Thực tiễn triển khai các quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở tại các Bộ, ngành
01/11/2024TN&MTGiảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô - dôn đã trở thành vấn đề toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn đề này đã được chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thực trạng vấn đề này đã có nhiều kết quả khả quan,...Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chung của Chính phủ đã đề ra, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ngành Tài nguyên và Môi trường
Trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 của Việt Nam, mục tiêu đặt ra vào năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chất thải từ 46,3 triệu tấn CO2 tương đương xuống 29,4 triệu tấn CO2 tương đương (giảm 63% so với kịch bản phát triển thông thường) với sự hỗ trợ quốc tế. Các biện pháp giảm thiểu bao gồm: Giảm chất thải rắn; tái chế chất thải rắn, phân hữu cơ, nhiên liệu từ rác thải; thu hồi và tận dụng khí thải bãi; chôn lấp để phát điện; đốt rác phát điện; các biện pháp xử lý nước thải khác.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2022 đến nay, một số hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đã và đang được triển khai với những kết quả rõ rệt, đặc biệt là các dự án phát triển điện rác như: Nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày; Nhà máy Điện rác Seraphin với công suất thiết kế xử lý rác 2.250 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37MW,...
Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường bao gồm 76 cơ sở xử lý chất thải rắn. Nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện trách nhiệm báo cáo số liệu kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT ngày 15/11/2022 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Theo đó, các quy trình kỹ thuật chi tiết cho công tác kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực và cấp cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý chất thải đã được quy định chi tiết.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 80% các cơ sở xử lý chất thải đã thực hiện các biện pháp đánh giá mức giảm phát thải khí nhà kính từ các biện pháp xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt...
Tiếp đó, ngày 03/3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 1296/BTNMT-BĐKH gửi các các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc lĩnh vực chất thải về việc triển khai các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Công văn số 1295/BTNMT-BĐKH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở ý kiến phản hồi của 63 tỉnh, thành phố cũng như các cơ sở xử lý chất thải thuộc danh mục, 29 cơ sở quản lý chất thải thuộc danh mục của ngành tài nguyên và môi trường đã bị loại khỏi danh sách ban đầu do đã ngừng hoạt động, giảm quy mô vận hành hoặc chưa đi vào hoạt động. Hầu hết các cơ sở đã tuân thủ các quy định theo Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT trong việc thu thập và cung cấp các thông tin đâu vào phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 28/2022/TT-BTNMT ngày 29/12/2023 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải làm cơ sở xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí, bố trí nguồn lực để đảm bảo thực hiện các nội dung kỹ thuật đối với hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực và cấp cơ sở của lĩnh vực quản lý chất thải.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 80% các cơ sở xử lý chất thải đã thực hiện các biện pháp đánh giá mức giảm phát thải khí nhà kính từ các biện pháp xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt. 100% các cơ sở xử lý chất thải thuộc danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đã thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngành Công thương
Theo Bộ Công thương, thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu thập số liệu hoạt động và tính toán kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở của năm 2020 và năm 2022. Ngày 10/3/2023, Bộ Công thương đã ban hành Văn bản số 1239/BCT-TKNL về việc báo cáo số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công thương cho các năm 2020 và 2022 gửi tới 1.662 cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính trong ngành Công thương theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính 02 năm một lần và gửi báo cáo đầu tiên trước ngày 31/3/2025.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7/2024 mới nhận được báo cáo số liệu của 1.128 cơ sở (khoảng 68%). Qua rà soát xử lý số liệu của các cơ sở gửi về vẫn còn nhiều sai sót như sai đơn vị tính, thiếu thông tin về các loại nhiên liệu sử dụng. Với khối lượng lớn số liệu cần rà soát, xử lý, hiện nay mới hoàn thành tính toán kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực của năm 2020 và cho 675 cơ sở thuộc danh mục.
Bộ Công thương đã và đang thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở trong ngành thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính; ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính; hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong thương mại, dịch vụ và dân cư; hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Công thương triển khai các cơ chế, công cụ thị trường và phi thị trường liên quan đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việc kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được lộ trình để cắt giảm, phát thải khí nhà kính, xác định được chính xác nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ mới
Ngành Công thương đặt mục tiêu, đến năm 2025, giảm từ 25% đến 30% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Ngành Công thương đã nỗ lực tối đa trong việc kiểm kê và thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm phát thải khí mê-tan trong quá trình khai thác than, dầu khí, đốt nhiên liệu hóa thạch.
Về tăng trưởng xanh, giai đoạn đến năm 2025 sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy...; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng và các nhãn sinh thái khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.
Theo đó, ngành Công thương sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo theo hướng tăng trưởng xanh trong đó áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thông tin từ ngành Công thương cũng cho biết hiện nay, một số doanh nghiệp như Vinamilk, Traphaco,… đang đẩy mạnh việc ứng dụng nhiều mô hình khác nhau trong chuỗi hành động với vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính như chuẩn hóa phương pháp đo lường và kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064. Việc đo lường, kiểm kê khí nhà kính theo quy chuẩn không chỉ giúp doanh nghiệp tìm ra nhiều cơ hội giảm phát thải mà còn khẳng định trách nhiệm, định hướng cải tiến công nghệ và hướng đến minh bạch, chính xác, khách quan. Việc kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được lộ trình để cắt giảm, phát thải khí nhà kính, xác định được chính xác nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ mới.
Ngành Giao thông vận tải
Theo Báo cáo “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong ngành Giao thông vận tải Việt Nam” của Ngân hàng thế giới, Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính (tác nhân gây nên sự nóng lên toàn cầu), lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển hàng năm. Để giảm lượng phát thải này, ngành Giao thông vận tải đã và đang định hướng phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất và chiếm khoảng phần lớn lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy (gồm thủy nội địa và ven biển) chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt là không đáng kể. Tính theo đơn vị sản lượng vận tải, vận tải đường thủy phát thải thấp nhất, sau đó đến đường sắt, hàng không và cuối cùng là đường bộ có mức phát thải cao nhất. So với các nước tiên tiến trên thế giới, lượng phát thải do các hoạt động giao thông vận tải tại Việt Nam khá cao, chủ yếu do phương tiện cũ, lạc hậu, tuổi đời cao; mạng lưới kết cấu hạ tầng có chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; tổ chức vận tải chưa hiệu quả, vận tải đường bộ chiếm thị phần cao, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, giao thông công cộng chiếm tỷ trọng khiêm tốn tại các đô thị.
Thực hiện quy định Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã hướng dẫn các cơ sở thuộc ngành có trong danh mục thuộc phạm vi quản lý thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg tổ chức thu thập, quản lý và báo cáo số liệu năm 2022 gửi về Bộ, đồng thời đề nghị UBND cấp tỉnh và Sở Giao thông vận tải liên quan phối hợp.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông vận tải. Chương trình đề ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với từng phương thức vận tải, đồng thời yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông vận tải từ nay đến năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông vận tải còn có nhiều khó khăn, thách thức
Theo đó, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang các phương tiện xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là, hiện tỷ lệ phục vụ nhu cầu đi lại của giao thông công cộng chưa cao; tỷ lệ xe buýt điện mới chiếm khoảng 2,8% tổng lượng xe buýt trên toàn quốc. Trong khi đó, phương tiện cá nhân vẫn tăng cao hàng năm và việc sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường mới dừng lại ở mức thí điểm.
Tại các thành phố lớn, tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị vẫn diễn ra. Hơn nữa, đa phần những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc các phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông,... là những nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện, bao gồm: Khuyến khích sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng, nghỉ đường bộ...
Hiện nay, đã nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường xe điện Việt Nam, chuyển đổi mô hình sản xuất phương tiện như: Công ty VinFast, Hyundai Thành Công, TMT Motor,… Một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và kinh doanh trạm sạc ô tô điện, kể cả một số đơn vị đầu tư phát triển trạm sạc bên thứ ba như: EV One, EverEV, Eboost, EVN,...
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông vận tải còn có nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu cơ sở hạ tầng, trạm sạc; giá thành xe điện còn cao; thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng, sử dụng ô tô điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ. Ngoài ra, để đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rất cần sự nỗ lực, tham gia của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng trong việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Ngành Xây dựng
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và các cam kết quốc tế, ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg về chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đề ra mục tiêu tổng quát là “Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước”.
Thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Xây dựng đã dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng; hiện nay đang xin ý kiến các Bộ, ngành, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan bằng văn bản và lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Xây dựng.
Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch phát thải khí nhà kính trước khi tham gia thị trường các-bon. Theo nội dung rà soát danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đã cập nhật một số cơ sở sản xuất gạch, kính xây dựng vào danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Ngành Xây dựng đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính gồm: phát thải từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát thải từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại
Để tổng hợp tình hình thực hiện kiểm kê khí nhà kính của ngành xây dựng, năm 2023 Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đề nghị các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cung cấp số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính năm 2022 của ngành, đồng thời tính toán, kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương.
Trong đó, phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng, năm 2014 phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 91,93 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất gạch xây nung năm 2014: phát thải 5,73 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 4,22 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất vôi công nghiệp năm 2014: phát thải 4,1 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 2,9 triệu tấn CO2 tương đương. Sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014. Tỷ trọng này tăng lên khoảng 90% vào năm 2022. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Sản xuất gạch ốp lát, kính xây dựng phát thải khí nhà kính là không lớn nhưng cường độ phát thải của sản xuất kính và vôi là tương đối cao.
Ngành Xây dựng đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính gồm: Phát thải từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát thải từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại. Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển,…
Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và tư vấn trong nước, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng; đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Dự kiến văn bản sẽ ban hành trong năm 2024.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Theo đánh giá của các chuyên gia, nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính, góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Nền nông nghiệp nước ta đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: Trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 13%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách.
Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phát thải khí trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí CH4 (mê-tan). Loại khí này sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như áp dụng công nghệ “nông lộ phơi” chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác,...
Các chương trình sản xuất tiên tiến ở nước ta đã từng bước được áp dụng trong thời gian qua nhằm xanh hóa việc trồng lúa. Cụ thể như hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới.
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô, tuy nhiên việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Mỗi năm chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi còn chưa hiệu quả. Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí mê-tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.
Với quy mô đàn gia súc 28 triệu con lợn, xấp xỉ 9 triệu con trâu, bò và hơn 520 triệu con gia cầm, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 73 triệu tấn thải rắn; 25-30 triệu khối chất thải lỏng,… Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường. Để giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngành chăn nuôi đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Đối với chất thải từ chăn nuôi trâu, bò hiện nay, việc sử dụng các công nghệ mới, đệm lót sinh học được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm khí thải mê-tan, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường.
Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (như trấu, mùn cưa, rơm, rạ…) trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, giảm ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn hiện hữu, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sẽ là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước ta phát triển bền vững.
Thời gian tới, lĩnh vực nông nghiệp sẽ ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp; áp dụng các công nghệ trong trồng trọt như tưới khô, ướt xen kẽ và SRI ở vùng có hạ tầng đầy đủ; hiện đại hoá tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước giữa vụ trong canh tác lúa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả thành đất cây trồng cạn hoặc đất tôm - lúa; bón phân compost và nông nghiệp hữu cơ; thay phân đạm bằng các loại phân chậm tan, phân hóa chậm; cải thiện khẩu phần ăn gia súc nhai lại; tuần hoàn chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ; phát triển sử dụng khí sinh học. Giảm phát thải khí mê-tan trong các tiểu lĩnh vực, đặc biệt là canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp là các biện pháp nhằm thực hiện tuyên bố của Việt Nam tại COP26, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 2020.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm
Ngày 28/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2025, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 53,57 triệu tấn CO2 tương đương (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 14,26 triệu tấn CO2 tương đương, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 39,31 triệu tấn CO2 tương đương; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 59 triệu tấn CO2 tương đương. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2 tương đương (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 42,85 triệu tấn CO2 tương đương, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 79,1 triệu tấn CO2 tương đương; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 45,9 triệu tấn CO2 tương đương, giảm 30% so với mức phát thải năm 2020.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp. Thực hiện Nghị định số 06/2022/ND-CP, lĩnh vực lâm nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bao gồm: bảo vệ rừng tự nhiên; bảo vệ rừng ven biển; trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất trên đất không có rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên; phát triển rừng trồng gỗ lớn; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp; quản lý rừng bền vững. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế, gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO2tđ và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2tđ. Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất ròng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định của Luật Lâm nghiệp được chi trả theo quy định tại Nghị định này.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù các Bộ, ngành ở từng lĩnh vực phụ trách của mình đã triển khai quyết liệt các quy định về giảm phát thải khí nhà kính đến từng cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thì việc nhận thức và thực hiện giảm phát thải cũng như kiểm kê khí nhà kính ở các Bộ, ngành và địa phương còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Từ nhận thức, đặc biệt là nhận thức cấp cơ sở về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những khó khăn về nhân lực, kỹ thuật,... là những "nút thắt" cần có lời giải để Việt Nam hướng đến một quốc gia phát triển xanh, bền vững. Cụ thể, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các quy định về giảm phát thải khí nhà kính như thế nào, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin đến bạn đọc kỳ tiếp theo.
Nhất Nam