Thực thi ESG và đảm bảo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một quá trình dài hạn
07/06/2024TN&MTViệc áp dụng ESG, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhận thức mới nên cần có chủ trương và chiến lược cụ thể.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại toạ đàm Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và Kinh tế tuần hoàn diễn ra hôm nay (06/06). Sự kiện do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy và Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức.
Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng là một trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực.
Vì vậy, chiến lược phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế vào năm 2050 là một tham vọng rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới để có thể hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của mình theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu đó, trước yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang dần thay đổi cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...
Các nước phát triển đã dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026 để thúc đẩy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thực hiện giảm phát thải. Như vậy, từ ngày 01/01/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa trong doanh nghiệp sản xuất.
Toạ đàm Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và Kinh tế tuần hoàn
Do đó, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp đồng thời đáp ứng các điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi “xanh” như EU và Mỹ.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Việc áp dụng ESG, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhận thức mới nên cần có chủ trương và chiến lược cụ thể. Đồng thời, cần hướng dẫn chi tiết, không thể để các doanh nghiệp đi theo phòng trào mà nên thực hiện phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ngoài ra, nhà nước có thể cùng vào các hiệp hội để tháo gỡ vướng mắc về nhận thức, đưa ra các định hướng cho các doanh nghiệp".
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo trong "xanh hóa", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận thấy việc thực hành ESG và áp dụng các biện pháp tuần hoàn sẽ góp phần thúc đẩy tạo việc làm, tiếp cận công bằng các nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng, giúp tăng trưởng toàn diện và phúc lợi xã hội. Việc quản trị mạnh mẽ giúp đảm bảo rằng các thông lệ tuần hoàn được tích hợp vào chiến lược kinh doanh cốt lõi.
"Tuy nhiên, việc thực thi ESG và đảm bảo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một quá trình dài hạn. Mặc dù nhà nước có đưa ra được các chính sách kết hợp khung tiêu chuẩn, nhưng người tiêu dùng không có nhu cầu, không thể chi trả cho việc "ăn sạch mặc sang" sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sẽ không dám hô khẩu hiệu xanh hoá, phát triển sản phẩm tuần hoàn, bền vững", ông Lê Tiến Trường cho hay.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Để loại bỏ các rào cản trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh ngoài việc thể chế hóa các tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp cần xác định khoảng cách kỹ năng trong công ty. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng là điều nên thực hiện. Đồng thời, xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững từ đó ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo trách nhiệm, đạo đức kinh doanh", ông Trường nhận định.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc – UNFCCC cho rằng, ESG và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn là lợi thế của các doanh nghiệp hiện nay.
TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính
Vì vậy theo ông Nam, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp yếu kém về yếu tố quản trị cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc thu thập dữ liệu, tín chỉ carbon. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi quá trình lâu dài, không chỉ ngày một ngày hai, các doanh nghiệp nên ghi lại những hoạt động đã làm hàng ngày để thu nhập dữ liệu tốt hơn. Từ đó, lấy việc chuyển đổi xanh trở thành việc cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế.
Cũng nhân dịp này, VnEconomy chính thức ra mắt chuyên mục Kinh tế Xanh và Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn trên các ấn phẩm báo chí của Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy và Vietnam Economic Times)...
Chuyên mục Kinh tế xanh và Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn là kênh thông tin chính thức do Tạp chí Kinh tế Việt Nam sở hữu và vận hành cùng với sự đồng hành hợp tác về nội dung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu kiến tạo và phát triển một chuyên mục thông tin chuyên sâu, hội tụ nội dung về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ESG...
Bảo Loan