và có nhiều cơ hội để phát triển, nhất là các vùng xung quanh các đô thị lớn, đông dân cư.
Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch của huyện Ba Vì
Để phát triển hơn nữa tiềm năng du lịch Ba Vì cần có những giải pháp mang tính đồng bộ như xây dựng tổng thể quy hoạch du lịch, gìn giữ những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối du lịch Ba Vì với vùng xung quanh.
Bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên: Với thế mạnh là địa phương có nhiều thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, Ba Vì cần tiếp tục bảo tồn và phát triển những giá trị được thiên nhiên ban tặng như: vườn quốc gia Ba Vì, các con suối, thác đẹp, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, bảo vệ các nguồn nước, phát triển các loại động thực vật tạo nên giá trị đặc trưng của vùng.
Hoàn thiện quy hoạch du lịch: Huyện Ba Vì cần tập trung hoàn thiện các loại quy hoạch; kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để tạo nên các tour du lịch khép kín. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên, Khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, Khu khoáng nước nóng Thuần Mỹ. Huyện có các chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch; tích cực phối hợp triển khai lồng ghép các dự án để nâng cấp những điểm di tích, danh thắng, hỗ trợ xây dựng sản phẩm, tập trung nguồn vốn nâng cấp đường điện, thông tin liên lạc; tạo mối liên kết trong và ngoài huyện, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên du lịch và tập trung thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch,…
Nâng cấp cơ sở hạ tầng: Trong thời gian tới, huyện cần đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, trong đó nâng cấp cải tạo các tuyến đường vào khu du lịch; đưa công nghệ thông tin, cung cấp mạng wifi miễn phí tại các điểm du lịch. Ngoài ra, huyện cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng đất Ba Vì tại các khu du lịch và một số tuyến đường kết nối.
Ba Vì là một trong những địa phương sẽ được thành phố tập trung phát triển du lịch để trở thành trung tâm du lịch mới của Thủ đô. Trong đó, ngoài du lịch sinh thái còn có thể phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch golf. Các sở, ban, ngành quản lí về du lịch cần phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức các đoàn famtrip (khảo sát thị trường du lịch) để thực hiện kết nối với các điểm đến, cơ sở lưu trú tại Ba Vì, tổ chức tour dẫn khách du lịch đến với Ba Vì nhiều hơn [6].
Tiềm năng du lịch của Ba Vì đã được khẳng định, nhưng để phát huy được hết thế mạnh ấy, biến thành sản phẩm du lịch cụ thể, thu hút khách nội địa, tiến tới là khách quốc tế, đòi hỏi sự vận động, chung sức, liên kết của chính quyền địa phương với các đơn vị lữ hành, lưu trú thì mới có thể xây dựng được sản phẩm có tính dài lâu, chi phí hấp dẫn du khách.
Phát triển đa dạng loại hình du lịch: Cùng với những giải pháp trên, huyện Ba Vì cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Chính quyền địa phương phải có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, nâng cao các sản phẩm du lịch hiện có; đa dạng hóa dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm,… với mục đích thu hút và “giữ chân” du khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn [2,3]. Ba Vì cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp bằng chế độ ưu đãi để thu hút những người có trình độ cao,...
Hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Làng Họa sĩ Cổ Đô, làng chè xã Ba Trại gắn với văn hóa dân tộc Mường. Ngoài ra, địa phương sẽ tận dụng thế mạnh tiềm năng về hệ thực vật phong phú tại đây để phát triển du lịch xanh.
Kết nối du lịch: Để phát triển du lịch, Ba Vì cần phải kết nối những khu vực xung quanh để khai thác tối đa hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của vùng. Xung quanh khu vực Ba Vì có nhiều địa điểm du lịch như đảo Ngọc Xanh, khu di tích K9, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm,… Các đơn vị lữ hành và ban quản lý cần xây dựng tua tuyến du lịch kết nối du lịch Ba Vì hài hoà với khu vực xung quanh để khai thác tối đa tiềm năng của mỗi địa phương.
Tăng cường quảng bá du lịch: Công tác quảng bá, phát triển du lịch cần phải được trú trọng hơn nữa để du khách trong và ngoài nước có thể biết đến những sản phẩm du lịch của Ba Vì. Điển hình nhất là phải xây dựng những chương trình quảng bá các sản phẩm du lịch trên các kênh thông tin truyền thông.
Kết luận và kiến nghị
Ba Vì là một huyện phía Tây của Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như các danh lam thắng cảnh, các khu di tích lịch sử, các công trình tâm linh, nền văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú,… Trong những năm qua, du lịch Ba Vì đã có nhiều phát triển, song chưa tương xứng với những tiềm năng của địa phương. Các sản phẩm du lịch chưa có tồng bộ, chưa kết nối chặt chẽ được các loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch, hoạt động tổ chức khai thác du lịch còn rất tự phát.
Các tiềm năng du lịch của Ba vì chưa được trú trọng phát triển theo hướng bền vững dựa vào những thế mạnh của địa phương. Do đó, cần có những quy hoạch tổng thể để định hướng du lịch Ba Vì trở thành địa điểm thu hút được nhiều hơn hành khách trong và ngoài nước.
Lãnh đạo địa phương cần trú trọng phát triển du lịch Ba Vì theo hướng bền vững dựa vào những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, những di tích lịch sử văn hoá, các công trình tín ngưỡng tâm linh. Ban quản lý du lịch Ba Vì cần có những giải pháp mang tính tổng thể như xây dựng quy hoạch du lịch, gìn giữ những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực về dịch vụ du lịch,…
Xây dựng chiến lược để phát triển du lịch của Ba Vì theo hướng đồng bộ và có sự gắn kết giữa các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch, kết nối du lịch của Ba Vì với các vùng xung quanh.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Huy Bá (Chủ biên) (2009), Du lịch sinh thái, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội;
2. Bộ Chính trị (1998), Chỉ thị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, Hà Nội.
3. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội;
4. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2008), Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, Hà Nội;
5. Thế Đạt (2005), Tài nguyên du lịch Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội;
6. Nguyễn Thế Đồng (2015), “BVMT và phát triển du lịch bền vững”, Tạp chí Môi trường, Bộ TN&MT;
7. Nguyễn Đình Hoà, Vũ Văn Hiến (2001), Du lịch bền vững, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội;
8. Ngô Thắng Lợi, Vũ Thành Hưởng (2015), Phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và BĐKH Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội;
9. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái: Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
ThS. HOÀNG THU THỦY
Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển Công nghệ Tài nguyên và Môi trường