Thực trạng công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
24/09/2024TN&MTĐánh giá thực trạng công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đề cập đến việc sử dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội - Đây là một vấn đề rất cần thiết trong việc quản lý tài nguyên đất đai và phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất một số giải pháp tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất hiệu quả trong đó đánh giá kết quả thực trạng công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội có khả năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Kiến tạo quận Bắc Từ Liêm thành đô thị giàu đẹp
Quận Bắc Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014 (theo Nghị quyết số 132/NQ-CP của Chính phủ) là dấu mốc, bước ngoặt quan trọng trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng.
Trong những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền quận Bắc Từ Liêm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc huy động tối đa các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo quận, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm đã tập trung thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền từ quận đến cơ sở, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư...
Thực tế cho thấy, 10 năm qua, tình hình kinh tế quận Bắc Từ Liêm khởi sắc mạnh mẽ, luôn duy trì mức độ tăng khá, kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ở mức 16.189 tỷ đồng. Đến năm 2023, kinh tế quận đã có bước tăng trưởng nhanh và mạnh, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu ước đạt 63.275,6 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất trung bình từ khi thành lập quận là 16,8%. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2014 - 2023 đạt trên 38.000 tỷ đồng.
Tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả tăng dần theo từng năm về các tiêu chí: tiến độ thi công, dự án hoàn thành, tỷ lệ giải ngân,… Từ năm 2014 đến năm 2023, quận đã khởi công 408 dự án, hoàn thành 341 dự án. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn hàng năm. Hạ tầng giao thông khung dần hình thành. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện.
Đặc biệt, để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đi vào nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính đồng bộ, những năm qua, quận Bắc Từ Liêm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cấp trong việc quản lý các công trình, dự án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đô thị,...
Một số các dự án phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo nghị định số 100/2015-NĐCP bao gồm: Dự án Tổ hợp công trình khách sạn, thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng nằm tại phường Xuân Tảo; Dự án Tổ hợp công trình căn hộ, văn phòng và công cộng Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm (đợt 1) tại phường Xuân Đỉnh;
Kết quả thực trạng công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội đã được triển khai quyết liệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, một số dự án còn chậm tiến độ kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất mà nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn. Khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay là các hộ dân kiến nghị về giá bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp thấp. Dẫn đến việc các hộ dân chưa đồng thuận về chủ trương thu hồi đất. Một số địa phương chưa thực sự tích cực phối hợp với các đơn vị, chức năng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tạo lập, khai thác quỹ đất
Về cơ chế, chính sách
Ban hành các văn bản quy định về công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất. Ban hành một số văn bản quy định riêng đối với từng vùng, từng khu vực đã được xác định mục đích theo hướng mở rộng, nhằm thu hút đầu tư: Khu vực dịch vụ kinh doanh, khu công nghiệp, chợ và trung tâm hành chính;
Nâng cao tính khả thi của quy hoạch kế hoạch bằng các biện pháp hành chính. Quy định về chế độ thông tin, công bố quy hoạch theo tính chất của từng loại quy hoạch, đảm bảo được tính minh bạch trong việc công khai quy hoạch kế hoạch để mọi thành phần kinh tế có thể tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch;
Tăng cường việc kiểm tra tình hình thực hiện công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất cấp dưới, kiểm tra tình hình sử dụng đất công. Có biện pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp cố tình chậm triển khai thực hiện hoặc sử dụng đất sai mục đích khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;
Tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình thực hiện thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá, hiệu quả cho các thủ tục: Chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất, giao cấp đất, thẩm định các dự án sử dụng đất.
Giải pháp về vốn đầu tư
Có chính sách ưu đãi trong đầu tư đối với những hạng mục công trình có khả năng thực hiện dưới hình thức xã hội hoá. Cần thực hiện lập quy hoạch chi tiết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia. Cần chú trọng tìm kiếm và mời gọi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thực hiện chính sách đổi đất tạo vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, thông qua các biện pháp: Chuyển đổi vị trí của các trụ sở cơ quan hành chính có lợi thế, tiềm năng về kinh doanh dịch vụ và thương mại, phát triển đô thị; Khai thác hiệu quả về mặt vị trí thuận lợi, về dịch vụ thương mại, công nghiệp, các khu dân cư đô thị,…đối với khu vực ven trục giao thông, các trung tâm hành chính xã, thị trấn và các chợ đầu mối,…
Về vốn đầu tư, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất để xây dựng các công trình dự án phục vụ cho mục đích công công, dân sinh và an ninh quốc phòng như: Giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng,… trên cơ sở phát huy truyền thống, tích cực của quần chúng nhân dân. Đồng thời, phải có biện pháp ưu đãi thiết thực đối với nhân dân khi hiến đất; có kế hoạch bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước để chỉnh lý biến động đất đai, đăng ký và cấp giấy chứng nhận,... Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thông qua chính sách khuyến khích đầu tư.
Giải pháp về quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong đó có sơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai, cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện phục vụ cho công tác quản lý đất đai nói chung và phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tổ chức, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cho các tổ chức, cá nhân được biết. Quy định về chế độ thông tin đảm bảo được tính minh bạch trong việc công khai quy hoạch, kế hoạch để mọi thành phần kinh tế các tổ chức cá nhân có thể tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch.
Tăng cường việc kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới, kiểm tra tình hình sử dụng đất công. Có biện pháp xử lý cụ thể, kiên quyết đối với các trường hợp cố tình chậm tiến độ triển khai thực hiện hoặc sử dụng đất sai mục đích khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Các cấp, các ngành trong việc quản lý và sử dụng đất phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Đất đai và các quy định của Nhà nước.
Khi có biến động lớn về sử dụng đất thì phải thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trước khi thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất,...
Tăng cường quản lý việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
PHẠM LƯƠNG VI; VŨ QUÝ TRỊNH, NGUYỄN TRỌNG TRƯỜNG SƠN
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 10 năm 2024