Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới
25/09/2024TN&MTSáng 25/9 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”. Sự kiện thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trên cả nước tham dự.
Diễn đàn nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình KTTH tại Việt Nam, đồng thời, cập nhật những diễn biến chính sách mới trên thế giới. Bên cạnh đó, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành/lĩnh vực và tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Quang cảnh Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS, TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và KTTH đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.
PGS, TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện KTTH rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Diễn đàn nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy KTTH, đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý "đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác", hoạt động trên 3 nguyên tắc: Bảo tồn vốn tự nhiên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả của hệ thống. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mô hình này không chỉ giảm khai thác nguyên liệu mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu chất thải, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đảng và Nhà nước coi KTTH là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định 687/QĐ-TTg về phát triển KTTH.
Nêu những khó khăn, thách thức trong thực hiện KTTH ở Việt Nam, Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, nhận thức về KTTH còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng về KTTH chưa đầy đủ, thiếu nhận thức và hiểu biết về KTTH ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, và thực tiễn sản xuất, pháp luật, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán. Cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển KTTH chưa được ban hành.
“Đặc biệt còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho phát triển KTTH. Đầu tư cho hoạt động R&D, KHCN cho phát triển KTTH còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp”, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nêu!.
Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, KTTH thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Việc thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH, tín dụng xanh sẽ khiến các TCTD phát sinh chi phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ngân hàng,...
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, hệ thống chính sách phát triển KTTH chưa đủ hoàn thiện. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức, công nghệ và tài chính để chuyển đổi sang KTTH. Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán, thiếu sự đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế và môi trường.
Tại diễn đàn, các bài tham luận của chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành, lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cũng như nhận diện và xác định đúng nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay.
Diễn đàn là dịp các chuyên gia gửi kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục những hạn chế, thách thức và tận dụng những lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực do bối cảnh mới mang lại, để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở các cấp độ: Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Nguyên Phương