Thực trạng trao đổi tín chỉ các-bon tại Việt Nam hiện nay
13/11/2024TN&MTMặc dù Việt Nam đã có những thuận lợi trong việc triển khai thị trường tín chỉ các-bon, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn cần giải quyết đê thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam bắt nhịp được với thị trường tín chỉ các-bon của thế giới.
Tích cực triển khai dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nội địa. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế, chủ yếu là các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Thông qua các cơ chế, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.
Cụ thể, tình hình triển khai các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon tự nguyện quốc tế trong thời gian qua.
Một là, cơ chế CDM, được quy định tại Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Việt Nam hiện có 258 dự án và 13 chương trình CDM được đăng ký quốc tế. Trong đó, có 79 dự án được cấp tín chỉ (28.764.869 tín chỉ), 02 chương trình hoạt động được cấp tín chỉ (2.195.050 tín chỉ); chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng (thủy điện và bếp đun cải tiến), một số dự án xử lý chất thải và trồng rừng quy mô nhỏ (Việt Nam là một trong 4 nước có dự án CDM nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ) và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ các-bon).
Chủ chương trình, dự án khi bán tín chỉ ra nước ngoài có nghĩa vụ phải nộp lệ phí (1,2 - 2% trên tổng số tiền bán tín chỉ) cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thu được khoảng 50 tỷ đồng tiền lệ phí. Giá bán tín chỉ các-bon từ các dự án CDM của Việt Nam dao động từ 1,57-31,35 USD/tín chỉ.
Hai là, cơ chế Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS), hiện Việt Nam có 37 dự án được đăng ký theo Tiêu chuẩn VCS, trong đó có 20 dự án được cấp tín chỉ với tổng lượng tín chỉ được cấp là 1.919.464 tín chỉ; chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng và xử lý chất thải. Dự án được đăng ký và cấp tín chỉ đầu tiên vào năm 2011, còn lại chủ yếu vào giai đoạn sau năm 2012 (giai đoạn cam kết lần thứ hai về giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia phát triển theo quy định của Nghị định thư Kyoto).
Ba là, cơ chế Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard), Việt Nam có 40 dự án được đăng ký theo Tiêu chuẩn Tiêu chuẩn vàng, trong đó có 21 dự án được cấp tín chỉ với tổng số lượng tín chỉ được cấp là 2.038.029 tín chỉ (Toàn bộ các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng). Dự án đầu tiên được đăng ký từ năm 2010 và được cấp tín chỉ năm 2013. Tương tự như các dự án theo cơ chế Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định, các dự án theo cơ chế Tiêu chuẩn vàng được đăng ký chủ yếu vào giai đoạn sau năm 2012 (giai đoạn cam kết lần thứ hai về giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia phát triển theo quy định của Nghị định thư Kyoto).
Rừng Việt Nam có tiềm năng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tín chỉ các-bon từ Cơ chế Tiêu chuẩn vàng thường có giá cao hơn các cơ chế khác do Cơ chế Tiêu chuẩn vàng chú ý nhiều hơn đến tác động của các dự án đối với kinh tế, môi trường và phúc lợi xã hội của người dân địa phương. Trong năm 2023, một số dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã bán tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế Tiêu chuẩn vàng với giá 5 USD/tín chỉ, trong khi cũng dự án điện mặt trời đăng ký theo cơ chế Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định chỉ có giá dưới 1 USD/tín chỉ.
Ngoài các cơ chế tín chỉ các-bon nêu trên, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số quỹ lâm nghiệp được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) trên toàn cầu thông qua việc chi trả cho kết quả giảm phát thải đã được kiểm chứng như Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp toàn cầu (FCPF); Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).
Thỏa thuận mua bán giảm phát thải khí nhà kính được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Thế giới về việc bán 10,3 triệu tấn CO2 hấp thụ từ rừng trong giai đoạn 2018-2024 với giá 5 USD/tCO2 (số tiền thu được 51 triệu USD). Việt Nam được sử dụng 9.785.000 tấn CO2 (chiếm 95%) để thực hiện cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư (4,91 triệu tấn CO2) của giai đoạn 2018-2019.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đàm phán với Liên minh LEAF để ký kết “Thỏa thuận mua bán giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực Tây nguyên và Nam trung Bộ”. Dự kiến sau khi ký kết Thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2 (ước tổng giá trị là 51,5 triệu USD). Toàn bộ lượng giảm phát thải được giữ lại đóng góp cho việc thực hiện NDC của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo Các-bon rừng -Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng mới đây, ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Cục đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ các-bon rừng trong thời gian tới. Đó là rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định lĩnh vực lâm nghiệp; nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng cho các địa phương.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ các-bon rừng. Xây dựng tiêu chuẩn các-bon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải, tăng hấp thụ các-bon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng.
Đồng thời, tuyên truyền, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về các-bon rừng; tiếp tục triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với Ngân hàng Thế giới. Tham mưu đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Emergent; tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân.
Đối với các địa phương, Cục Lâm nghiệp chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kêu gọi sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường các-bon rừng tại Việt Nam.
Còn nhiều khó khăn và thách thức
Mặc dù đã có những điều kiện thuận lợi nhất định trong việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức cần giải quyết. Đơn cử, đối với thị trường tuân thủ (trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính), theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở còn chậm, ảnh hưởng đến việc đề xuất phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường các-bon tuân thủ, trong giai đoạn đầu chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn.
Mặt khác, hiện nay, EU đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) để kiểm soát phát thải khí nhà kính và áp dụng mức thuế các-bon áp vào các mặt hàng nhập khẩu gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón. Hoa Kỳ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế tương tự CBAM của EU với 08 mặt hàng có liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam cần xác định phạm vi các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong giai đoạn đầu phù hợp với điều kiện thực tiễn. Để chuẩn bị cho thị trường tuân thủ trong nước và ứng phó với Cơ chế CBAM, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đề xuất giai đoạn đầu dự kiến sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng.
Đối với thị trường tự nguyện, do tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, nên Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý: Chưa có các tiêu chuẩn tín chỉ các-bon riêng; thiếu hướng dẫn quy trình xây dựng, thực hiện dự án và cấp tín chỉ các-bon theo cơ chế trong nước.
Vì vậy, các doanh nghiệp chưa thể tham gia tạo tín chỉ các-bon theo các tiêu chuẩn riêng trong nước; chỉ có thể tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế. Để khắc phục vấn đề này, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đề xuất các Bộ quản lý lĩnh vực phải xây dựng tiêu chuẩn tín chỉ các-bon theo lĩnh vực. Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.
Việt Nam hiện có một số công ty tư vấn dịch vụ phát triển dự án tạo tín chỉ các-bon theo các cơ chế quốc tế nhưng chưa có đơn vị nào đáp ứng các yêu cầu về đơn vị thẩm định giảm phát thải theo các tiêu chuẩn quốc tế. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đề xuất quy định thúc đẩy các tổ chức trong nước tham gia thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kết quả giảm phát thải tạo tín chỉ các-bon theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay, quy định hướng dẫn của quốc tế về điều chỉnh tương ứng còn chưa đầy đủ, chưa rõ về ảnh hưởng của việc trao đổi tín chỉ tự nguyện quốc tế đến việc thực hiện mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Điều 6 Thỏa thuận Paris). Các giao dịch tín chỉ các-bon ra thị trường tự nguyện quốc tế tại Việt Nam hiện nay đều không có Thư chấp thuận của Chính phủ để thực hiện điều chỉnh tương ứng. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định nếu trong tương lai, có sự thay đổi trong cách tiếp cận liên kết giữa thị trường tự nguyện quốc tế và thị trường tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã đề xuất quy định về nội dung này.
Về công cụ quản lý tín chỉ các bon và hạn ngạch phát thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các quốc gia đi trước đều thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính để quản lý tín chỉ các-bon và hỗ trợ vận hành thị trường các-bon. Hệ thống đăng ký quốc gia được kết nối với các tổ chức tiêu chuẩn các-bon quốc tế (GS, VCS, GCC…). Việt Nam chưa nắm được các giao dịch tín chỉ các-bon tự nguyện của các doanh nghiệp với quốc tế; doanh nghiệp cũng chưa thực hiện việc báo cáo theo quy định.
Do đó, cần thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý được các chương trình, dự án tạo tín chỉ, việc trao đổi tín chỉ và quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 13/CT-TTg của TTgCP và được bổ sung quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Nhất Nam