Thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có người gác
04/11/2024TN&MTPhó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1324/QĐ-TTg về việc thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang có người gác.
Thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có người gác
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có người gác theo Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 907/VPCP-CN ngày 04/02/2021 của Văn phòng Chính phủ và văn bản số 1782/TTg-CN ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, hoàn thành trong năm 2025.
184 đường ngang có người gác bao gồm: 38 đường ngang tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; 3 đường ngang tuyến Diêu Trì - Quy Nhơn; 22 đường ngang tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; 2 đường ngang tuyến nhánh đường sắt Cảng Chùa Vẽ; 60 đường ngang tuyến Yên Viên - Lào Cai; 2 đường ngang tuyến Phố Lu - Pom Hán; 2 đường ngang tuyến Bắc Hồng - Văn Điển; 16 đường ngang tuyến Đông Anh - Quán Triều; 2 đường ngang tuyến Gia Lâm - Hải Phòng…
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất và nội dung dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ; rà soát, cân đối nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt đã giao năm 2024 để thanh quyết toán các đường ngang đã hoàn thành và thực hiện ngay những công việc cần thiết, cấp bách.
Quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chi phí, đơn giá, định mức; quản lý sử dụng nguồn kinh phí được giao theo đúng quy định pháp luật; thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang hoàn thành trong năm 2025, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan cân đối, bố trí đủ kinh phí để thực hiện hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.
* Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 350/TB-VPCP ngày 25/7/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn kinh phí trong năm 2024 theo đúng quy định pháp luật và hoàn thành việc sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang chậm nhất trong năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan cần tập trung để hoàn thành 184/566 đường ngang.
Theo Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Rà soát, phân loại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường ngang có phòng vệ phù hợp với quy định hiện hành; ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép, từng bước xóa bỏ các đường ngang trái phép có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông ; thực hiện quy hoạch hệ thống hàng rào, đường gom các đường dân sinh, ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép vượt qua đường sắt…
Theo baochinhphu.vn